Đó là vận tải hành khách đường dài, vận tải hàng hóa và vận tải taxi, thay vì gom vào một rổ như hiện nay.
Khách trả tiền cước taxi - Ảnh: Hữu Khoa |
Tôi nói thật, cơ quan quản lý phải đứng ở góc độ của người tiêu dùng mới đưa ra được các giải pháp quản lý giá cước vận tải phù hợp, mang lại lợi ích cho người dân. Cơ quan quản lý phải buộc DN vẫn duy trì chất lượng vận tải và cạnh tranh bằng giá, DN mới giảm giá cước được |
TS Vũ Đình Ánh - Ảnh: L.Thanh |
Ông Vũ Đình Ánh cho rằng mỗi phân khúc thị trường phải được đánh giá xem có cạnh tranh hoàn hảo hay không, có tính độc quyền không, kể cả độc quyền công khai và độc quyền ngầm.
Rồi xem có chuyện bảo kê trên tuyến hay không? Chỉ khi xem xét thực tế từng phân khúc thị trường, đánh giá toàn diện thị trường, cơ quan quản lý mới có cách quản lý phù hợp, đảm bảo quyền lợi của người sử dụng dịch vụ, người cung cấp dịch vụ và cả Nhà nước nữa.
* Tại Hà Nội và TP.HCM, dù có hàng trăm doanh nghiệp (DN)kinh doanh vận tải taxi cùng hoạt động, nhưng giá cước taxi giảm rất ít?
- Đây là câu hỏi mà cơ quan quản lý cần phải xem xét, đánh giá và lý giải. Ví dụ như taxi có cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ hay bằng giá? Theo tôi, thị trường chưa cạnh tranh thật sự hoàn hảo nên DN không giảm giá dù giá xăng dầu giảm liên tục 17 lần với khoảng 40% suốt nửa năm qua.
Nếu cạnh tranh thật sự hoàn hảo, cơ quan quản lý không bắt DN cũng giảm giá. Đây là lỗi phần lớn do cơ quan quản lý. Đúng ra Nhà nước phải tổ chức được một thị trường cạnh tranh thật sự, nghĩa là DN cạnh tranh cả bằng giá và chất lượng dịch vụ.
* Ngay cả vận tải hành khách đường dài, nhiều DN không những không giảm giá mà còn đề nghị tăng cước phụ thu vào dịp tết. Ông nghĩ gì về chuyện này?
- Nhìn từ góc độ giá, mới chỉ có sức ép giảm giá từ người sử dụng dịch vụ vận tải, còn từ người cung cấp dịch vụ này là không có. Nếu có sự cạnh tranh thật sự về giá và chất lượng dịch vụ DN đã tự giảm giá từ lâu. Muốn khách hàng lựa chọn xe của mình, DN phải cạnh tranh bằng giá, chất lượng xe, lái xe đảm bảo sức khỏe, trình độ, kinh nghiệm...
Thực tế, người sử dụng dịch vụ vận tải không có công cụ gì để gây sức ép cho các DN kinh doanh vận tải cả. Do đó, chuyện họ đề xuất tăng giá cước cũng là rất bình thường.
Thực tế, với cách làm của cơ quan quản lý không tạo điều kiện để người dân có cơ hội lựa chọn. Nếu cơ quan quản lý công bố hết ở trên mạng rằng DN này có giá cước 10.000 đồng, DN kia có giá 12.000 đồng..., người dân sẽ tự quyết định chọn hãng vận tải nào, qua đó sẽ gây sức ép đối với các DN.
* Để buộc DN cạnh tranh về giá cước, cơ quan quản lý phải làm thế nào?
- Ngành vận tải chỉ quản lý cấp phép kinh doanh vận tải, còn giá cước vận tải về mặt nguyên tắc lại là ngành tài chính. Để quản lý và kiểm soát được giá cước, buộc các DN cạnh tranh về giá cước, cơ quan quản lý phải kiểm soát được chi phí của DN chứ không thể nghe DN kê khai.
Chỉ có cơ quan thuế mới có thể kiểm soát chi phí và giá xem có hợp lý không? Bởi cơ quan thuế mới nắm được chi phí nào là hợp lý, hợp lệ để xác định thuế thu nhập DN. Toàn bộ thông tin về chi phí, kết cấu xăng dầu trong giá cước vận tải là bao nhiêu, cơ quan thuế chỉ cần kiểm tra sổ sách, rà soát lại các chi phí mà DN khai báo là biết ngay.
Còn việc đi kiểm tra giá cước vận tải của Bộ Tài chính và các địa phương mấy đợt vừa qua dường như không mang lại hiệu quả gì nhiều.
* Để đảm bảo quyền lợi của người dân, theo ông, Nhà nước có nên có biện pháp quản lý giá cước như áp giá trần?
- Giá cước vận tải không nằm trong danh mục bình ổn giá nên có ý kiến đưa vào danh mục này để có một loạt công cụ để quản lý. Nhưng theo tôi, làm thế không được. Cơ quan quản lý phải hiểu thị trường một cách cặn kẽ, từng loại sản phẩm mới quản lý được. Nếu như thị trường cạnh tranh hoàn hảo, giá phải để cho thị trường tự điều tiết.
Còn bây giờ, Nhà nước phải kiểm soát chi phí của DN có đúng hay không. Trường hợp DN báo cáo chi phí sai, Nhà nước phải xem xét lại cả số tiền nộp thuế. DN nào gian lận thuế có thể truy tố hình sự. Còn đối với Luật giá, vi phạm đến mức độ cao có thể bị tước giấy phép kinh doanh.
* Xin cảm ơn ông!
Kiểm soát chặt giá, phí các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu Đó là yêu cầu của Bộ Tài chính trong công văn vừa gửi sở tài chính các tỉnh, thành phố yêu cầu kiểm soát chặt chẽ giá cước vận tải, khuyến cáo các doanh nghiệp vận tải rà soát để giảm giá cước trước Tết Ất Mùi 2015. Theo Bộ Tài chính, tại một số địa phương vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện việc kê khai giảm giá cước vận tải phù hợp với giảm giá nhiên liệu, gây dư luận không tốt và ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng. Ngoài ra, sở tài chính kiểm soát chặt giá và phí các loại hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu như y tế, giáo dục, nước sạch sinh hoạt, sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ động thực vật, phân bón... Phối hợp với sở công thương và chi cục quản lý thị trường theo dõi sát diễn biến thị trường, cung cầu hàng hóa, chuẩn bị tốt các mặt hàng thiết yếu, mặt hàng phục vụ tết để cung ứng sớm, đầy đủ cho nhân dân, nhất là nhân dân vùng sâu vùng xa. Không để xảy ra mất cân đối cung cầu, găm hàng, tăng giá làm mất ổn định thị trường giá cả hàng hóa và dịch vụ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận