29/03/2018 10:17 GMT+7

Khủng hoảng ngoại giao Nga - Phương Tây: Cuộc chiến mới chỉ bắt đầu

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Đòn ngoại giao tập thể của phương Tây và đồng minh trục xuất hơn 100 nhà ngoại giao Nga dường như chỉ mới khởi đầu cuộc chiến ngoại giao với Matxcơva.

Khủng hoảng ngoại giao Nga - Phương Tây: Cuộc chiến mới chỉ bắt đầu - Ảnh 1.

Đại sứ Nga tại Úc Grigory Logvinov - Ảnh: REUTERS

Đại sứ Nga tại Úc ngày 28-3 cảnh báo chiến tranh lạnh có thể tái diễn nếu các nước tiếp tục công kích Nga, điều mà phương Tây chắc chắn không ngừng lại để đáp trả vụ đầu độc cựu điệp viên Sergei Skripal tại Anh.

Nguy cơ chiến tranh lạnh

"Phương Tây nên hiểu rằng sẽ chẳng có tương lai nào cho chiến dịch chống Nga. Nếu nó vẫn tiếp diễn, chúng ta sẽ lún sâu vào tình huống chiến tranh lạnh" - đại sứ Nga Grigory Logvinov tại Canberra, Úc cảnh báo.

Matxcơva liên tục đưa ra những tuyên bố đòi bằng chứng Nga đứng sau vụ ám sát ông Skripal và khẳng định sẽ đáp trả mạnh mẽ phương Tây. 

"Hãy yên tâm là chúng tôi sẽ phản ứng. Không ai có thể tha thứ cho sự kinh tởm và chúng tôi cũng vậy" - Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhấn mạnh, cho rằng Washington ép các nước tham gia trục xuất nhà ngoại giao Nga. 

Anh và hơn 25 nước, tổ chức trên toàn cầu đồng loạt trục xuất hơn 100 nhà ngoại giao Nga. Hãng tin Bloomberg cho rằng các phản ứng của phương Tây dù thể hiện sự nghiêm túc nhưng vẫn còn quá nhẹ. 

"Nó sẽ không đủ đau để khiến ông Putin cư xử phải phép. Ông ấy lợi dụng nó để nói với người Nga rằng họ đang bị coi thường, bị đổ lỗi và trở thành nạn nhân của các cường quốc phương Tây đạo đức giả và hiếu chiến" - tờ này viết, gợi ý việc sử dụng Công ước vũ khí hóa học 1997 hay mở rộng đóng băng tài sản, cấm thị thực đối với các quan chức Nga.

Thật ra, Thủ tướng Anh Theresa May cho biết chính phủ của bà đang xem xét lại chương trình cấp thị thực cho các nhà đầu tư giàu có ở nước ngoài, chủ yếu nhắm vào Nga. Tuy nhiên, bà May khẳng định Nga chưa dừng lại và cho biết London sẽ dùng một sức lực bao gồm sức mạnh mềm, kinh tế để bảo vệ an ninh quốc gia.

Tuy nhiên, không phải nước nào cũng sẵn sàng chiến tranh lạnh với Matxcơva. Ông Gernot Erler - Điều phối viên của Chính phủ Đức về quan hệ với Nga, ngày 28-3 cho biết Berlin vẫn giữ các kênh liên lạc với Nga, và sẽ làm tất cả để tránh chiến tranh lạnh.

Đáp trả

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis khẳng định vụ đầu độc nhằm chia rẽ phương Tây. Trong khi đó, CNN dẫn các phát ngôn của Nga kể từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng cho thấy Matxcơva đưa ra hàng loạt giả thuyết khác nhau, khi cho rằng đây là âm mưu phá hoại World Cup, khi thì đổ lỗi cho các nước dàn dựng vụ việc.

Khẩu chiến vẫn diễn ra căng thẳng, khi truyền thông Nga lý giải việc London kéo bè công kích Nga nhằm đánh lạc hướng các vấn đề liên quan đến Brexit. 

"Quyết định quy trách nhiệm trong vụ tấn công hóa học chỉ dựa trên sáu bức ảnh. Văn bản giải thích điều gì đã xảy ra ở Salisbury chưa bao giờ được công bố" - hãng tin TASS của Nga dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova.

Khủng hoảng ngoại giao Nga - Phương Tây: Cuộc chiến mới chỉ bắt đầu - Ảnh 2.

Lực lượng chức năng của Anh điều tra vụ đầu độc người trên đất Anh. Nga đã lên tiếng đề nghị được điều tra chung - Ảnh: AFP

Ngày 28-3, Điện Kremlin lặp lại tuyên bố sẽ đáp trả vào lúc thích hợp và kêu gọi các nước đánh giá lại bằng chứng của London. 

"Sau khi đánh giá lại mọi tình huống, chúng tôi nghĩ rằng có sự liên quan của tình báo Anh trong vụ đầu độc. Nếu (Anh) không cung cấp bằng chứng thuyết phục cho Nga, chúng tôi sẽ coi đây là một vụ mưu hại mạng sống công dân của chúng tôi, như kết quả của một vụ gây hấn chính trị quy mô lớn" - Bộ Ngoại giao Nga đáp trả cứng rắn.

Thổ Nhĩ Kỳ không chống lại Nga

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 28-3 tuyên bố nước này sẽ không noi theo Liên minh châu Âu và NATO trừng phạt Nga. "Chỉ vì một số quốc gia đưa ra các biện pháp dựa trên một cáo buộc, chúng tôi không thể quyết định hành động tương tự" - ông Erdogan tuyên bố trên tờ Hurriyet. Ankara, một đồng minh của Matxcơva, trước đó cũng lên tiếng chỉ trích việc sử dụng vũ khí hóa học trên lãnh thổ Anh nhưng không đề cập đến Nga. Ông Putin dự kiến đến Thổ Nhĩ Kỳ tuần tới trong cuộc gặp đa phương với Iran và Syria để củng cố hợp tác. Không chỉ Thổ Nhĩ Kỳ, một số nước như Bồ Đào Nha, Luxembourg, Thụy Sĩ, Hi Lạp, Áo... cũng từ chối trục xuất các nhà ngoại giao Nga.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp