Quang cảnh hỗn loạn trên bãi biển ở Tunisia lúc khủng bố tấn công - Ảnh: Reuters |
Theo AFP, tại châu Âu, hôm qua cảnh sát Pháp bắt đầu thẩm vấn nghi can thực hiện vụ tấn công tàn bạo ở nhà máy khí đốt của Hãng Air Products tại thị trấn Saint-Quentin-Fallavier gần thành phố Lyon.
Thủ tướng Pháp Manuel Valls cảnh báo nước Pháp sẽ còn phải đối mặt thêm nhiều đợt tấn công khủng bố tương tự. Từ Trung Đông, chính quyền Kuwait tuyên bố tổ chức lễ tang tập thể cho 26 nạn nhân vụ đánh bom nhà thờ Hồi giáo Al-Imam Al-Sadeq tại thủ đô Kuwait City hôm nay.
Ở châu Phi, Bộ Y tế Tunisia cho biết trong số 38 người thiệt mạng trong vụ thảm sát tại một khách sạn ở thành phố cảng Port el Kantaoui có tám công dân Anh, một công dân Bỉ và một người Đức.
Từ London, Thủ tướng Anh David Cameron khẳng định người dân phải chuẩn bị tinh thần đối phó với thực tế khủng khiếp “rất nhiều” người bị giết hại ở Tunisia là công dân xứ sở sương mù. Cả nước Anh đang rơi vào trạng thái sốc hiện hàng nghìn du khách nước ngoài đang tìm cách tháo chạy khỏi Tunisia.
“Chó sói đội lốt cừu”
Hôm qua, IS đã lên tiếng nhận trách nhiệm vụ thảm sát ở Tunisia. Nhóm này cho biết kẻ xả súng giết 38 người là Abu Yahya al-Qayrawani. Hắn thực hiện vụ tấn công “để chống lại kẻ thù của IS và quét sạch những hành vi tội lỗi tại thành phố Port el Kantaoui”.
Trong khi đó, Bộ Nội vụ Kuwait thông báo ngoài 26 người thiệt mạng trong vụ đánh bom ở thủ đô còn có 227 người bị thương. Nhà chức trách đã bắt giữ một số nghi can để thẩm vấn.
Nội các Kuwait đã họp khẩn, cho biết toàn bộ cơ quan an ninh và cảnh sát nước này đều được đặt trong tình trạng báo động cao. Chính quyền cũng lập các ủy ban công dân để tăng cường vai trò giám sát của người dân trước nguy cơ khủng bố.
Tổ chức cực đoan Najd Province từng tuyên thệ trung thành với IS nhận trách nhiệm thực hiện vụ tấn công. Truyền thông Kuwait nhận định bọn khủng bố muốn chia rẽ xã hội Kuwait bằng chiêu kích động căng thẳng sắc tộc.
Tại Pháp, chính quyền Paris tiết lộ nghi can Yassin Salhi, 35 tuổi, đã bị lính cứu hỏa bắt giữ tại hiện trường khi tìm cách kích nổ một số chai chứa aceton. Thi thể bị chặt đầu ở nhà máy của Air Products là ông Herve Cornara, chủ một công ty giao hàng và là sếp của Salhi.
Kênh truyền thanh RTL dẫn lời một đồng nghiệp của Salhi mô tả hắn là “chó sói đội lốt cừu” và từng vài lần nói chuyện với anh ta về nhóm IS.
Các đồng nghiệp khác và cảnh sát cho biết Salhi là người sống lặng lẽ, đã lập gia đình và không hề có tiền án tiền sự. Hắn từng bị điều tra hồi năm 2005 và 2006 vì có quan hệ với một nhóm Hồi giáo cực đoan, nhưng cuộc điều tra kết thúc vào năm 2008.
Một giáo sĩ của thánh đường Hồi giáo nơi Salhi từng đến nhận định hắn là người cô độc nên trở thành mục tiêu lý tưởng để các nhóm cực đoan chiêu dụ. Kẻ tấn công ở Tunisia cũng mang tính chất “sói cô độc”, còn hung thủ tại Kuwait tỏ ra cực kỳ chuyên nghiệp.
Phạm vi toàn cầu
Đã có một số nguồn tin khẳng định IS điều phối hai vụ tấn công ở Kuwait và Tunisia. Các chuyên gia tình báo cho rằng dù có điều phối hay không thì ba vụ tấn công xảy ra cùng ngày ở ba châu lục cho thấy vòi bạch tuộc của Hồi giáo cực đoan đang vươn rộng khắp thế giới.
Bloomberg dẫn lời chuyên gia Michael Leiter, cựu giám đốc Trung tâm Chống khủng bố quốc gia Mỹ (NCC), nhận định rõ ràng IS đang sử dụng công nghệ thông tin rất hiệu quả để cực đoan hóa các cá nhân sống bên ngoài khu vực Trung Đông.
“IS làm điều này hiệu quả hơn nhiều so với Al-Qaeda. Và điều quan trọng là IS rất thành công trong việc kích động các cá nhân này thực hiện hành vi bạo lực” - chuyên gia Leiter nhấn mạnh.
Theo ông, IS có khả năng thể hiện hình ảnh “ngầu” rất dễ thu hút các thanh niên Hồi giáo sống trong cảnh khó khăn. Tướng John Allen, đại sứ Mỹ trong liên minh chống IS, cảnh báo các nước đang phải đối mặt với một “thực tế mới”.
Đó là những kẻ có thể sẽ tấn công khủng bố giờ không cần phải đến Syria hay Iraq, thậm chí không cần ra khỏi nhà mà vẫn bị cực đoan hóa và dễ dàng trở thành binh sĩ của IS. Và những “con sói cô độc” như thế là cực kỳ khó ngăn chặn.
Tồi tệ hơn, bọn khủng bố có quá nhiều mục tiêu để lựa chọn. Ba vụ tấn công ở ba châu lục xảy ra tại ba địa điểm khác nhau: một nhà thờ Hồi giáo, một khu nghỉ dưỡng và một công ty do Mỹ đầu tư.
Học giả Michael O’Hanlon của Viện Brookings thừa nhận giờ IS là mối đe dọa không bị hạn chế bởi không gian. Giám đốc Tình báo Mỹ James Clapper kêu gọi phương Tây tăng cường đầu tư vào lực lượng tình báo để đối phó với IS.
Một số chuyên gia cho rằng đã đến lúc phải tạo ra các công cụ ngăn chặn trên Internet để chặn chiến dịch tuyên truyền và tuyển quân trên mạng của IS.
Việt Nam chia sẻ với các nạn nhân khủng bố Hôm qua, phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết: “Việt Nam bày tỏ lo ngại sâu sắc và phản đối mạnh mẽ các vụ tấn công khủng bố tại Pháp, Tunisia và Kuwait ngày 26-6 khiến hàng chục người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương. Đây là những hành động dã man, vô nhân đạo nhằm vào những người dân vô tội. Chúng tôi xin chia sẻ những tổn thất, đau thương không thể bù đắp này với chính phủ, nhân dân và gia đình các nạn nhân và tin tưởng những kẻ chủ mưu phải chịu trách nhiệm về hành động của mình và sẽ bị nghiêm trị”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận