16/10/2018 17:56 GMT+7

Kiểm duyệt nội dung trên mạng xã hội và những áp lực nặng nề phía sau

ĐÌNH HẢI
ĐÌNH HẢI

TTO – Kiểm duyệt nội dung trên mạng xã hội là làm gì? Tại sao công việc này tồn tại? Yêu cầu cho công việc này là gì?

"Sau khi nghỉ việc, tôi đã không thể bắt tay với bất kì ai trong vòng 3 năm. Tôi thấy nhiều điều không hay mà người khác đã làm. Tôi không muốn đụng vào người ai cả. Tôi ghê tởm loài người."

Theo BBC, đó là chia sẻ của Roz Bowden về công việc kiểm duyệt nội dung mà cô từng đảm nhiệm tại MySpace. Cô đã hứng chịu những thứ tồi tệ nhất từ thế giới Internet, để giúp mạng xã hội "sạch sẽ" cho người dùng thông thường.

Khi bắt đầu công việc, cô nhận được rất ít hướng dẫn: "Chúng tôi phải tự tạo ra qui định kiểm duyệt. Vừa xem các video khiêu dâm, chúng tôi vừa tự hỏi hình ảnh ai đó mặc một bộ bikini có được xem là ảnh khỏa thân hay không. Như thế nào mới được xem là đủ mức độ đồi trụy?"

Kiểm duyệt nội dung trên mạng xã hội và những áp lực nặng nề phía sau - Ảnh 1.

MySpace là một trong những mạng xã hội đầu tiên ra đời và nhân viên kiểm duyệt đã phải xử lí rất nhiều nội dung độc hại

Cô thậm chí đã từng huấn luyện và giám sát một nhóm nhân viên kiểm duyệt nội dung, và nói với họ: "Bạn có thể ra ngoài, bạn có thể khóc. Chỉ đừng nôn mửa trên sàn văn phòng. Nếu khó chịu, hãy nheo mắt lại để bạn không thật sự nhìn thấy nội dung kiểm duyệt." Không hề có sự hỗ trợ về tinh thần cho nhân viên.

Facebook hiện nay có khoảng 7500 nhân viên kiểm duyệt nội dung trên khắp thế giới làm việc không ngưng nghỉ, và họ thường phải xem, đọc các hình ảnh, video chứa nội dung suy đồi, từ lạm dụng tình dục trẻ em, cho đến hoạt động thú tính, chặt đầu, tra tấn, hãm hiếp, giết người.

Bây giờ một trong số họ đang đâm đơn kiện mạng xã hội này vì những chấn thương tâm lí sau khi trải qua hàng ngàn giờ đồng hồ kiểm duyệt nội dung độc hại nói trên.

Selena Scola khiếu nại rằng Facebook và Pro Unlimited - công ty đối tác đã không đảm bảo vấn đề an toàn cảm xúc cho cô. Selena đang phải chịu đựng những rối loạn căng thẳng từ vị trí kiểm duyệt.

Trường hợp này đã hé lộ thêm thông tin xung quanh công việc kiểm duyệt và đặt ra nhiều nghi vấn liệu người ta có nhất thiết phải làm việc này ngay từ ban đầu.

Sarah Robert, trợ lí giáo sư tại Đại học California, đã tiến hành nghiên cứu về nghề kiểm duyệt trong 8 năm qua. Cô tin rằng mạng xã hội đang dần tạo ra một cuộc khủng hoảng về tinh thần ở nhiều người.

Cô chia sẻ với BBC: "Chưa có bất kì nghiên cứu công khai nào đi sâu vào những tác động dài hạn trong nghề này. Hiện rất nhiều người đang gặp vấn đề từ nó, và con số này đang tăng lên. Chúng ta nên quan tâm hơn về hệ quả lâu dài. Rõ ràng chẳng hề có kế hoạch hỗ trợ dài hạn nào cho nhân viên kiểm duyệt nội dung sau khi họ nghỉ làm. Các công ty không nghĩ nhân viên của họ đang phải gánh chịu áp lực tinh thần nặng nề."

Trong một bài đăng vào năm ngoái, Facebook đã mô tả đội ngũ kiểm duyệt nội dung là "những người hùng đang giữ Facebook an toàn vì tất cả chúng ta." Họ thừa nhận công việc này "không dành cho tất cả mọi người" và chỉ thuê "những người đủ khả năng vượt qua thử thách khó nhằn khi làm việc".

Đáng chú ý, Facebook thường áp dụng chính sách outsource (thuê người ngoài công ty) để thực hiện công việc. Robert cho hay đây là cách giúp công ty bớt hứng chịu chỉ trích.

Kiểm duyệt nội dung trên mạng xã hội và những áp lực nặng nề phía sau - Ảnh 2.

Facebook lựa chọn ứng cử viên có khả năng chịu đựng cao, huấn luyện cho họ, giải thích về công việc, và yêu cầu thực hiện ít nhất 80 tiếng thực hành cùng người hướng dẫn, sử dụng một hệ thống mô phỏng. Sau đó, nhân viên bắt đầu công việc.

Họ thừa nhận kiểm duyệt nội dung hiện nay không tồn tại một tiêu chuẩn cụ thể: "Đến một mức độ nhất định, chúng tôi phải tự tìm cách giải quyết vấn đề."

Công ty còn thuê 4 nhà tâm lí học lâm sàng để hỗ trợ, và tất cả nhân viên kiểm duyệt đều được cấp quyền tiếp cận các tài liệu, liệu pháp hỗ trợ về tâm lí.

Peter Friedman, người điều hành LiveWorld, công ty chuyên cung cấp nhân viên kiểm duyệt nội dung cho các công ty lớn như AOL, eBay và Apple trong 20 năm qua, chia sẻ rằng hiếm khi nào nhân viên thực sự sử dụng chế độ hỗ trợ được cung cấp cho họ.

Kiểm duyệt nội dung trên mạng xã hội và những áp lực nặng nề phía sau - Ảnh 3.

Nhân viên kiểm duyệt rất hiếm khi tìm đến hỗ trợ tâm lí. Ảnh: GETTY IMAGES.

Roberts không ngạc nhiên: "Đó là điều kiện tiên quyết của công việc. Họ không muốn nhà tuyển dụng biết họ không thể xử lí công việc. Người lao động nghĩ họ sẽ bị kì thị nếu như tìm đến các liệu pháp hỗ trợ."

Với kinh nghiệm của mình, Friedman chia sẻ một vài lời khuyên cho cả doanh nghiệp và người đang thực hiện kiểm duyệt nội dung:

• Văn hóa công việc rất quan trọng. Cần phải tạo cho nhân viên cảm giác mạnh mẽ, được trao quyền thực thi.

• Tạo môi trường thư giãn (không phải tổng đài tiếp nhận yêu cầu) và quản lý hỗ trợ là cần thiết. Luôn sẵn sàng 24/7 để khiến nhân viên cảm thấy đỡ hơn.

• Thời gian trực ca cần phải ngắn – từ 30 phút đến 3 tiếng rưỡi cho những ai phải kiểm duyệt nội dung tồi tệ nhất.

• Công việc không phù hợp với những người theo tôn giáo và bảo thủ.

• Ứng cử viên cần nhận thức được "tồn tại cái tốt và cái xấu trên mạng xã hội" và có khả năng tự nhận thức giới hạn bản thân.

• Sự trưởng thành về cảm xúc là điều kiện cần thiết.


ĐÌNH HẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp