19/03/2013 22:09 GMT+7

Kiểm soát chặt, tránh những vụ như đổ tháp truyền hình

TUẤN PHÙNG ghi
TUẤN PHÙNG ghi

TTO - Đó là phát biểu của ông Lê Quang Hùng, cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), tại buổi trao đổi với báo chí chiều 19-3.

Liên quan tới một số nội dung mới của nghị định 15/2013/NĐ-CP về quản lý chất lượng công trình (CLCT) xây dựng (có hiệu lực từ 15-4 tới), ông Hùng cho biết:

t0lf6gNw.jpgPhóng to

Ông Lê Quang Hùng - Ảnh: T.PHÙNG

Điểm trội nhất của nghị định là quy định sự tăng cường quản lý của cơ quan QLNN về CLCT từ khảo sát thiết kế tới thi công xây dựng và nghiệm thu (với những loại công trình được quy định cụ thể trong nghị định). Trước đây cơ quan QLNN quản lý chung, khi có sự việc mới can thiệp, còn trách nhiệm tất cả công đoạn cụ thể là của chủ đầu tư. Vì vậy, khi vỡ đập thủy điện Đăk Mek 3, sự cố thủy điện Đakrông 3, cơ quan QLNN mới biết sự việc, còn trước đó chủ đầu tư thẩm định, nghiệm thu các khâu thế nào thì không biết. Tháp truyền hình Nam Định khi đổ rồi cũng đặt ra vấn đề thiết kế tải trọng gió có đúng không, thiết kế chuẩn không? Quay ngược lại thì trước đây chẳng ai xem xét. Đó là lỗ hổng.

Bây giờ, chủ đầu tư sẽ thẩm định thiết kế nhưng bắt buộc phải đưa qua cơ quan QLNN thẩm tra vấn đề an toàn, thiết kế có làm nghiêm túc không. Riêng công trình vốn ngân sách nhà nước sẽ thẩm tra xem có đảm bảo hiệu quả đầu tư không hay quá lãng phí. Bởi vì có những ý kiến cho rằng trong quá trình thiết kế công trình vốn ngân sách thì thiết kế quá an toàn dẫn tới sự lãng phí. Nếu thông qua kiểm soát có thể tiết kiệm được 5-10% chi phí đầu tư. Vốn đầu tư ngân sách là tiền của dân, hằng năm nếu tiết kiệm được 5-10 % thì rất lớn. Thực tế thế nào chưa biết cụ thể nhưng phải thực hiện việc kiểm soát này với hi vọng qua một số bước sẽ chặn được 5-10% đó ngay từ khâu thiết kế.

* Thưa ông, con số 5-10% con số lấy từ đâu?

- Hiện chưa ai thống kê và quản lý được con số đó nhưng qua điều tra, khảo sát lấy ý kiến thì có con số phản ánh như vậy. Nhiều ý kiến cho rằng thiết kế công trình vốn nhà nước quá lãng phí, đặc biệt là kết cấu chịu lực đẩy hệ số an toàn rất cao như tăng thép, tăng mác bêtông. Tâm lý nhà thầu thiết kế thì đẩy cao hệ số an toàn nhằm phòng khi thi công có “gia giảm” thiếu hụt một chút là vừa. Vậy phải thẩm tra kiểm soát để hi vọng có giảm.

Nghị định đã quy định thời gian kiểm tra, tránh tình trạng kéo dài quá mức, gây phiền toái. Chúng tôi sẽ tập huấn kiểm tra những gì mang tính chính yếu để đảm bảo chất lượng, Còn nếu thiếu một chữ ký, văn bản mang thủ tục hành chính, không ảnh hưởng tới chất lượng mà đè ra nói không được thì sẽ gây phiền phức cho chủ đầu tư, nhà thầu. Còn công trình đã thẩm tra mà xảy ra sự cố đương nhiên cơ quan QLNN phải chịu trách nhiệm. Nghị định đã nói rõ cán bộ nào tham gia công đoạn nào thì chịu trách nhiệm công đoạn đó.

* Người dân đang quan tâm tới kết luận đổ tháp truyền hình Nam Định, công trình thủy điện Sông Tranh 2. Ông có thể cho biết kết quả thế nào?

- Thủ tướng yêu cầu thuê tư vấn thẩm định lại giá trị động đất cực đại phòng khi tích nước trở lại thì động đất cực đại không vượt quá thiết kế. Đồng thời đánh giá khả năng động đất kích thích còn trở lại khi tích nước hay không. Hội đồng nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng đang xúc tiến làm hơp đồng thuê tư vấn OYO của Nhật Bản đánh giá về động đất (chi phí thuê chủ đầu tư công trình chịu - PV). Việc đánh giá dự kiến xong cuối tháng 8-2013 (trước mùa lũ) mới quyết định tích nước hay không? Còn kết cấu đập, sau các trận động đất có cường độ 4,6 - 4,7 độ Richter chưa đạt cường độ tới mức chịu đựng của đập và kiểm tra lại đập sau các trận động đất đó thấy không có biểu hiện đáng ngại nên không cần kiểm tra lại kết cấu đập nữa.

Hiện Cục Giám định và Sở Xây dựng Nam Định đề nghị Tư vấn Đại học xây dựng giám định nguyên nhân đổ tháp truyền hình Nam Định. Tư vấn Viện Khoa học xây dựng đang thẩm tra lại báo cáo giám định này. Chúng tôi đang chỉ đạo để hai tư vấn này đối chất với nhau rồi trao đổi với nhà sản xuất chế tạo, nhà cung ứng, tư vấn giám sát, các sở ngành liên quan làm rõ mức độ liên quan và lý do. Lỗi ông nào thì ông đó đền bù. Dự kiến 1-2 tháng tới mới rõ nguyên nhân.

* Có ý kiến nói chỉ cần các bên liên quan thực hiện đúng những quy định đã có trước đây thì không xảy ra đổ tháp truyền hình Nam Định nhưng nhiều khâu bị bỏ qua. Với nghị định 15 ông có hi vọng sẽ có sự cải thiện về chất lượng công trình không khi quy định chuẩn mà các cấp thực thi làm không hết trách nhiệm?

- Chắc chắn là được khi kiểm soát được năng lực các nhà thầu. Ví dụ nếu thực hiện nghị định 15 sẽ kiểm tra năng lực nhà thầu cung cấp tháp để xem họ có chế tạo được tháp đảm bảo hay không. Biết được ông giám sát, thi công tháp đã từng thực hiện công việc với những tháp truyền hình như thế chưa? Còn thiết kế kỹ thuật chuẩn bị đưa vào công xưởng chế tạo trước đây chỉ chủ đầu tư kiểm định nay bắt buộc cơ quan QLNN thẩm tra. Nếu trước đây quy định cho cơ quan QLNN can thiệp vào thì sẽ biết được cấp độ gió tại Nam Định thế nào, tháp có chịu được hay không chứ không để cãi nhau như bây giờ.

TUẤN PHÙNG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp