
Cột khói làng nghề cũng là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí (ảnh chụp tại huyện Đan Phượng, Hà Nội). Hiện nay Hà Nội có 10 khu công nghiệp, khoảng 1.300 làng nghề - Ảnh: QUANG THẾ
Mới đây, Chính phủ yêu cầu Hà Nội, TP.HCM đưa chỉ số ô nhiễm không khí về ngưỡng an toàn trong 5 năm tới. Tại TP.HCM, các sở ngành cũng tích cực nghiên cứu, đưa ra nhiều giải pháp để kéo giảm ô nhiễm.
Các ngành và người dân phải cùng vào cuộc
Những năm qua, TP.HCM đã có nhiều chủ trương và đề án nhằm kiểm soát khí thải từ phát triển xe buýt điện, khuyến khích giao thông công cộng đến đề xuất kiểm định khí thải xe máy...
Trước chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đưa chỉ số ô nhiễm ở Hà Nội và TP.HCM, một chuyên gia nhận định: "Đây không chỉ là mệnh lệnh hành chính, mà là tiếng chuông báo động cho một tương lai. TP.HCM không thể mãi "thí điểm" hay "khảo sát".
Đã đến lúc TP cần có một lộ trình cụ thể, rõ ràng và dứt khoát hơn. Xe máy quá cũ nát, không đạt chuẩn khí thải phải dừng lưu thông. Tuy nhiên, TP cần có chính sách hỗ trợ người dân và thay thế bằng xe điện hoặc xe tiết kiệm nhiên liệu. Người dân cũng cần thay đổi, không thể viện cớ "thu nhập thấp" để tiếp tục chạy những chiếc xe "cà tàng" gây hại".
Liên quan vấn đề này, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết, kết quả quan trắc nhiều năm qua và các nghiên cứu liên quan đều cho thấy ô nhiễm không khí tại TP.HCM chủ yếu đến từ bụi. Trong đó giao thông đường bộ là nguồn phát thải chính.
Ngoài ra, chất lượng không khí còn chịu ảnh hưởng đáng kể từ yếu tố khí tượng như gió, độ ẩm, cũng như từ các nguồn ô nhiễm xa như khu công nghiệp, vùng giáp ranh.
Từ đầu năm 2025 đến nay, dù số ngày có chất lượng không khí kém chưa nhiều, nhưng lại rơi đúng vào những đợt thời tiết bất lợi, gây ra ảnh hưởng rõ rệt đến sức khỏe người dân. Cụ thể, tại trạm quan trắc đặt ở số 200 Lý Chính Thắng (quận 3), có 4 ngày trong quý I ghi nhận chỉ số AQI ở mức kém (7-1, 14-1, 25-3 và 26-3).
Tại trạm Lê Hữu Kiều (phường Bình Trưng Tây, TP Thủ Đức), cũng có 3 ngày chỉ số chất lượng không khí kém (7-1, 14-1 và 23-3). Trong các ngày này, nồng độ bụi mịn PM2.5 đều vượt ngưỡng cho phép theo quy chuẩn Việt Nam.
Dù con số chưa lớn nhưng theo ngành môi trường, điều đáng lo ngại là xu hướng ô nhiễm ngày càng phức tạp do khí tượng biến đổi thất thường.
Trong bối cảnh đó, việc kiểm soát chặt chẽ phát thải, giảm ô nhiễm không khí là yêu cầu cấp thiết, nhằm tiệm cận theo chuẩn khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bảo vệ sức khỏe cộng đồng đô thị.
5 mục tiêu giảm phát thải
Để đối mặt với thách thức này, TP.HCM đang triển khai hàng loạt chương trình hành động, cốt lõi là chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2020 - 2030 cùng kế hoạch 1558 được ban hành từ tháng 3-2024.
Kế hoạch này đặt ra 5 mục tiêu giảm phát thải cụ thể, chia theo từng lĩnh vực, từ giao thông, công nghiệp, xây dựng, nông nghiệp đến đời sống dân sinh. Trong đó đặc biệt chú trọng kiểm soát và cảnh báo về bụi mịn PM10, PM2.5. Đây là hai thành phần bụi có khả năng xuyên sâu vào cơ thể qua đường hô hấp.
Sắp tới, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các sở ngành giám sát chất lượng không khí. Riêng Sở Giao thông công chánh được giao nhiệm vụ tập trung các giải pháp giảm ô nhiễm từ giao thông, "thủ phạm" lớn nhất gây bụi và khí độc tại TP.
Đặc biệt, TP.HCM không chỉ dừng lại ở giải pháp kỹ thuật hay quy hoạch, mà huy động cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân cùng vào cuộc.
Ngoài giao thông, TP sẽ rà soát toàn bộ các ngành như xây dựng, xử lý chất thải, công nghiệp, nông nghiệp... để bóc tách nguồn phát thải, xây dựng cơ sở dữ liệu đầy đủ, từ đó thiết kế các bước đi phù hợp trong từng giai đoạn.
Bên cạnh các giải pháp chiến lược về quy hoạch, chính sách và quan trắc chất lượng không khí, TP.HCM cũng đang tăng cường các biện pháp mạnh tay trong việc kiểm soát trực tiếp các nguồn phát thải lưu động, đặc biệt là từ xe cơ giới không đảm bảo an toàn kỹ thuật.
Trao đổi với báo Tuổi Trẻ, ông Bùi Hòa An - phó giám đốc Sở Giao thông công chánh TP.HCM - thông tin hiện nay đơn vị đang tập trung Đề án kiểm soát khí thải phương tiện giao thông trên địa bàn TP.HCM hướng đến phát triển giao thông xanh, giảm ô nhiễm...
Đề án có 2 giai đoạn chính, giai đoạn 1 sẽ tập trung nghiên cứu, xây dựng chính sách nhằm hỗ trợ, khuyến khích chuyển đổi phương tiện giao thông công cộng bằng xe buýt điện, năng lượng xanh tại TP.HCM.
Giai đoạn 2 xây dựng chính sách nhằm hỗ trợ, khuyến khích chuyển đổi các phương tiện còn lại. Trong giai đoạn 1, TP.HCM định hướng đến năm 2030, 100% xe buýt chạy bằng năng lượng sạch. Đề án này dự kiến trình HĐND trong thời gian sớm nhất.
Đối với việc kiểm định khí thải xe máy, ông An cho hay hiện nay căn cứ Luật Bảo vệ môi trường đã có, nhưng các tiêu chuẩn và quy định kèm theo (trạm kiểm định khí thải xe máy, tiêu chuẩn trạm...) vẫn chưa có.
Cho nên sở sẽ thực hiện sớm nhất theo chỉ đạo của các tổ công tác của Chính phủ làm việc với các địa phương trong thời gian tới.

Đốt rác đang trở thành một trong những tác nhân góp phần ô nhiễm không khí - Ảnh: N.KHẢI
Kiểm định khí thải xe máy: cần làm chặt chẽ
Trao đổi về kiểm định khí thải xe máy, TS Trần Quang Thắng - viện trưởng Viện Kinh tế quản lý TP.HCM - nhấn mạnh từ năm 2025, việc kiểm định khí thải xe máy cần được thực hiện chặt chẽ hơn để giảm thiểu ô nhiễm không khí.
Dù vậy, việc thực hiện kiểm định này có thể gây khó khăn cho người dân. Chính vì vậy, lộ trình kiểm định khí thải xe máy phải triển khai một cách rõ ràng và hợp lý.
TP.HCM có thể nghiên cứu thực hiện từng bước và thí điểm ở một số khu vực nhất định để đánh giá hiệu quả và phản hồi từ người dân. Sau khi thí điểm thành công, mở rộng chương trình ra toàn TP theo lộ trình từng bước, tránh việc thực hiện đột ngột gây xáo trộn.
Các chính sách hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cũng phải được nghiên cứu; cung cấp các chương trình hỗ trợ tài chính, vay vốn với lãi suất thấp hoặc miễn giảm chi phí kiểm định cho các hộ gia đình có thu nhập thấp.
Đối với trường hợp có thể cho phép sửa chữa thì cung cấp các dịch vụ hỗ trợ sửa chữa, bảo dưỡng xe máy để đảm bảo đạt tiêu chuẩn khí thải.
Đặc biệt, Nhà nước tăng tuyên truyền và nâng cao nhận thức của mỗi người dân trong việc bảo vệ môi trường. Cung cấp công khai, minh bạch thông tin chi tiết về quy trình kiểm định, địa điểm và thời gian kiểm định để người dân nắm rõ và chuẩn bị tốt. Khi nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của người dân thì việc kiểm định xe máy, kiểm soát khí thải rất thuận lợi.
Nhất thiết phải phát triển các giải pháp thay thế như tăng cường và nâng cấp hệ thống giao thông công cộng để người dân có thêm lựa chọn thay thế cho xe máy cá nhân. Các chương trình hỗ trợ mua sắm và sử dụng xe điện, giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường cũng phải được đẩy mạnh.
Tăng kiểm soát xe "cà tàng"
Theo thống kê từ Công an TP.HCM, sau hơn 3 tháng cuối năm 2024, lực lượng cảnh sát giao thông toàn TP đã phát hiện hơn 17.700 xe vi phạm. Trong đó bao gồm 1.716 xe ba bánh tự chế, 159 xe chở rác dân lập và hàng ngàn xe máy vi phạm nhiều lỗi nghiêm trọng.
Đặc biệt là xe không đảm bảo an toàn kỹ thuật, trên 2.500 xe bị phát hiện không có thắng, còi, đèn hoặc gương chiếu hậu…
Công an TP.HCM sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm giao thông, đặc biệt là các xe không đảm bảo an toàn kỹ thuật. Song song đó, TP cũng đang phối hợp cùng các sở, ngành để triển khai các chính sách hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn chuyển đổi sinh kế, tránh phụ thuộc vào các loại xe tự chế, kém an toàn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận