22/04/2019 08:33 GMT+7

Khủng bố liên hoàn ở Sri Lanka, cuộc tắm máu diễn ra chỉ trong 20 phút

TÚ ANH - M.KHÔI - T.PHƯƠNG
TÚ ANH - M.KHÔI - T.PHƯƠNG

TTO - Các vụ đánh bom nhắm vào nhà thờ và khách sạn hạng sang cho thấy đây là các hành vi có tổ chức và có chủ đích rõ ràng. Đến giờ số người thiệt mạng đã lên đến 290 và số bị thương tăng lên 500.

Khủng bố liên hoàn ở Sri Lanka, cuộc tắm máu diễn ra chỉ trong 20 phút - Ảnh 1.

Khách sạn Shangri-La ở thủ đô Colombo tan hoang sau vụ nổ vào sáng 21-4 - Ảnh: REUTERS

Sau 6 vụ nổ tại 3 nhà thờ và 3 khách sạn sang trọng ở thủ đô Colombo và các thành phố khác khiến ít nhất 290 người thiệt mạng và hơn 500 người bị thương, lại xảy ra thêm 2 vụ vào buổi chiều khi cảnh sát bắt đầu hoạt động điều tra và truy lùng. Cảnh sát và giới chức khách sạn Sri Lanka cho biết có các phần tử đánh bom liều chết liên quan ít nhất 2 trong số 8 vụ nổ xảy ra sáng 21-4 tại nước này.

Đây là vụ bạo lực nghiêm trọng nhất ở Sri Lanka, kể từ khi cuộc nội chiến ở nước này kết thúc một thập kỷ trước đây.

Các vụ nổ được xác định có tổ chức bởi 4 vụ (xảy ra tại 2 khách sạn và 2 nhà thờ) xảy ra cùng lúc 8h45; một vụ xảy ra sau đó 5 phút và một vụ sau đó 20 phút (vào lúc 9h05 sáng 21-4). 

Hai vụ đánh bom liều chết

Hãng tin AFP dẫn một nguồn tin cảnh sát cho biết trong vụ nổ thứ 8 xảy ra tại một ngôi nhà ở Dematagoda, ngoại ô phía bắc thủ đô Colombo, kẻ đánh bom liều chết đã kích hoạt chất nổ khi cảnh sát vào tòa nhà để lục soát. Vụ nổ đã làm sập tầng trên của tòa nhà và khiến 3 cảnh sát thiệt mạng. Trong khi đó, một lãnh đạo của khách sạn Cinnamon Grand - 1 trong 3 khách sạn ở thủ đô Colombo bị đánh bom - cho biết một kẻ đánh bom liều chết đã kích hoạt bom trước mặt mọi người trong khu vực nhà hàng của khách sạn.

Cảnh sát Sri Lanka đã xác nhận trong số nạn nhân thiệt mạng có 35 người nước ngoài... Theo Hãng tin AFP, trong số những người thiệt mạng vào ngày lễ Phục sinh có công dân Anh, Mỹ, Hà Lan. Các nguồn tin từ bệnh viện cho biết có công dân Nhật Bản trong số những người bị thương. Trong khi đó, Tân Hoa xã đưa tin có 4 công dân Trung Quốc bị thương trong các vụ nổ.

Các vụ nổ đầu tiên được ghi nhận tại nhà thờ St. Anthony ở thủ đô Colombo và nhà thờ St. Sebastian ở thị trấn Negombo vào khoảng 8h45 sáng. Ngay sau khi xảy ra các vụ nổ ở nhà thờ, cảnh sát cũng đã xác nhận các vụ nổ tại 3 khách sạn hạng sang ở thủ đô Colombo và tại 1 nhà thờ ở thị trấn Batticalao. Nhiều nhân chứng trước đó đã chứng kiến hung thủ ôm bom liều chết lao vào nhà thờ.

Dân số Sri Lanka vào khoảng 22 triệu người với 70% theo đạo Phật, 12,6% theo đạo Hindu và chỉ 7,6% theo Công giáo.

Giới nghiêm toàn quốc

Trong một thông báo đặc biệt, cảnh sát Sri Lanka kêu gọi người dân ở trong nhà, không tụ tập tại các khu vực hiện trường đã bị phong tỏa. Chính phủ Sri Lanka đã ban bố lệnh giới nghiêm toàn quốc từ 18h đến 6h sáng hôm sau mỗi ngày và tạm cấm truyền thông xã hội để ngăn chặn thông tin sai lệch về vụ việc. Lệnh giới nghiêm có hiệu lực ngay lập tức và chưa xác định thời hạn.

Trong phát biểu đăng trên mạng xã hội Twitter, Thủ tướng Ranil Wickremesinghe đã chỉ trích mạnh mẽ vụ tấn công, đồng thời kêu gọi người dân nước này đoàn kết, không đưa ra các thông tin chưa được kiểm chứng. Thủ tướng Ranil đã triệu tập họp khẩn giới chức cấp cao quân đội và cho biết "chính phủ đang tiến hành các bước đi khẩn cấp để giải quyết tình hình".

Tổng giám mục Colombo, Hồng y giáo chủ Malcolm Ranjith, cũng kêu gọi chính phủ điều tra và trừng phạt mạnh tay những đối tượng chịu trách nhiệm về vụ việc.

Trong khi đó, các nhà lãnh đạo trên thế giới tiếp tục lên án một loạt vụ tấn công. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker bày tỏ "đau buồn và ghê rợn" khi nghe tin về một loạt vụ tấn công và cho biết Liên minh châu Âu sẵn sàng giúp đỡ Sri Lanka.

Thủ tướng Anh Theresa May ra tuyên bố kêu gọi: "Chúng ta phải sát cánh bên nhau để đảm bảo rằng không còn ai phải thực hành đức tin của mình trong sợ hãi". Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong điện chia buồn gửi người đồng cấp Sri Lanka, nhấn mạnh Nga là "một đối tác đáng tin cậy của Sri Lanka trong cuộc chiến chống khủng bố" và người dân Nga "chia sẻ những mất mát với gia đình của những người thiệt mạng và cầu chúc những người bị thương nhanh chóng bình phục".

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi điện chia buồn

Được tin các vụ đánh bom tại Sri Lanka làm nhiều người thiệt mạng và bị thương, ngày 21-4-2019, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã gửi điện chia buồn đến Tổng thống Sri Lanka Maithripala Sirisena; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gửi điện chia buồn đến Thủ tướng Ranil Wickremesinghe và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã gửi điện chia buồn đến Chủ tịch Quốc hội Karu Jayasuriya.

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng đã gửi điện chia buồn đến Bộ trưởng Ngoại giao Tilak Janak Marapana.

Chưa ghi nhận trường hợp công dân Việt Nam bị ảnh hưởng

Theo chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam ở Sri Lanka đã liên hệ với cơ quan chức năng sở tại và được biết đến nay chưa ghi nhận trường hợp công dân Việt Nam bị ảnh hưởng. Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam ở Sri Lanka tiếp tục theo dõi vụ việc, giữ liên lạc với cơ quan chức năng sở tại để cập nhật thông tin và có các biện pháp bảo hộ trong trường hợp có công dân Việt Nam bị ảnh hưởng.

Để nhận được sự hỗ trợ trong trường hợp cần trợ giúp, công dân Việt Nam liên hệ theo số đường dây nóng bảo hộ công dân của Đại sứ quán Việt Nam tại Sri Lanka là: +94(11)269 6050 (máy lẻ 101/110) hoặc số điện thoại của tổng đài bảo hộ công dân là: +84981 848484.

Kẻ đánh bom ở Sri Lanka xếp hàng nhận bữa sáng tự chọn trước khi kích nổ

TTO - Các nhà phân tích an ninh cho biết các vụ đánh bom tự sát với kế hoạch tấn công tinh vi, có huấn luyện ở Sri Lanka diễn ra trong bối cảnh căng thẳng tôn giáo và bùng nổ chủ nghĩa cực đoan ở đảo quốc này.

TÚ ANH - M.KHÔI - T.PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp