Các quan chức Mỹ, NATO và Romania trong lễ kích hoạt lá chắn tên lửa tại căn cứ không quân Deveselu. Từ trái qua phải: Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg - Thủ tướng Romania Dacian Ciolos - Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Work - Ảnh: Reuters |
Phía Mỹ khẳng định lá chắn trị giá 800 triệu USD vừa mới kích hoạt ở căn cứ không quân Deveselu, Romania chỉ nhằm bảo vệ đồng minh trước mối đe dọa từ các tên lửa Iran.
Reuters ngày 13-5 dẫn lời Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ, ông Robert Work tuyên bố: “Miễn khi nào Iran còn phát triển và triển khai tên lửa đạn đạo, Mỹ sẽ còn làm việc với các nước đồng minh để bảo vệ NATO”.
Nói với các phóng viên sau đó, ông Work tái khẳng định lá chắn tên lửa sẽ không được sử dụng để chống lại các mối đe dọa từ Nga trong tương lai.
Phía Nga đã nổi giận và cáo buộc Mỹ đang cố gắng bao vây các lực lượng quân sự Nga tại Biển Đen. Cả Hải quân Nga và hải quân khối NATO đều cân nhắc tăng cường tuần tra Biển Đen trong thời gian tới.
Người phát ngôn của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov nhấn mạnh: “Ngay khi mọi chuyện bắt đầu, các chuyên gia của Nga đã khẳng định các hệ thống phòng thủ tên lửa sẽ đặt ra mối đe dọa nhất định đối với Liên bang Nga. Mátxcơva đang triển khai các bước đi cần thiết nhằm đảm bảo mức độ an ninh cần thiết cho Nga.”
Ông Peskov cũng chất vấn NATO một lần nữa về đối tượng thật sự mà hệ thống phòng thủ của NATO nhắm tới. Theo ông Peskov, tình hình Iran và mối đe dọa từ nước này đã giảm xuống sau khi các nước đạt được thỏa thuận về chương trình hạt nhân của Iran, do đó Mátxcơva có lý do nghi ngờ lý do thật sự của hệ thống phòng thủ của NATO.
Phát biểu với Interfax ngày 12-5, ông Andrey Kelin, một quan chức cấp cao thuộc Bộ Ngoại giao Nga cáo buộc: “Lá chắn mới ở Romania là một phần trong kế hoạch ngăn chặn nền quân sự và chính trị nước Nga. Quyết định của NATO chỉ làm trầm trọng thêm tình hình vốn đã rất căng thẳng tại khu vực”.
Trong một diễn biến khác có liên quan, theo kế hoạch trong ngày 13-5, Mỹ sẽ động thổ địa điểm cuối cùng tại Ba Lan nằm trong tuyến phòng thủ tên lửa xuyên châu Âu.
Dự kiến sau khi hoàn thành, khu vực mà chuỗi phòng thủ này bao phủ sẽ trải dài từ đảo Greenland (Đan Mạch) đến quần đảo Azores (Bồ Đào Nha). Khi có bất kỳ một vụ bắn tên lửa đạn đạo nào xảy ra trong khu vực, hệ thống sẽ ngay lập tức phát hiện, theo dõi và phát lệnh tiêu diệt tên lửa bên ngoài vũ trụ, ngay trước khi nó kịp quay lại bầu khí quyển Trái Đất.
Không chỉ bao gồm các căn cứ tên lửa và radar cố định trải dài trên khắp các nước châu Âu, hệ thống phòng thủ này còn bao gồm các các tàu chiến ngang dọc khu vực. Vai trò chỉ huy và kiểm soát hệ thống sẽ được Mỹ chuyển cho NATO vào tháng tới, với tổng hành dinh đặt tại một căn cứ không quân của Mỹ tại Đức.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận