03/03/2012 06:00 GMT+7

Khuyến khích trẻ làm việc nhà

THÁI BÌNH
THÁI BÌNH

TT - Ở trường có chị lao công, ở nhà có mẹ và người giúp việc, mấy “chị” này giành làm hết mọi việc khiến nhiều trẻ trở thành “gà công nghiệp” trong vòng quay bất tận ăn - ngủ - học - chơi game - xem tivi.

wzhrL6Nu.jpgPhóng to

Bé Bảo Ngọc (6 tuổi) ở Q.2, TP.HCM được mẹ dạy làm một số việc vừa sức trong nhà - Ảnh: T.Bình

Vừa gặp chuyên gia tâm lý, chị Lương T. (Q.3, TP.HCM) đã vội than thở không ngủ được vì... tức.

Con không biết làm gì

Mấy hôm trước, khi mở cửa phòng con gái (16 tuổi), chị phải kêu trời khi thấy một mớ hỗn độn quần áo, cặp sách, ly tách, dụng cụ học tập. Xộc vào mũi chị là thứ mùi kinh khủng pha trộn giữa mùi quần áo chưa giặt, mùi sữa ôi thiu và mùi mì gói thừa trong tô. Chị kể cô bé học khá nhưng không mó tay tới việc gì trong nhà. Ngay cả ly sữa mẹ pha khi uống xong cô bé cũng để đó, nhắc mãi mới chịu rửa nhưng không sạch. Lạ một điều các bạn của cô bé đều như thế cả. Bà mẹ bức xúc: “Ai đời sáu đứa con gái lớn tướng mà cứ rúc trong phòng nói chuyện, đợi kêu thì xúm lại ăn, chẳng đứa nào hỏi bác cần gì cháu giúp. Ăn xong lại rúc vô phòng, chẳng thèm dọn rửa gì ráo”.

Cũng vậy, chị Tuyết L. (Q.1, TP.HCM) suốt ngày cứ quay cuồng phục vụ ba đứa con từ 13 đến 17 tuổi. Chị kể do trước đây làm ăn được nên chị thuê người giúp việc, các con chỉ biết ăn, học, ngủ, chơi mà thôi. Hơn năm trước, khi người giúp việc nghỉ thì mọi việc dồn lên vai chị. “Mấy bữa tôi bệnh căn nhà như một bãi chiến trường. Tôi nhắc thì đứa làm chậm chạp lề mề, đứa bỏ dở nửa chừng, đứa làm cho có”, chị than thở.

Nhưng buồn nhất là chuyện chị phát hiện chúng quá ích kỷ. “Đi học về là quẳng cặp sách, vứt quần áo tứ tung, ăn uống xong vứt rác trên bàn. Nhờ việc gì thì chúng xị mặt rồi lảng đi”. Chị kể nhiều lúc tủi thân rơi nước mắt khi mẹ hì hục làm, còn các con ung dung ngồi chơi game, đến bữa có khi còn bĩu môi chê bai nếu không vừa miệng. Con gái lớn của chị ngay cả rửa chén, lặt rau cũng không biết làm. “Nguy hiểm là hai đứa em cũng bắt chước chị nó”, chị L. lo lắng.

Cha mẹ sợ con cực

Các chuyên gia tâm lý có cả “kho” chuyện về việc cha mẹ ôm ấp, bảo bọc con quá kỹ. Chẳng hạn con đã 7-8 tuổi mà họ vẫn còn đút cơm tận miệng hay mặc giúp quần áo. Cho nên mới có những đứa trẻ hơn 10 tuổi vẫn quen “thay đồ tại chỗ”, không tự chải tóc, không biết cột dây giày. Thậm chí một số cô bé đã ra dáng thiếu nữ nhưng không biết cách tắm rửa nên cứ ơi ới gọi mẹ khi cần.

Tại một trường mầm non ở Q.3, TP.HCM chúng tôi thấy không ít phụ huynh cứ xông thẳng vào lớp lá (trẻ lớn) lục ngăn tủ lấy balô, giày dép rồi bồng trẻ về, trẻ khóc lóc đòi tự đi cũng không cho. Một cô giáo cho biết trẻ lớn ở trường thường được các cô khuyến khích tự làm những việc chăm sóc cá nhân như rửa tay, lấy cơm, múc ăn, mang giày dép... để rèn tính tự lập. “Nhưng một số cha mẹ làm khác đi”, cô lắc đầu ngao ngán.

“Nhiều cha mẹ quan niệm đã bỏ tiền thuê thì phải tận dụng người giúp việc hết cỡ, thế là trẻ trở thành ông vua bà chúa”, một chuyên viên tâm lý nói. Áp lực học tập cũng khiến cha mẹ ngại sai con làm việc nhà. Thậm chí một bà mẹ còn nói: “Cứ để nó tập trung học, mai mốt làm ra tiền thuê người giúp việc”. Một số bà mẹ khác lại thiếu kiên nhẫn. Chị Minh T. (Q.2, TP.HCM) kể: “Nó rửa chén cứ bể hoài, lau nhà thì không sạch, tôi làm luôn cho khỏi bực lại đỡ mất thời gian”.

“Sướng” là hại con

Tại một khóa huấn luyện do Nhà văn hóa Phụ nữ TP.HCM tổ chức, giảng viên khẳng định trẻ được “úm” quá kỹ sẽ tự lập kém, sống ích kỷ và vô tâm. Theo Th.S Nguyễn Thị Mỹ Linh, ngay từ khi trẻ 2-3 tuổi đã có thể dạy trẻ biết dọn dẹp đồ chơi. Lớn hơn một chút có thể dạy trẻ phơi đồ, xếp quần áo và làm một số việc cho bản thân như tự tắm, chọn quần áo... Cha mẹ có thể cùng trẻ thi “ai nhanh hơn?” hoặc bấm đồng hồ cho trẻ làm nhanh để “vượt qua chính mình”. Bà Linh chia sẻ: “Trẻ thích vừa làm vừa chơi vì không cảm thấy bị ép buộc. Lưu ý cha mẹ cần hướng dẫn và cùng làm với trẻ”.

Chị Phương Loan (Q.4, TP.HCM) cho rằng cha mẹ cần chấp nhận sự vụng về ban đầu, bởi trẻ cần có thời gian để rèn việc. Theo chị, cần khen trẻ ít nhất là ở tinh thần tích cực hoặc làm tốt hơn lần trước. Ngược lại, cha mẹ cầu toàn sẽ cảm thấy bực bội, thậm chí chê trách khiến trẻ mất hứng. Chị kể: “Thằng bé nhà tôi sang nhà bạn làm rất sung, nhưng về nhà mình lười chảy nhớt”. Đi hỏi chuyên gia tâm lý, hóa ra khi làm trong nhóm bạn trẻ được thán phục nên cảm thấy mình “tăng giá trị”.

Thật ra, theo bà Linh, làm việc nhà là cách để trẻ thư giãn và đa dạng hóa hoạt động cho trẻ. Thay vì ngồi lì học bài - chơi game - xem tivi vốn căng thẳng đầu óc, trẻ làm việc nhà rồi quay lại học sẽ tiếp thu tốt hơn. Ngoài ra, cách nghĩ “làm ra tiền rồi thuê người giúp việc” cần xem lại, vì chắc gì sau này trẻ sẽ dư dả. “Không tự lo được bản thân thì sẽ sống ra sao?”, bà Linh băn khoăn.

Kích thích trẻ

Chị Linh T. (Q.3, TP.HCM) chia sẻ: “Khi được trả tiền thằng bé nhà tôi làm việc nhà rất sung”. Ngược lại, chị Bích N. (Q.5, TP.HCM) phản đối cách làm đó vì cho rằng làm việc nhà là cách thể hiện trách nhiệm để xây dựng tổ ấm chung. Còn bà Linh quan tâm đến đặc thù của đứa trẻ: “Một trẻ có tiền là chơi game hay tiêu xài hoang phí khác xa với một trẻ biết dành dụm từng xu đóng học phí hay làm từ thiện”. Tuy nhiên, theo bà Linh, có thể “thuê” trẻ làm một số việc “kho khó” như trang trí phòng, sửa ống nước... để trẻ có thể giỏi giang hơn.

THÁI BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp