12/12/2015 14:19 GMT+7

Khủng hoảng nhập cư: cơ hội vàng cho Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU?

QUẾ VIÊN
QUẾ VIÊN

TTO - Cuộc khủng hoảng di dân có khả năng dẫn tới việc Thổ Nhĩ Kỳ được kết nạp làm thành viên chính thức của EU, một giấc mơ mà quốc gia nửa Á nửa Âu này theo đuổi từ nhiều năm qua.

Người tị nạn Syria đi qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Ảnh: Reuters

Năm 2015 vẫn chưa qua nhưng khi điểm lại những sự kiện quan trọng nhất trong năm hẳn không ai có thể bỏ qua cuộc khủng hoảng tị nạn và di cư tại châu Âu.

Giấc mơ theo đuổi từ nhiều năm

Không chỉ là cuộc di dân, tạm gọi như vậy, lớn nhất thế giới từ sau Thế chiến thứ hai, cuộc khủng hoảng này đã và đang tác động sâu sắc đến châu Âu, đặc biệt là khối EU, về nhiều mặt, từ kinh tế, xã hội, tôn giáo, văn hóa tới chính trị.

Cuộc khủng hoảng này còn có khả năng dẫn tới việc Thổ Nhĩ Kỳ được kết nạp làm thành viên chính thức của EU, một giấc mơ mà quốc gia nửa Á nửa Âu này theo đuổi từ nhiều năm qua.

Thổ Nhĩ Kỳ đã là thành viên của Hội đồng châu Âu từ năm 1949 và xin được kết nạp làm thành viên chính thức của EU từ năm 2005 nhưng chưa được chấp nhận. Nay thì một cơ hội bằng vàng đã tới khi khối EU rất cần đến họ để giải quyết cuộc khủng hoảng di cư.

Theo Cao ủy tị nạn của Liên Hiệp Quốc (UNHCR), trong tháng 11-2015 đã có thêm 140.000 người tị nạn và di cư bất hợp pháp đến châu Âu, nâng con số cả năm lên 800.000 người, trong đó có 600.000 người đến từ ngả Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo thỏa thuận sơ bộ ngày 29-11 thì Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được nhận 3 tỉ euro trong hai năm 2016, 2017 để sử dụng vào việc cải thiện cuộc sống cho hơn 2 triệu người tị nạn từ Syria, Afghanistan, Iraq, Eritrea… tại đây, tăng cường công tác tuần tra ven biển, chống các tổ chức buôn người tới châu Âu. Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ cho phép những người tị nạn, chủ yếu là người Syria, được làm việc tại Thổ Nhĩ Kỳ.

EU tin rằng những biện pháp này sẽ giúp ngăn chặn tình trạng người tị nạn đổ tới châu Âu và những tai nạn trên biển.

Đổi lại, công dân Thổ sẽ được miễn visa khi đến các quốc gia thành viên EU, bước đầu là các đối tượng sinh viên và thương nhân. Việc miễn visa không chỉ tạo thuận lợi cho hàng triệu lao động Thổ đến làm việc tại các nước trong khối EU, mà còn cho phép EU trục xuất những người mang quốc tịch một nước thứ ba từ Thổ Nhĩ Kỳ nhập cư trái phép vào đây.

Tuy nhiên, việc triển khai thỏa thuận này không phải dễ dàng. Hiện số người vượt biên giới đến châu Âu đã giảm do thời tiết nhưng tới tháng 3-2016, khi trời ấm lên, thì lại khác.

Khoản hỗ trợ 3 tỉ euro cũng không đơn giản. Giữa tháng 10 vừa qua, Brussels đã xác định gói hỗ trợ này là 1 tỉ euro, nay đột ngột tăng lên gấp ba nên trừ một vài nước có nền kinh tế ổn định như Anh, Đức, Thụy Điển, Đan Mạch, Hà Lan..., nhiều nước khác đang lúng túng chưa biết lấy đâu ra tiền.

Ngoài ra, việc miễn visa cho các công dân Thổ còn phải được sự đồng thuận tuyệt đối của Quốc hội EU.

Con đường còn nhiều chông gai cho Thổ Nhĩ Kỳ

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu đã gọi ngày 29-11 là một “ngày lịch sử”, “một sự khởi đầu mới”. Ông Davutoglu rất lạc quan cho rằng thỏa thuận đạt được là bước đầu tiên cho việc Thổ Nhĩ Kỳ được trở thành thành viên EU.

Sự lạc quan của Thủ tướng Davutoglu là có cơ sở. Tuy chỉ có vỏn vẹn 3% lãnh thổ thuộc châu Âu nhưng Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ là cửa ngõ vào châu Âu mà còn có một vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng đối với cả hai châu lục.

Nước cộng hòa này giáp ba biển: biển Đen phía bắc, Địa Trung Hải phía nam, biển Aegean phía tây, và tám nước. Đó là Syria và Iraq phía nam; Iran, Armenia và một phần của Azerbaijan phía đông; Georgia phía đông bắc; Bulgaria phía tây bắc và Hi Lạp phía tây.

Vào cuối thế kỷ thứ 13, dưới triều Ottoman, đế quốc Thổ đã bao trùm một phần lớn của miền đông nam châu Âu, Tây Á và Bắc Phi.

Đối với Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay thì chuyện được gia nhập EU không chỉ nâng cao vị trí của họ trong khu vực mà còn có ý nghĩa quan trọng hơn khi quan hệ với Nga trở nên căng thẳng.

Trước khi nổ ra cuộc xung đột Nga - Thổ thì Nga là một trong những thị trường xuất khẩu nông sản và thực phẩm chế biến quan trọng nhất của họ. Năm 2015 xuất khẩu sang Nga chiếm 0,8% tổng sản phẩm quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy vậy, theo Thủ tướng Đan Mạch Lars Loekke Rasmussen thì khó có khả năng Thổ Nhĩ Kỳ được kết nạp vào EU trong vài năm tới. 

Trở ngại đầu tiên là sự phản đối quyết liệt của một nước thành viên EU là Cyprus, do Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chiếm giữ phần phía bắc đảo Cyprus. Trở ngại thứ hai là Thổ Nhĩ Kỳ thường xuyên bị quốc tế chỉ trích về vấn đề nhân quyền.

Theo Hội đồng bảo vệ các nhà báo có trụ sở tại New York City, thì trong năm 2012 Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giam 76 nhà báo, nhiều nhất trên thế giới, còn hơn cả Iran, Eritrea, Trung Quốc.

Các tổ chức nhân quyền quốc tế cáo buộc chính quyền Ankara vi phạm nhân quyền đối với những dân tộc thiểu số tại Thổ, ví dụ như người Kurds.

Việc Thổ Nhĩ Kỳ tàn sát 1,5 triệu người Armenia năm 1915, dưới triều đại Ottoman, vẫn gây nhiều tranh cãi. Nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ đoạt giải Nobel văn chương 2006 Orhan Pamuk thậm chí còn bị dư luận trong nước quy tội “phản quốc” khi đề cập đến chuyện này khiến ông phải bỏ ra nước ngoài sinh sống.

Một trở ngại khác khiến nhiều nước thành viên EU sẽ ngần ngại khi kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ là nguy cơ bị cạnh tranh trên thị trường lao động. Từ nhiều năm qua Thổ Nhĩ Kỳ là một nguồn cung cấp lao động nhập cư chủ yếu cho các nước Tây và Bắc Âu. Các lao động Thổ được ưa chuộng vì có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, sức khỏe tốt, siêng năng.

Việc có hàng triệu lao động Thổ Nhĩ Kỳ đến EU tìm việc làm khi được miễn visa chắc chắn sẽ tạo nhiều khó khăn cho lao động bản xứ, nhất là những nước có tỉ lệ thất nghiệp cao như Hi Lạp, Ý, Pháp, Ba Lan, Bulgaria…

Ngoài ra, còn một vấn đề nữa mà người dân trong khối EU ai cũng rõ nhưng không tiện nói ra là nguy cơ châu Âu bị “Hồi giáo hóa”. Nỗi lo này không đơn giản xuất phát từ tiên đoán của nhà tiên tri mù người Bulgaria Baba Vanga, rằng “đến năm 2043 thì Hồi giáo sẽ thống trị châu Âu”.

Theo khảo sát của Eurostat thì năm 2012 có 2% dân số EU là tín đồ Hồi giáo, nhưng tỉ lệ này sẽ tăng cao khi EU kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ.

Thổ Nhĩ Kỳ có diện tích lên tới 783.562km2. Dân số năm 2015 là 77,695 triệu người, đứng thứ 18 trên thế giới và hơn 10 triệu người sống ở nước ngoài. Nếu trở thành thành viên của EU thì Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là quốc gia có diện tích lớn nhất trong khối, sẽ đứng thứ hai, sau Đức, về dân số.

Tuy hiến pháp không quy định Hồi giáo là quốc giáo nhưng với khoảng 96,5% dân số là tín đồ phái Sunni, Thổ Nhĩ Kỳ đứng hàng thứ bảy trong các quốc gia Hồi giáo trên thế giới.

Năm 1923, sau khi nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ được thành lập, Mustafa Kemal Artaturk (Artaturk là cách gọi tôn vinh, có nghĩa “Cha của người Thổ”) đã nỗ lực tách tôn giáo khỏi chính trị và áp dụng nhiều biện pháp canh tân đất nước, như cấm nữ giới trùm đầu tại các trường đại học và cơ quan nhà nước, nên Thổ Nhĩ Kỳ được xem là một quốc gia Hồi giáo cởi mở.

Tuy nhiên từ năm 2011, chính phủ nước này đã dần bãi bỏ lệnh cấm phụ nữ trùm đầu nơi công cộng. Động thái này cùng với sự phát triển của các đảng phái Hồi giáo trong vòng 20 năm qua khiến nhiều người cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang nghiêng về khuynh hướng Hồi giáo bảo thủ.

Với tình hình hiện nay, khi cả châu Âu bị đe dọa bởi nguy cơ khủng bố, các phong trào Hồi giáo cực đoan và trào lưu lên đường đến Syria tham gia “thánh chiến” của không ít thanh niên nam nữ Hồi giáo mang quốc tịch Bỉ, Anh, Pháp, Đan Mạch, Thụy Điển… thì cũng khó trách khối EU nếu như họ chậm chạp trong việc kết nạp một quốc gia Hồi giáo đông dân như Thổ Nhĩ Kỳ. Đích đến EU hẳn vẫn còn xa!

QUẾ VIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp