Ban Thư ký AUN và các chuyên gia kiểm định đến từ Singapore, Malaysia, Indonesia và Philippines trong một đợt đánh giá ngoài theo tiêu chuẩn AUN-QA tại ĐH Quốc gia TP.HCM - Ảnh: T.H.
Xung quanh câu chuyện kiểm định đại học còn 'diễn tuồng' đạt chuẩn đến bao giờ, có ý kiến cho rằng tình trạng gian dối trong kiểm định hiện nay là có nhưng không phổ biến.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia, giảng viên khác nhận định việc đưa công tác kiểm định vào các trường lẽ ra là tốt, nhưng vào đến Việt Nam lại bị méo mó và họ tiếp tục chỉ ra thêm các "chiêu trò" trong kiểm định.
Khó qua mặt tổ chức kiểm định quốc tế
PGS.TS Bùi Hoài Thắng, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho rằng hiện nay có một số thông tin bên lề nghi ngờ về công tác kiểm định chất lượng giáo dục trong nước, tuy nhiên đối với các tổ chức kiểm định quốc tế hiện đang được thực hiện rất nghiêm túc.
"Việc qua mặt các tổ chức kiểm định quốc tế cỡ ABET là hầu như không thể và quan trọng là các trường không dám nếu nhìn được toàn bộ quá trình làm việc. Tháng 10-2019, trường chúng tôi tiếp tục đón tiếp đoàn ABET qua tái kiểm định hai chương trình và trong 6 năm qua (từ kiểm định năm 2013, công bố đạt năm 2014), trường liên tục cải tiến để đáp ứng chuẩn ngày càng cao hơn" - ông Thắng chia sẻ.
TS Vũ Thế Dũng - nguyên phó hiệu trưởng, phụ trách đảm bảo và kiểm định chất lượng Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), người từng trực tiếp tham gia chỉ đạo, tổ chức thực hiện hơn 20 kiểm định chất lượng quốc tế cấp chương trình và 2 kiểm định quốc tế cấp trường trong 7 năm trở lại đây (từ năm 2013) - cho rằng chất lượng là một quá trình dài hơi, chứ không phải Thánh Gióng, kỳ vọng không đúng sẽ gây hại cho nó. Chất lượng giáo dục là hoạt động tự thân của các trường, không ai, kể cả kiểm định chất lượng có thể làm thay.
Là một trong những kiểm định viên chất lượng được cấp thẻ đầu tiên vào năm 2014, trực tiếp tham gia kiểm định các trường từ năm 2015, ông Dũng nhận định: "Nhận thức về chất lượng của lãnh đạo, giảng viên, nhân viên có bước tiến rõ rệt từ năm 2013 đến nay.
Trước đây các khái niệm về thiết kế chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra, ý kiến các bên liên quan, minh chứng, đối sánh chất lượng, P-D-C-A, đảm bảo chất lượng rất ít người biết thì giờ đã được biết đến rộng rãi, tương đối hệ thống.
Đây là bước đầu quan trọng trong tiến trình làm chất lượng. Năm năm nay, bước tiến này là rõ rệt và đáng ghi nhận. Ngay tại Trường BH Bách khoa, kiến thức và nhận thức này cũng chỉ được hình thành trong 5 năm gần đây".
Đánh giá về tính nghiêm túc của công tác kiểm định giáo dục hiện nay, ông Dũng cho là có nghiêm túc. Và ông cũng thừa nhận các trường có thể lừa dối trong chuyện kiểm định nhưng việc này không dễ.
"Đoàn luôn kiểm tra chéo minh chứng từ nhiều nguồn. Ví dụ, chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra có thể được làm giả, có thể bắt học thuộc, nhưng đoàn hỏi vào bản chất từng chuẩn đầu ra, cách thức đo lường, xem các bài thi, bài tập nhóm, hỏi chéo với sinh viên về các phương pháp triển khai trên lớp sẽ thấy rõ ngay.
Trình tự làm việc của các đoàn chặt chẽ và khoa học bao gồm: xem xét hồ sơ, minh chứng, đến tận nơi kiểm tra, phỏng vấn học viên, giảng viên, nhân viên, lãnh đạo, nhà tuyển dụng... đối sánh thông tin. Giả mạo ở bề mặt rất khó qua mặt các chuyên gia. Tất nhiên vẫn có thể ngụy tạo nhưng không đơn giản" - ông Dũng nói.
Nhiều "chiêu trò" trong kiểm định
Trong khi đó, TS Vũ Thị Phương Anh, giám đốc đảm bảo chất lượng giáo dục Tập đoàn Nguyễn Hoàng, cho rằng hoàn toàn có thể tin tưởng một số trường uy tín và trung tâm kiểm định là tốt và nghiêm túc, nhưng rõ ràng vẫn là thiểu số.
"Ngoài ra, cách làm hiện nay vẫn có quá nhiều vấn đề, chủ yếu là trọng minh chứng mà quá ít thời gian để tìm hiểu thực tế. Và việc phỏng vấn cũng không chính xác vì chắc chắn là có sắp xếp trước. Cho nên nếu dư luận có phản ứng thì cũng hiểu được và nên lắng nghe. Việc đưa công tác kiểm định/đảm bảo chất lượng vào các trường lẽ ra là tốt nhưng vào đến Việt Nam cái gì cũng bị méo mó đi".
"Việc công bố kết quả kiểm định cũng chỉ công bố điểm đạt cuối cùng kèm theo quyết nghị của hội đồng, không có toàn văn của báo cáo đánh giá ngoài như cách làm của một số tổ chức kiểm định của nước ngoài. Nên công chúng vẫn có quyền nghi ngờ và nghi ngờ là đúng vì có rất nhiều trường lôm côm nhưng đạt kiểm định nhanh chóng dễ dàng" - bà Phương Anh nhấn mạnh.
Tương tự, ông Nguyễn Minh Hoàng, giảng viên một trường ĐH ở TP.HCM, đã "nói thật" và chỉ ra một số "chiêu trò" của các trường trong quá trình kiểm định: "Phỏng vấn thì sắp xếp trước ai tham gia trả lời. Hai ba tuần trước kiểm định thì được nghỉ ở nhà học thuộc lòng 200 câu trả lời như thí sinh học tủ.
Hôm đoàn kiểm định đi ghé phòng thí nghiệm thì tất cả sinh viên và giảng viên đều được nghỉ chơi một tuần. Chỉ có một số sinh viên "mẫu mực" có học bài được vào "diễn". Thật ra kiểm định viên cũng không vào thử bật mấy cái máy lên coi nó có chạy không hay chỉ "trùm mền" để đó.
Nghĩ lại thấy rất "đau" khi càng bày ra nhiều "trò mèo" càng có điều kiện để đút lót, tham nhũng... Nghe hậu trường đồn có đợt kiểm định phải chi cả "núi tiền". Nếu làm thật, thực chất là phải như thanh tra, đột xuất xuống trường không báo trước, kiểm tra ngay hiện trạng mới thật sự rõ vấn đề" - ông Hoàng nói.
Mệt mỏi vì đối phó
Ông Phi Long, giảng viên ĐH khác, cũng bày tỏ thất vọng: "Trường tôi cũng làm kiểm định, giảng viên không còn thời gian và tâm trí để giảng dạy. Chất lượng giảng dạy, học tập xuống thấy rõ. Ngoài ra, một số kiểm định viên trong trường kiếm được dự án, bắt giảng viên suốt ngày học, tập huấn để họ lấy minh chứng. Có ngày họ tổ chức tám cuộc họp chỉ để hướng dẫn truy cập dữ liệu. Buồn và chán".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận