21/12/2017 07:20 GMT+7

Khủng bố IS năm 2018 chơi trò 'chém vè'

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - IS thất bại ở Iraq và Syria , song các nhà phân tích đánh giá IS sẽ rút vào bí mật, thay đổi địa bàn hoạt động và cách đánh để "công kỳ vô bị, xuất kỳ bất ý". Như vậy trong năm 2018, IS vẫn tiếp tục là mối đe dọa về an ninh.

Ngày 7-12-2017, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố: "Quân đội Nga đã hoàn thành nhiệm vụ đánh bại nhóm khủng bố vũ trang Nhà nước Hồi giáo (IS)… IS không còn kiểm soát địa phương hay vùng nào ở Syria".

Hai ngày sau tuyên bố chiến thắng IS của Bộ Quốc phòng Nga, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi long trọng tuyên bố trước hội nghị toàn quân ở Baghdad: "Quân đội chúng ta đã kiểm soát hoàn toàn biên giới Iraq-Syria. Vì vậy tôi tuyên bố kết thúc cuộc chiến chống IS". 

Khủng bố IS năm 2018 chơi trò chém vè - Ảnh 1.

Người dân Iraq diễu hành mừng chiến thắng trước IS tại quảng trường Tahrir ở thủ đô Baghdad, Iraq ngày 10-12 - Ảnh: REUTERS

Chiến lược bảo đảm sống sót

Cách đây ba năm rưỡi, IS đã đánh chiếm khu vực rộng 240.000 km2 (tương đương vương quốc Anh) chạy dài từ Iraq sang Syria. Chúng tuyên bố thành lập Nhà nước Hồi giáo với hai thủ đô đặt tại Mosul (Iraq) và Raqqa (Syria). Dân chúng sống trong khu vực chúng chiếm đóng lên đến 10 triệu dân.

Đến tháng 12-2017, từ 30.000 quân IS chỉ còn chưa tới 3.000 quân cố thủ tại khu vực biên giới giữa tỉnh Deir Ezzor (Syria) và tỉnh Al Anbar (Iraq).

Mặc dù IS thất trận, các chuyên gia Mỹ vẫn đánh giá còn quá sớm để tuyên bố chiến thắng IS.

Ông Michael Vickers, cựu thứ trưởng Quốc phòng Mỹ (năm 2011-2015), nhận xét: "Không có dấu hiệu cho thấy cuộc chiến chống IS kết thúc. Đánh bại một cuộc nổi dậy luôn mất nhiều thời gian, từ 10 năm đến nhiều thập niên. Trong khi đó, cuộc nổi dậy của IS mang tính toàn cầu, mở rộng về không gian lẫn thời gian và được thúc đẩy bằng hệ tư tưởng nên thuộc loại nổi dậy khó đánh thắng nhất".

Khủng bố IS năm 2018 chơi trò chém vè - Ảnh 2.

Các phần tử IS thuộc nhóm "Tỉnh Sinai" trên bán đảo Sinai (Ai Cập) - Ảnh: thecentrestar.com

Đừng ngạc nhiên khi sắp tới xuất hiện phong trào thánh chiến cực đoan toàn cầu 3.0. Al Qaeda là phiên bản 1.0, đến IS là phiên bản 2.0. Nhiều phiên bản khác sẽ bùng phát"

Ông Michael Vickers - cựu Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ

Nhà nghiên cứu Bruce Hoffman ở Đại học Georgetown nhận định: "IS sẽ tồn tại… Chúng đã dự kiến thất trận và đã lập chiến lược bảo đảm sống sót và hoạt động lâu dài".

Ông đánh giá IS đã bắt chước chiêu rút vào hoạt động bí mật đã được nhóm khủng bố Al Qaeda thực hiện sau vụ tấn công nước Mỹ ngày 11-9-2001. Theo các nhà phân tích, các phần tử IS có chuyên môn quân sự đều đã tháo chạy khỏi Iraq và Syria trước khi vòng vây khép lại.

Chiến lược này của IS đã mang lại hiệu quả, bằng chứng là vụ đánh bom liều chết tại đêm nhạc pop 22-5-2017 tại nhà thi đấu Manchester (Anh) làm 22 người chết, 59 người bị thương. Chỉ đạo vụ đánh bom là một tổ IS hoạt động ở Benghazi (Libya) chứ không phải ở Iraq và Syria.

Chuyên gia Katherine Zimmerman thuộc Viện nghiên cứu chính sách Mỹ (AEI) giải thích cuộc chiến chống IS chưa kết thúc vì tại Iraq và Syria, cội rễ dẫn đến sự xuất hiện của IS chưa bị loại trừ. Một bộ phận cộng đồng dòng Sunni vẫn xem IS là lực lượng đủ sức bảo vệ lợi ích cho họ.

Khủng bố IS năm 2018 chơi trò chém vè - Ảnh 4.

Vụ đánh bom đêm nhạc pop 22-5-2017 tại nhà thi đấu Manchester (Anh) - Ảnh: APACA

Phân tán lực lượng về châu Phi

Ngày 10-12-2017, ông Smail Chergui, cao ủy Liên minh châu Phi về hòa bình và an ninh, đã kêu gọi các nước châu Phi chuẩn bị đối phó với hiểm họa IS, đặc biệt là cần hợp tác trao đổi thông tin tình báo. Ông lo ngại các phần tử IS ở Trung Đông sẽ quay trở về châu Phi.

Các báo cáo cho thấy trong 30.000 tay súng nước ngoài tham gia hàng ngũ IS ở Trung Đông có khoảng 6.000 công dân châu Phi.

Tại châu Phi, Libya là nước duy nhất IS đã điều động cấp sĩ quan đến để xây dựng cơ sở. IS đã chiếm đóng thành phố Sirte từ đầu năm 2015, sau đó chúng chỉ chịu rút đi vào cuối năm 2016 sau hơn sáu tháng bị vây hãm. Hàng trăm tên còn sống sót đã rút vào hoạt động bí mật.

Tại Nigeria, Boko Haram đã tuyên thệ trung thành với IS nhưng dường như không có liên hệ trực tiếp với IS ở Trung Đông.

Tại Somalia, một toán ly khai khỏi nhóm khủng bố Al-Shabaab đã gia nhập IS. Đầu tháng 11-2017, Lầu Năm góc thông báo lần đầu tiên thực hiện hai phi vụ không kích tấn công IS ở Somalia.

Tại Algeria, nhóm Jund al-Khalifa (Các chiến binh nhà nước Hồi giáo) đã rời bỏ Al Qaeda để gia nhập IS. Còn trong khu vực Sahel, nhóm khủng bố mạnh nhất

Jama'a Nusrat ul-Islam wa al-Muslimin (Nhóm ủng hộ Hồi giáo và người Hồi giáo) cũng đã tuyên thệ trung thành với IS.

Cách đây một năm, IS đã trực tiếp lập chi nhánh mang tên "Đại Sahara" giữa ba nước Mali, Burkina Faso và Niger.

Đặc biệt trên bán đảo Sinai ở Ai Cập, nhóm khủng bố Tỉnh Sinai (đổi tên từ nhóm Ansar Bayt al-Maqdis) với từ 1.000-2.000 quân đã ly khai khỏi Al Qaeda và tuyên thệ trung thành với IS.

IS bị tình nghi là thủ phạm vụ tấn công đẫm máu nhất Ai Cập xảy ra vào thứ sáu ngày cầu kinh 24-11-2017. Khoảng 25-30 tên cầm cờ IS tấn công đền thờ ở Bir al-Abed làm 305 người chết, 128 người bị thương.

Từ nay đến nửa cuối tháng 2-2018, chúng ta sẽ chiến thắng IS ở Syria”

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron

Khủng bố IS năm 2018 chơi trò chém vè - Ảnh 6.

Một cứ điểm của IS tại Syria bị chiếm lại - Ảnh: REUTERS

Sau châu Phi là châu Á  

IS chính thức xác nhận đã bắt tay với các nhóm Hồi giáo cực đoan Philippines qua một đoạn băng video công bố hồi cuối năm 2016. Đến tháng 5-2017, nhóm khủng bố Maute được bọn Abu Sayyaf phối hợp đã đánh chiếm thành phố Marawi. Chúng cầm cự suốt năm tháng mới bị tiêu diệt nhờ IS chi viện (theo thông tin chưa được kiểm chứng) gần hai triệu USD.

Tại Đông Nam Á, IS chọn Philippines làm địa bàn hoạt động vì tại Philippines có đông đảo người theo đạo Hồi, có nhiều nhóm Hồi giáo bạo động và phi bạo động, các mạng lưới tài chính chính thức và phi chính thức hoạt động thoải mái và bộ máy chính quyền cơ sở yếu. 

Các nhà phân tích đánh giá sau thất bại ở Marawi, IS sẽ lại tiếp tục triển khai ở Philippines vì IS tích cực khai thác xung đột dai dẳng giữa tín đồ Hồi giáo ở miền nam với giáo dân Công giáo ở miền bắc.

Sau Philippines đến Indonesia. Giữa tháng 6-2017, tướng Gatot Nurmantyo tổng tư lệnh quân đội Indonesia thừa nhận các toán nằm vùng của IS đã ẩn náu ở hầu hết các tỉnh của Indonesia.  

Tại Bangladesh, tình hình hàng trăm ngàn người Hồi giáo Rohingya rời Myanmar di cư về Bangladesh có thể tạo cơ hội cho IS lợi dụng học thuyết "sự va chạm của các nền văn minh" nhằm kích động và tuyển mộ.

Tháng 9-2017, bộ trưởng Quốc phòng Malaysia từng tuyên bố: "Nếu chúng ta bỏ mặc người Rohingya rơi vào tuyệt vọng, các nước trong khu vực sẽ phải trả giá".  

Khủng bố IS năm 2018 chơi trò chém vè - Ảnh 7.

Ngày 17-10-2017, quân đội Philippines tiến vào TP Marawi hoang tàn sau năm tháng giao tranh - Ảnh: AFP

Nhà nghiên cứu Didier Chaudet ở Viện nghiên cứu Trung Á tại Pháp đánh giá IS cũng nhắm đến các địa bàn Nga, các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, Trung Quốc và Afghanistan.    

IS đã gọi Afghanistan là "tỉnh Khorasan" và lập cơ sở tại đây từ cuối năm 2014 với sự cạnh tranh khốc liệt của Taliban.

Tóm lại, sau khi bại trận tại Iraq và Syria, IS ở Trung Đông nhắm đến ba khu vực chủ yếu gồm Ai Cập (châu Phi), Philippines và Malaysia (Đông Nam Á) và Afghanistan. Phương thức hoạt động của chúng sẽ không còn "mặt đối mặt" như trước. Chúng sẽ sử dụng các tổ IS nằm vùng đánh du kích hoặc đánh bom liều chết.

Chuyên gia người Mỹ Marc Sageman nhận xét: "Chắc chắn sẽ không còn các vụ tấn công nghiêm trọng được IS chỉ đạo từ xa… Từ nay những kẻ tấn công sẽ tự mình hành động với đầu óc tưởng tượng mình là chiến binh bảo vệ hay báo thù cho cộng đồng Hồi giáo ảo tưởng nào đó".  

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp