03/11/2016 14:30 GMT+7

Khung trời đại học ở Sài Gòn là khung trời nào?

CÙ MAI CÔNG
CÙ MAI CÔNG

TTO - Sáng 3-11, ngồi uống cà phê gần nơi mình hay ngồi ngày còn là chàng sinh viên luật 19 tuổi, ông Nguyễn Xuân Hoàng bảo: "Hồi đó học sinh ghi danh học luật đông lắm, trường lớp không đủ chỗ ngồi...".

Đường Pasteur, đoạn trước cổng Trường ĐH Kiến trúc luôn rợp bóng cây (ảnh chụp sáng 1-11) - Ảnh: M.C.

Chúng tôi ngồi ở khu vực "cà phê bệt" góc ngã tư Nguyễn Đình Chiểu - Pasteur của sinh viên ĐH Kiến trúc, ĐH Kinh tế; một góc "khung trời đại học" trước năm 1975 và cảm nhận hơn một điều có lẽ ai cũng biết: khung trời này ngợp bóng những hàng cổ thụ cao vút...

Hai ngôi trường trái ngược nhau

Chàng sinh viên luật niên khóa 1973-1974 Xuân Hoàng nhớ lại: "Ghi danh học luật mấy chục ngàn đứa thì trường lớp lúc đó nhỏ xíu làm sao đủ chỗ ngồi được. Hồi đó học ĐH không điểm danh nên sinh viên tản ra xung quanh "ôm cua" (cours - khóa học, lớp học, giáo trình học; tạo nên từ "cúp cua" mà giờ học trò vẫn xài) là chuyện bình thường. Quanh trường toàn thấy sinh viên đúng ngồi, đi lại um sùm...".

Trường luật trước 1975 có tên chính thức là Luật khoa đại học đường Sài Gòn, cổng trường ở số 17 Duy Tân (nay là cổng Trường đại học Kinh tế, 17 Phạm Ngọc Thạch, Q.3, TP.HCM - đối diện tòa soạn báo Khăn Quàng Đỏ - Mực Tím).

Chiều dài trường nằm dọc theo nửa đoạn đường từ ngã tư Nguyễn Đình Chiểu - Phạm Ngọc Thạch đến Nguyễn Đình Chiểu - Pasteur hiện nay. 

Nửa đoạn đường còn lại thuộc Trường ĐH Kiến trúc có cổng bên 196 Pasteur (nay vẫn vậy) và đâu lưng vô nhau (trước đó Trường ĐH Kiến trúc ở số 61 Phan Đình Phùng, nay là Nguyễn Đình Chiểu, gần đó).

"Con đường Duy Tân (nay là Phạm Ngọc Thạch) - Cây dài bóng mát" trưa 1-11. Bên phải là cổng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM (trước năm 1975 là khuôn viên Trường ĐH Luật Sài Gòn) - Ảnh: M.C.
Trường ĐH Kinh tế (xưa là vị trí của Trường ĐH Luật Sài Gòn) và Trường ĐH Kiến trúc Sài Gòn (nay là Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM) nằm cạnh nhau và đâu lưng nhau trên đường Nguyễn Đình Chiểu sáng 3-11 - Ảnh: M.C.
Thầy trò Trường ĐH Luật trước 1975 - Ảnh tư liệu

Giáo sư, KTS Nguyễn Quang Nhạc (khoa trưởng giai đoạn 1967-1970 ) trò chuyện cùng các sinh viên Trường Đại học Kiến trúc Sài Gòn trước 1975 - Ảnh: uah.edu.vn

Hai ngôi trường không chỉ "ngược" nhau về vị trí mà còn cả sĩ số ghi danh học.

Trường Luật nhận hàng vạn sinh viên ghi danh học mỗi khóa mới. Theo giáo sư Nguyễn Văn Canh, tiến sĩ công pháp, nguyên phụ tá khoa trưởng từ 1973-1975, năm 1970 số sinh viên ghi danh học năm thứ nhất ban cử nhân là 13.000 sinh viên thì bốn năm sau (1974) số sinh viên tốt nghiệp chỉ 715 (khoảng 5,5%).

Nghĩa là rớt 94,5%. Và đây là tỉ lệ phổ biến nhiều năm. Trong số rớt có cô tiểu thư của nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên: Nghe nói em vừa thi rớt Luật - Môi trâm anh tàn héo nụ xa vời - Mắt công nương thầm khép mộng chân trời - Xin tội nghiệp lần đầu em thất vọng!... (Duyên tình con gái Bắc).

Tỉ lệ này xem ra không làm sờn lòng sĩ tử vì niên khóa 1974-1975, niên khóa cuối cùng của trường trước 1975, số sinh viên ghi danh học lên đến... 58.000 người. 

Trong khi đó, số sinh viên ghi danh học kiến trúc chỉ năm bảy trăm mỗi khóa (chẳng hạn năm 1969 chỉ  có 689 người). Tỉ lệ tốt nghiệp càng đáng sợ hơn. Giáo sư Nguyễn Quang Nhạc, khoa trưởng kiến trúc 1967-1970 (cha đẻ lễ hội "rửa tội" truyền thống của "dân Kiến" lâu nay) cho biết từ suốt 24 năm, từ 1951-1975 chỉ có 252 kiến trúc sư tốt nghiệp nơi đây.

(Trước 1975, Viện đại học Sài Gòn gồm các trường ĐH là phân khoa thành viên. Khoa trưởng các trường ĐH tương đương với hiệu trưởng hiện nay).

Khung trời đại học đầu tiên của Sài Gòn

Cả hai trường đều có lưng kề với trụ sở Viện đại học Sài Gòn (nay là trụ sở Văn phòng đại diện Bộ Giáo dục - đào tạo, nhìn ra hồ Con Rùa hiện nay). 

Gần đó là Trường ĐH Y khoa Sài Gòn ở số 28 Trần Quý Cáp (nay là Võ Văn Tần và là Bảo tàng Chứng tích chiến tranh). Chuyện sinh viên trường Luật, Kiến trúc, Y qua lại giao lưu tình cảm, hẹn hò nhau là chuyện khá phổ biến trên những cung đường này .

Cũng trên đường Trần Quý Cáp có một khu ký túc xá dành cho nữ sinh viên là Đại học xá Trần Quý Cáp (nam sinh viên ở Đại học xá Minh Mạng, nay là KTX Ngô Gia Tự).

Và đây là khung trời đại học đầu tiên nổi tiếng của Sài Gòn trước 1975, với trục lộ chính là "Con đường Duy Tân (Phạm Ngọc Thạch hiện nay) - Cây dài bóng mát" (Trả lại em yêu - nhạc Phạm Duy).

Cho đến nay, khung trời này vẫn rợp bóng những hàng cây, vòm cây xanh rờn không chỉ trên đường Duy Tân mà cả những con đường bên ngoài, xung quanh các ngôi trường ĐH Kiến trúc, Luật, Y như Pasteur, Phan Đình Phùng, Trần Quý Cáp. 

Trước năm 1975, những vòm cây này có tán lá rất dày (có thể vì ít tỉa cành như hiện nay). Đầu thập niên 1970, ai đi dưới những vòm cây đường Trần Quý Cáp để ra hồ Con Rùa và đến Sở Thú chơi có lẽ đều có cảm giác như khi đi trong một đường hầm mà vách hầm dày đặc cây lá.

Ra khỏi những hàng cây cổ thụ xung quanh trường, các sinh viên tới hồ Con Rùa lãng mạn cạnh bên với bóng cây soi bóng nước. Qua hồ tới trụ sở Tổng hội Sinh viên Sài Gòn (4 Duy Tân, nay là Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM) thì cũng toàn những hàng cây cao vút.

Nhà thờ Đức Bà và công viên Thống Nhứt (nay là công viên 30-4) gần bên như một rừng cây làm say mê bao thế hệ học trò cho tới nay. Buổi chiều khuôn viên - Mây  trời xanh ngắt (Trả lại em yêu  - nhạc Phạm Duy).

"Trường Luật chật hẹp mà sinh viên lại quá đông, chúng tôi thường la cà trong những quán cóc. Nhiều nhất là xung quanh công trường Quốc Tế, thường gọi là hồ Con Rùa, bên ngoài trụ sở Tổng hội Sinh viên hay góc Thư viện Quốc gia (nay là Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM) trên đường Gia Long (nay là Lý Tự Trọng)" - Hồi ức một sinh viên Luật niên khóa 1972-1973.

Không chỉ vậy, nhiều anh sinh viên Luật, Kiến trúc còn la cà sang Trường ĐH Văn khoa Sài Gòn trước1966 còn nằm trên đường Gia Long (nay là Lý Tự Trọng), cũng một con đường lãng mạn với những vòm me xanh tràn ngập.

Không ít duyên tình đại học đã thực sự mở rộng khung trời đại học Sài Gòn lúc ấy. Khi ĐH Văn khoa chuyển về đại lộ Cường Để (nay là Đinh Tiên Hoàng) năm 1966, ngôi trường Văn khoa xưa bị phá đi để xây Thư viện Quốc gia (nay là Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM) thì đây vẫn là địa chỉ mà nhiều sinh viên ở trung tâm khung trời đại học tìm đến như một nơi học tập, kiếm tìm tư liệu và... tâm sự.

"Có thể nói trước 1975, những con đường xung quanh các trường Luật, Y, Kiến trúc... như Pasteur, Phan Đình Phùng, Duy Tân... hầu như lúc nào toàn thấy những gương mặt sinh viên tìm đến học hành, hội họp lẫn... biểu tình chống chế độ Sài Gòn" - ông Hoàng bảo.

Đón đọc kỳ 2: Khung trời đại học thứ hai của Sài Gòn

CÙ MAI CÔNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp