Khoảng 50% doanh nghiệp dệt may chuyển hướng sang sản xuất khẩu trang và đồ bảo hộ lao động nhằm xoay trở trong mùa dịch - Ảnh: T.Đ.H.
Nhiều dự báo
Trong báo cáo Nghiên cứu toàn cầu - Triển vọng Kinh tế quý 2 mới công bố, Ngân hàng Standard Chartered dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng chậm lại trong năm 2020, chỉ đạt 3,3% do ảnh hưởng của các thách thức bên ngoài.
Theo báo cáo này, tăng trưởng lĩnh vực sản xuất sẽ giảm mạnh do ảnh hưởng của nhu cầu thế giới sụt giảm. Lĩnh vực dịch vụ, chiếm tỉ trọng gần 40% GDP, được dự đoán sẽ giảm tốc trong năm nay.
Lĩnh vực sản xuất cũng tăng trưởng chậm lại, hoạt động nội địa suy giảm, cùng với các biện pháp cách ly xã hội (bao gồm hạn chế tụ tập đông người) sẽ tác động tới nhu cầu mua sắm tiêu dùng.
Báo cáo Viễn cảnh kinh tế thế giới của Qũy Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng giảm dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay xuống còn 2,7% từ mức 7% đưa ra vào tháng 1-2020, nhưng dự kiến sẽ phục hồi lên 7% vào năm 2021.
Trước đó, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2020 sẽ đạt mức 4,8% do tác động của dịch COVID-19 và sự suy giảm thương mại toàn cầu.
Theo TS Phạm Thế Anh, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2020 và xa hơn phụ thuộc vào khả năng khống chế bệnh dịch không chỉ trong nước mà còn ở cả trên thế giới.
Kịch bản lạc quan nhất được xây dựng dựa trên giả định dịch bệnh trong nước được khống chế hoàn toàn vào giữa tháng 5 và hoạt động kinh tế dần trở lại bình thường. Trong khi đó, thế giới cũng bắt đầu nới dần các biện pháp phong tỏa.
Tuy nhiên, các hoạt động kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch, lưu trú, vận tải hành khách vẫn còn dè dặt và chỉ dần hồi phục. Tác động xấu nhất của COVID–19 sẽ rơi vào quý 2, với mức suy giảm từ 2 - 3% trong khu vực nông, lâm, ngư nghiệp.
"Với kịch bản lạc quan này, tăng trưởng kinh tế Việt Nam được dự báo đạt khoảng 4,2% trong cả năm 2020", TS Phạm Thế Anh dự báo.
Tuy nhiên theo ông Thế Anh, trong bất kỳ kịch bản nào, trong thời kỳ hậu COVID-19, sự phục hồi hoàn toàn của nhiều ngành như hàng không, du lịch hay thời trang xuất khẩu sẽ gặp nhiều khó khăn và kéo dài, một khi thế giới chưa khống chế hoàn toàn được bệnh dịch.
"Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải chủ động thích ứng dịch chuyển sản xuất trong thời kỳ khó khăn. Sản xuất khẩu trang và đồ bảo hộ y tế là một ví dụ điển hình của ngành dệt may khi trong thời kỳ hậu bệnh dịch các nước nhiều khả năng sẽ tăng cường các kho hàng dự trữ y tế của mình để phòng chống những cú sốc tương tự trong tương lai", TS Phạm Thế Anh nhận định.
Doanh nghiệp xoay trở mùa dịch
Trên thực tế thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã xoay trở đủ cách để giữ lao động chờ phục hồi sau dịch.
Tại buổi tọa đàm trực tuyến mang tên Giải pháp quản lý nhân sự trong mùa dịch do Thời báo Kinh tế Sài Gòn tổ chức hôm nay 24-4, ông Phạm Văn Việt - phó chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM, tổng giám đốc Công ty Viet Thang Jeans - cho biết ngành dệt may sử dụng lượng lao động lớn, do đó khi dịch bệnh xảy ra đã bị ảnh hưởng khá nặng nề.
Hiện nay, Viet Thang Jeans vẫn cố gắng duy trì hoạt động sản xuất, tuy nhiên doanh nghiệp áp dụng cho một ca nghỉ, một ca làm, luân phiên nhau. Để giữ chân người lao động trong khó khăn này, khoảng 50% doanh nghiệp dệt may trong hội chuyển hướng sang sản xuất khẩu trang và đồ bảo hộ lao động. Mục đích chính là chỉ để giải quyết tình trạng người lao động đang không có việc làm hiện nay.
Hiện dây chuyền sản xuất chạy trong 10 ngày mỗi tháng và mỗi ngày chỉ làm 6-7 giờ, thu nhập của người lao động chỉ còn khoảng 60% so với bình thường dù doanh nghiệp đã nỗ lực hết sức. Trên thực tế, các đơn hàng khẩu trang chỉ để tạo công việc cho công nhân trong ngắn hạn để vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Bà Tiêu Yến Trinh, chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Talentnet, cho rằng khó khăn đã thúc đẩy nhiều doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số hóa. Việc xây dựng kịch bản về nhân sự đóng vai trò rất quan trọng. Theo bà Trinh, việc tạm thời cho người lao động nghỉ ở nhà trong vài tháng không hưởng lương chỉ nên là giải pháp cuối cùng. Việc cắt giảm lương thưởng áp dụng với cấp lãnh đạo, cấp quản lý trước sau đó mới đến các vị trí thấp hơn.
Ngoài ra, bà Trinh gợi ý doanh nghiệp nên linh hoạt hết mức có thể để vượt qua giai đoạn khó khăn. "Một số công ty du lịch đang tạo cơ hội cho người lao động cung cấp dịch vụ bán bảo hiểm, phân phối khẩu trang. Điều quan trọng là doanh nghiệp đánh giá đúng kỹ năng của nhân viên và tạo kết nối cho các chuỗi giá trị", bà Trinh nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận