Hiện nay, việc kiểm định đại học, xếp hạng đại học (ĐH) đang được các trường ráo riết theo đuổi nhưng có thực tế đáng buồn là Việt Nam ta chưa có "văn hóa chất lượng".
Không chỉ công tác kiểm định chưa liêm chính mà rất nhiều người quan tâm công việc này đã lên tiếng, thậm chí đề nghị Quốc hội thành lập trung tâm kiểm định để... kiểm định các trung tâm kiểm định mà ngay chính một số trường cũng "chơi chiêu" trong khi thực hiện kiểm định.
Dùng kiểm định trong nước thì mua chuộc kiểm định viên để được "tư vấn" cách lách quy định, minh chứng. Dùng kiểm định quốc tế (AUN-QA, ABET) thì có cả trường công lẫn trường tư đều "chơi chiêu" để qua mắt, lừa dối đoàn kiểm định.
Một kiểm định viên ngán ngẩm kể có trường đã mượn máy móc thiết bị, cơ sở vật chất của trường khác về để tạo dựng hiện trường giả trong đợt kiểm định; số liệu thì phần lớn là số ảo, không có thật.
Trong khi đó, nhiều cán bộ, giảng viên của một trường đại họclớn ở TP.HCM cho biết họ vô cùng mệt mỏi khi có đợt kiểm định, đánh giá tại trường vì phải chứng kiến và buộc phải tham gia vào những trò gian dối.
"Lãnh đạo trường chỉ đạo tạo không gian kiểm định giả ngay chính trong trường bằng cách chọn một phòng, khoa nào đó thật khang trang rồi chuyển đồ đạc đến..., mời đoàn kiểm định quốc tế đến tham quan...
Những ngày đó, nhiều cán bộ của trường không có chỗ ngồi làm việc vì phải nhường chỗ cho người khác "diễn". Tất cả những điều này các đoàn kiểm định quốc tế họ không thể nào hiểu được "văn hóa chất lượng" kiểu như vậy. Đây là điều vô cùng nguy hiểm trong giáo dục" - một giảng viên bức xúc.
PGS.TS Nguyễn Hội Nghĩa, nguyên giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - ĐH Quốc gia TP.HCM, chia sẻ rằng ở các nước phát triển, nhà trường tự khai - đoàn đánh giá có thể tin vào minh chứng đó... Văn hóa đánh giá của họ dựa trên lòng tin.
Còn ở Việt Nam hiện nay, mặt bằng văn hóa chất lượng trong giáo dục chưa cao dẫn đến công tác đánh giá rất khó khăn, đoàn kiểm định rất vất vả để phát hiện sự không trung thực và xác minh các minh chứng.
"Trong ngành giáo dục ở ta hiện nay, sự chân thực, chính xác về cả định lượng và định tính chưa được đảm bảo nên công tác kiểm định ở Việt Nam khó hơn nước ngoài. Như AUN cũng chỉ cố gắng đánh giá chất lượng chương trình mang tính tương đối, vì văn hóa của họ và văn hóa của mình khác nhau lắm nên họ chưa hiểu hết được" - ông Nghĩa nói.
Nhiều kiểm định viên của Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - ĐH Quốc gia TP.HCM cho hay qua việc kiểm định tại hàng chục trường ĐH, điều họ trăn trở nhất là số trường có quyết tâm xây dựng chất lượng và phương pháp đúng vẫn còn quá ít.
Trong khi điều quan trọng nhất đối với các trường là lãnh đạo nhà trường phải thực tâm phấn đấu vì chất lượng thật, từ đó có chủ trương xây dựng văn hóa chất lượng. Phải làm thật để có chất lượng bên trong, chứ không phải chất lượng ảo. Muốn xây dựng văn hóa chất lượng không thể làm trong một vài năm mà phải có cả một quá trình, giống như muốn có sức khỏe phải rèn luyện mỗi ngày và phải khỏe thật.
Để thúc đẩy việc này, Bộ GD-ĐT với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước cần có những chính sách khen thưởng, xử phạt nghiêm minh trong quá trình giám sát chất lượng ở các trường. Đây là điều quan trọng hơn việc "dán nhãn" đạt chuẩn trong công tác kiểm định, đánh giá chất lượng giáo dục gây mất niềm tin trong xã hội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận