28/04/2022 08:13 GMT+7

Khủng hoảng lương thực trên thế giới: FAO kêu gọi lập quỹ 25 tỉ USD giúp nước nghèo

ANH THƯ
ANH THƯ

TTO - Yemen, Sri Lanka và nhiều nước châu Phi chứng kiến tình trạng mất an ninh lương thực, đối mặt với nạn đói chưa từng có, do nhiều nguyên nhân như khủng hoảng kinh tế trong nước, các tác động tiêu cực từ xung đột Nga - Ukraine.

Khủng hoảng lương thực trên thế giới: FAO kêu gọi lập quỹ 25 tỉ USD giúp nước nghèo - Ảnh 1.

Người dân Sri Lanka mua hàng ở thủ đô Colombo giữa khủng hoảng kinh tế trầm trọng - Ảnh: Reuters

Hưởng ứng lời kêu gọi của Liên Hiệp Quốc (LHQ), nhiều nước giàu trên thế giới cũng xúc tiến các dự án hỗ trợ những nước nghèo hơn để giải quyết vấn đề lương thực.

Hạt giống là nền tảng của an ninh lương thực và dinh dưỡng cho tương lai của chúng ta, và có khả năng tạo ra một thế giới không có nạn đói.

Ông Stefan Schmitz

Tiền và sáng kiến

Theo tờ Indian Express, với nền kinh tế chủ yếu dựa vào dịch vụ, Sri Lanka đã rơi vào khủng hoảng kinh tế khi giá cả nhiều mặt hàng nhập khẩu tăng mạnh và lạm phát ở mức cao nhất lịch sử - lên đến 17,5% vào tháng 3 vừa qua. 21 triệu dân Sri Lanka đang phải chi gấp ba lần bình thường để mua lương thực cơ bản như gạo, đường và sữa bột.

Trong khi đó, Chương trình Lương thực thế giới (WFP) của LHQ cho biết người dân Yemen đang trải qua mức độ đói chưa từng có, khiến cuộc sống của hàng triệu người thêm khó khăn. Bất chấp những nỗ lực hỗ trợ nhân đạo hiện nay, 17,4 triệu người Yemen vẫn thiếu ăn. WFP ước tính con số này sẽ là 19 triệu người vào tháng 12-2022.

Trước tình hình này, ngày 20-4 Tổ chức Nông nghiệp và lương thực của LHQ (FAO) kêu gọi lập quỹ lên tới 25 tỉ USD để giúp các nước nghèo đối mặt với giá thực phẩm tăng.

Bên cạnh đó, Pháp cũng đang thúc đẩy sáng kiến mang tên "FARM". Theo Hãng tin Reuters, Pháp muốn các quốc gia có lượng dự trữ ngũ cốc dư thừa xem xét giải phóng nguồn cung để bảo vệ nước nghèo hơn khỏi tác động của việc giá lương thực tăng do xung đột Nga - Ukraine.

Sáng kiến FARM nhận được sự ủng hộ từ nhóm G7 và đã được thảo luận với các quốc gia G20, bao gồm Trung Quốc và Ấn Độ (những nước có trữ lượng ngũ cốc lớn nhất thế giới) hồi đầu tháng 4. Paris đặt mục tiêu đạt được thỏa thuận quốc tế về sáng kiến này trước khi kết thúc nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên EU vào tháng 6 tới.

Ngoài ra, EU đang tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu lương thực qua ngõ Ba Lan và hỗ trợ phân phối nhiên liệu cho nông dân Ukraine để xoa dịu cuộc khủng hoảng ở nước này. EU cũng đã hỗ trợ tài chính cho các quốc gia dễ tổn thương nhất, với 244 triệu USD trong tuần đầu tháng 4 cho các nước ở Bắc Phi và Trung Đông.

Theo Reuters, gần nửa trong số tiền này sẽ dành cho Ai Cập, trong khi các nước như Libăng, Jordan, Tunisia, Morocco và nhà nước Palestine sẽ nhận được các quỹ hỗ trợ khẩn cấp dao động từ 15 - 25 triệu euro mỗi nước.

Giới chức EU cho biết khoản hỗ trợ nông nghiệp trị giá 300 triệu euro khác (hơn 318 triệu USD) sẽ được cung cấp cho các quốc gia tây Balkan như một phần quỹ hỗ trợ thường xuyên của EU cho khu vực này.

LHQ cũng đã phân bổ 100 triệu USD từ Quỹ ứng phó khẩn cấp trung ương của LHQ (CERF) cho các dự án cứu trợ tại 6 quốc gia châu Phi và Yemen, theo trang web của LHQ.

Ngân hàng hạt giống

Ngoài sự hỗ trợ của các nước giàu, một giải pháp được nhiều kỳ vọng khác để đối phó với khủng hoảng lương thực là các ngân hàng hạt giống. Theo báo Guardian, trước những rủi ro từ cuộc khủng hoảng khí hậu và xung đột toàn cầu gia tăng, các ngân hàng hạt giống ngày càng được coi là một nguồn tài nguyên vô giá có thể giúp ngăn chặn một cuộc khủng hoảng lương thực trên toàn thế giới.

Các nhà nghiên cứu ước tính có ít nhất 200.000 loài thực vật ăn được trên Trái đất. Song con người chỉ phụ thuộc chính vào ba loài là ngô, gạo (lúa) và lúa mì.

Hiện có khoảng 1.700 ngân hàng hạt giống hoặc ngân hàng gene, trên khắp thế giới. Ông Stefan Schmitz - giám đốc điều hành tổ chức bảo tồn đa dạng cây trồng vì an ninh lương thực Global Crop Diversity Trust - cho biết thế giới cần tài trợ và bảo quản tốt các ngân hàng hạt giống để giảm thiểu những tác động tiêu cực của khủng hoảng khí hậu đối với nền nông nghiệp toàn cầu.

Một trong những ngân hàng hạt giống đáng chú ý nhất trên thế giới là Hầm hạt giống toàn cầu Svalbard, hay còn gọi là "hầm chứa ngày tận thế" (doomsday vault). Hầm Svalbard được lập với mục đích chứa mọi hạt giống của các ngân hàng hạt giống khác trên toàn cầu.

Svalbard có thể chứa tới 4,5 triệu loài cây trồng và 2,5 tỉ hạt giống. Hiện hầm có hơn 1,14 triệu mẫu hạt giống của khoảng 6.000 loài thực vật khác nhau. Dù phục vụ cho cộng đồng thế giới, hầm Svalbard thuộc sở hữu của Chính phủ Na Uy và do Global Crop Diversity Trust quản lý.

Ngoài ra còn có Ngân hàng Hạt giống thiên niên kỷ (Millenium Seed Bank) ở Anh, được mệnh danh là nơi đa dạng sinh học nhất trên Trái đất. Trong các hầm chống bom, phóng xạ và lũ lụt của Millenium Seed Bank là bộ sưu tập hơn 2,4 tỉ hạt giống của khoảng 40.000 loài. Ngân hàng này chứa hầu hết các hạt giống ở Anh cùng các bộ sưu tập có nguồn gốc từ 189 quốc gia/vùng lãnh thổ và lưu trữ gần 16% loài thực vật hoang dã trên thế giới.

Theo trang worldvision.org, năm khu vực có số người bị đói cao nhất tính theo tỉ lệ dân số là Trung Phi (31,8%), Đông Phi (28,1%), Tây Phi (18,7%), Caribê (16,1%) và Nam Á (15,8%).

Sắp nắm chủ tịch Hội đồng Bảo an LHQ, Mỹ hứa lo an ninh lương thực thế giới Sắp nắm chủ tịch Hội đồng Bảo an LHQ, Mỹ hứa lo an ninh lương thực thế giới

TTO - Ngày 27-4, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) và Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) thông báo cùng nhau đóng góp 670 triệu USD cho các nỗ lực viện trợ lương thực quốc tế, giữa tình hình bất ổn từ xung đột tại Ukraine.

ANH THƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp