Theo ông Trần Thanh Hải - phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - cho hay kênh đào Suez là một trong những tuyến đường hàng hải huyết mạch quan trọng bậc nhất thế giới, chiếm khoảng 12% tổng lưu lượng giao thông hàng hải toàn cầu.
Tuy nhiên, kể từ cuối năm 2023, do xung đột tại khu vực Biển Đỏ, nhiều hãng tàu đã phải thay đổi tuyến đường, không đi qua kênh đào Suez mà phải đi vòng qua mũi Hảo Vọng, làm cho hành trình tàu kéo dài từ 10 - 15 ngày so với trước.
Xung đột Biển Đỏ, giá cước tăng từ 50-80%
Những diễn biến mới nhất ở Biển Đỏ đã gây tác động xấu đối với ngành vận tải biển thế giới cũng như ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam, trực tiếp nhất là với khu vực châu Âu và Bắc Mỹ.
Thông tin thêm về tác động của diễn biến này tới hoạt động xuất nhập khẩu, đại diện Cục Xuất nhập khẩu cho hay từ tháng 1-2024 cước vận chuyển container bằng tàu biển đi Mỹ, Canada tăng mạnh so với tháng 12-2023.
Trong đó, cước tàu đến Bờ Tây tăng từ 1.850 USD/container lên mức 2.873 - 2.950 USD/container (tăng 55 - 60%); cước tàu đến Bờ Đông tăng từ mức 2.600 USD/container lên mức 4.100 - 4.500 USD/container (tăng thêm 58 - 73%).
Riêng giá cước sang châu Âu ghi nhận tăng mạnh, gồm cước đi Hamburg là 1.200 - 1.300 USD lên mức 4.350 - 4.450 USD/container. Các doanh nghiệp châu Âu được cho là chịu nhiều ảnh hưởng nhất, bởi chuỗi cung ứng của họ phụ thuộc nhiều vào tuyến đường đi qua Biển Đỏ.
Cùng với chi phí tăng cao, việc các chuyến hàng cập cảng trễ hơn ít nhất một tuần cũng khiến chuỗi cung ứng nguyên liệu, vật tư của các nhà sản xuất bị đảo lộn, hàng phục vụ sản xuất bị trễ lịch.
Các hãng tàu còn áp thêm phụ phí do căng thẳng trên Biển Đỏ và tình trạng thiếu container rỗng quay về khu vực châu Á sẽ diễn ra. Điều này đẩy giá tiếp tục tăng và ảnh hưởng lớn tới hàng xuất nhập khẩu giữa châu Á và châu Âu.
Theo Bộ Công Thương đánh giá, thực trạng này cũng tác động làm thiếu hàng hóa, làm gián đoạn chuỗi cung ứng một số khu vực, đặc biệt là tại Trung Quốc. Hành lang vận tải đường sắt cũng đối mặt với tình trạng gián đoạn nghiêm trọng. Hậu quả là nhiều nhà máy tại châu Âu đã phải hoạt động cầm chừng hoặc ngừng hoạt động.
Tác động đến xuất nhập khẩu từ xung đột Biển Đỏ
Ngoài ra, với tình hình Biển Đỏ và bất ổn khu vực Trung Đông kéo dài, kéo theo giá dầu tăng trong thời gian dài, gây ảnh hưởng tới tình hình lạm phát toàn cầu đang có dấu hiệu hạ nhiệt.
Từ đó có thể ảnh hưởng đến chính sách điều hành lãi suất của Fed, cũng như Ngân hàng Trung ương châu Âu. Đây cũng là nguyên nhân gây ảnh hưởng trực tiếp đến đơn hàng xuất khẩu Việt Nam sang hai khu vực thị trường chiến lược này.
Theo đại diện Cục Hàng hải Việt Nam, tuần vừa rồi giá cước đã giảm được 4%, dù là con số nhỏ nhưng có thể đây là diễn biến tích cực theo đà giảm chậm hoặc không tăng.
Dự báo năm 2024 ảnh hưởng xung đột, chiến tranh, ngành vận tải có thể bị ảnh hưởng bởi tác động. Đó là tình hình lạm phát của các thị trường lớn, sức tiêu thụ hàng hóa giảm, yêu cầu vận tải bằng nhiên liệu sạch, ảnh hưởng hoạt động vận tải hàng hóa...
Do đó, đại diện Cục Hàng hải Việt Nam cho hay sẽ nỗ lực đảm bảo hàng hóa, tàu thuyền vận chuyển được thông suốt, không có vướng mắc, giải phóng nhanh thủ tục tàu thuyền thông qua cảng với thời gian nhanh nhất.
Với hãng tàu, đại diện cục đề nghị các hãng tàu cần duy trì các chuyến vận tải hàng hải, bổ sung thêm tàu, container rỗng đảm bảo lịch trình và nhu cầu xuất nhập khẩu; thực hiện nghiêm quy định giá cước vận tải và phụ thu…
Ông Vũ Sơn Tùng - phó vụ trưởng Vụ Trung Đông - châu Phi (Bộ Ngoại giao) - thông tin sẽ theo dõi sát tình hình và diễn biến có thể diễn ra trong thời gian tới; nghiên cứu phương án và tuyến đường vận tải khả thi, tốt nhất thông tin cho doanh nghiệp.
Đại diện Cục Xuất nhập khẩu cũng cho rằng cần tập trung vào việc ổn định giá cước và phí vận chuyển. Các hãng tàu thực hiện đúng quy định về giá cước vận chuyển, không áp đặt các loại phí, phụ thu không có cơ sở. Thực hiện phân luồng hàng hóa và tuyến đường thay thế, đa dạng nguồn cung hàng hóa...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận