15/11/2023 11:56 GMT+7

Kịch bản của thầy Thân Ái

Chỉ một câu nói mang tính khích tướng của thầy chủ nhiệm lớp 12 của tôi - thầy Thân Ái - mà tôi quyết tâm thay đổi.

Kịch bản của thầy Thân Ái - Ảnh 1.

Hồi ấy tôi được xem là "sếp sòng" của lớp. Bởi tôi luôn là học sinh đầu têu ra các trò quái quỷ chọc ghẹo các bạn nữ, gây nhiễu trong lớp để các thầy cô phải bận lòng giải quyết, không giảng dạy được. Vậy nhưng không ai làm gì được tôi. Đơn giản vì ba tôi là bạn thân của thầy hiệu trưởng. Tôi biết dù tôi có làm trời làm đất thì cũng không bao giờ bị đuổi học.

Tôi đến trường đâu phải để học

Mọi việc cứ thế trôi đi cho đến khi tôi lên lớp 12 và gặp thầy chủ nhiệm. Thầy có cái tên rất đặc biệt, chỉ hai chữ: Thân Ái, bao gồm cả họ và tên. Thầy rất trẻ. Nghe nói thầy mới tốt nghiệp sư phạm được một năm và đi dạy tại một trường tư thục. Sang năm thứ hai thì thầy chuyển công tác về trường tôi.

Buổi đầu tiên thầy lên lớp, tôi đóng vai học trò chăm, ngoan. Thực sự tôi cũng có chút thiện cảm với thầy. Bởi thầy khá kiệm lời và phong thái rất sư phạm. Thầy có dáng người to, cao, nước da bánh mật, giọng nói rất trầm và ấm. Thầy ít nói nhưng lại hay cười. Tụi con gái lớp tôi kháo với nhau rằng nụ cười của thầy ấm áp đến kỳ lạ. Tôi thì thấy bình thường.

Và dù có chút thiện cảm với thầy nhưng tôi không thể ngoan được. Tôi đến trường đâu phải để học. Ba tôi là ông chủ tiệm vàng nổi tiếng ở khu quận 5, TP.HCM lúc bấy giờ. Tôi lại là con trai duy nhất của ông. Đã có lần thầy hiệu trưởng nói với ba tôi: "Tiền tiêu vặt mỗi ngày anh cho thằng Thái còn nhiều hơn lương tháng của giáo viên trẻ ở trường tôi".

Vậy thì tôi học làm gì? Tôi ra khỏi nhà mỗi ngày, đến trường là để gặp bạn bè, tìm thú vui của mình chứ tôi cứ nằm chơi cũng xài không hết tiền của ba má.

Buổi dạy thứ hai của thầy Ái, tôi xách động cả lớp tắt đèn, khóa trái cửa không cho thầy vào. Chỉ đến khi thầy hiệu trưởng trực tiếp đi lên, cửa lớp mới được mở ra. Không những thế, tôi và nhóm bạn quậy của mình còn thường xuyên bị giáo viên bộ môn ghi sổ đầu bài, đuổi ra khỏi lớp...

Một buổi tối, khi tôi đang đứng xớ rớ xin ba tôi đổi smartphone mới thì thầy Ái gọi điện. Không biết thầy đã nói gì nhưng ba tôi đã trả lời như thế này: "Thầy muốn làm gì nó thầy làm chứ tôi hết cách rồi". Tôi cười hí hửng.

Nhưng không, ngay giờ ra chơi sáng hôm sau, tôi được mời lên phòng giáo viên gặp thầy chủ nhiệm. Tôi cãi bay cãi biến về những lầm lỗi mình đã gây ra trong giờ học với giáo viên bộ môn hôm trước. Thầy Ái nghiêm mặt nói tất cả các lỗi lầm trước đây của tôi, thầy đều bỏ qua. Từ nay trở đi, nếu tôi tiếp tục vi phạm sẽ bị lập biên bản, ba lần bị lập biên bản sẽ bị đuổi học.

Nói vậy rồi thầy cho tôi đi về. Tôi cũng không ngờ thầy nói là làm. Hôm sau, khi tôi bị cô giáo dạy văn đuổi ra khỏi lớp, giáo viên chủ nhiệm có mặt ngay và mời tôi lên văn phòng lập biên bản.

Tối đó, ba tôi ra điều kiện: "Nếu con bị đuổi học ba sẽ cắt hết tiền tiêu vặt và tịch thu xe máy, điện thoại. Mà thầy hiệu trưởng nói lập biên bản ba lần sẽ bị đuổi học đấy". Nghe vậy tôi ức lắm...

Cú bẻ kèo ngoạn mục

Vì tức nên tôi định bụng sẽ quậy cho tanh bành luôn. Ngày hôm sau, tôi bị lập biên bản ba lần. Như vậy tức là tổng cộng tôi đã bị lập biên bản bốn lần trong hai ngày.

Chiều hôm ấy, thầy chủ nhiệm đưa cho tôi xem biên bản lần bốn rồi nhìn tôi buồn buồn: "Thầy thấy em rất hoạt bát và thông minh. Nếu em tập trung học là học rất giỏi chứ chẳng chơi. Em có biết rằng ở các vùng sâu, vùng xa có nhiều bạn học sinh bằng tuổi em hằng ngày phải đi bộ gần 10 cây số để đến trường không?

Em có biết rằng có nhiều bạn học sinh chỉ được đi học nửa ngày, nửa ngày còn lại phải "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" ở ruộng, ở rẫy để kiếm sống không? Còn em, có đầy đủ các điều kiện để học mà không chịu học"...

Tối hôm ấy về nhà, tôi bị ba mắng như tát nước vào mặt. Rằng lần này là hết cứu, chắc chắn bị đuổi học. Đang giữa lớp 12, chả có trường nào nhận đâu mà chuyển trường. Tôi thấy buồn quá! Cứ nghĩ tới việc không được đi học, lòng tôi lại chùng xuống. Sáng hôm sau, tôi đến trường thật sớm, vào lớp ngồi một mình, ngẫm nghĩ...

Không ngờ thầy Ái cũng đến trường rất sớm. Sáng đó thầy không có tiết dạy ở lớp tôi nhưng không hiểu sao thầy cũng vào lớp, ngồi trên bàn giáo viên, chăm chú viết cái gì đó. Trong phòng chỉ có hai người, năm lần bảy lượt tôi định mở lời với thầy mà không nói thành câu.

Bất ngờ thầy Ái ngẩng lên, hỏi:

- Em có chuyện gì cần nói với thầy phải không?

- Dạ, có... Là em muốn xin thầy một cơ hội, để em được tiếp tục học ở trường.

- Cái này nằm ngoài thẩm quyền của thầy rồi. Nhưng để thầy đề xuất với ban giám hiệu trường xem như thế nào...

Ngay chiều hôm ấy, tôi nhận được tin ban giám hiệu trường đồng ý cho tôi cơ hội với điều kiện thầy Ái phải làm đơn bảo lãnh, cam kết sẽ đồng hành cùng với tôi, giúp tôi tiến bộ. Dĩ nhiên là tôi cảm kích lắm.

Hơn 10 năm đã trôi qua, thầy Thân Ái cũng đã chuyển công tác sang một ngôi trường ở vùng ven TP.HCM. "Nhóm quậy" của lớp chúng tôi thì vẫn rủ nhau về thăm thầy vào ngày 20-11. Sau này, mãi đến khi tôi tốt nghiệp đại học ngành quản trị kinh doanh và chuẩn bị tiếp quản công việc của công ty gia đình, thầy Ái mới "bật mí": "Thằng Thái nhìn lanh lợi vậy mà vẫn bị lừa".

Cả bọn nhao nhao lên, đòi thầy giải thích. Vẫn với nụ cười ấm áp mang cả mùa xuân đến cho người đối diện (mãi sau này tôi mới thấy như vậy), thầy nói chậm rãi: "Thì ngày xưa thầy lên kịch bản đuổi học nó đấy chớ. May là có thầy hiệu trưởng và ba thằng Thái hỗ trợ, diễn kịch rất đạt".

Cuộc nói chuyện thay đổi đời tôi

- Em đi học để làm gì?

- Em đi học cho vui thôi, nhà em giàu, tiền xài không hết, học nhiều đâu để làm gì thầy...

- Giàu là ba mẹ em giàu chứ có phải tiền của em đâu. Em không chịu học sẽ thiếu rất nhiều kiến thức, kỹ năng. Đất nước ta đang trên đà hội nhập với thế giới, nếu chỉ sống dựa vào kinh nghiệm sẽ rất khó khăn sau này. Thầy lấy ví dụ: nếu em không biết cách quản lý tiền, không biết chi tiêu hợp lý, không biết cách kiếm tiền ra hằng ngày thì tiền có thật nhiều cũng sẽ xài nhanh hết. Chưa kể rồi ba mẹ em càng ngày càng lớn tuổi, đâu thể bảo bọc em mãi...

Nhớ hoài những câu nói thấm thía của thầy côNhớ hoài những câu nói thấm thía của thầy cô

Đôi lúc chỉ một câu nói của thầy cô cũng có thể khiến học trò nhớ mãi, thậm chí thay đổi cả cuộc đời của một bạn trẻ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp