Cảnh sát Pháp áp giải một phụ nữ nghi liên quan đến vụ tấn công khủng bố gần Lyon, Pháp - Ảnh: Reuters |
Theo AFP, vụ tấn công xảy ra tại nhà máy khí đốt do Hãng Air Products của Mỹ sở hữu ở thị trấn Saint-Quentin-Fallavier, cách thành phố Lyon khoảng 40km. Nguồn tin từ cảnh sát Pháp cho biết: “Theo điều tra ban đầu, một hoặc vài cá nhân đã lái xe đâm vào nhà máy. Một vụ nổ đã xảy ra”.
Các nguồn tin khác cho biết một nghi can xông vào bên trong nhà máy, kích hoạt một số thiết bị gây nổ.
Ít nhất hai người đã bị thương trong vụ tấn công. Ghê rợn hơn, cảnh sát đã tìm thấy một thi thể bị chặt đầu nằm gần nhà máy, thủ cấp bị cắm trên hàng rào thép gai của nhà máy, bên trên phủ một tấm vải có ghi các dòng chữ Ả Rập.
Chưa thể xác định nạn nhân bị giết tại hiện trường hay hung thủ đưa thi thể tới đây. Một lá cờ khác có in chữ Ả Rập cũng được tìm thấy tại nhà máy của Air Products.
Nghi can từng bị theo dõi
Theo Reuters, nghi can thực hiện vụ tấn công được xác định là Yassin Salhi, 35 tuổi, đã bị bắt giữ. Nhà chức trách tiết lộ tình báo Pháp không xa lạ gì với hắn. Kẻ này đã lái xe đi đi lại lại trước cửa nhà máy vào buổi sáng trước khi thực hiện vụ tấn công. Hắn không đem theo bất cứ giấy tờ tùy thân nào và cũng từ chối khai báo với cảnh sát chống khủng bố.
Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve cho biết nghi phạm không có tiền án, tiền sự nhưng cơ quan an ninh đã đưa hắn vào danh sách theo dõi năm 2006 vì “có khả năng cực đoan”. Vợ của Salhi cũng bị cảnh sát tạm giữ.
Salhi còn có dính líu đến phong trào Hồi giáo cực đoan Salafist. Dù vậy, chính quyền Pháp không cập nhật lại danh sách này vào năm 2008. Ngoài ra, một số nguồn tin cho biết có kẻ đồng lõa với nghi can cũng đã bị bắt giữ. Mới đây, Hãng Air Products tuyên bố nạn nhân bị bêu đầu trên hàng rào nhà máy không phải nhân viên của công ty.
“Ưu tiên của chúng tôi trong lúc này là chăm sóc các nhân viên. Họ đã được sơ tán khỏi hiện trường” - người phát ngôn Air Products cho biết. AFP dẫn nguồn thạo tin với cuộc điều tra nói nạn nhân này là một doanh nhân địa phương và là sếp của nghi can Salhi.
Bộ trưởng Nội vụ Cazeneuve cũng đã đến hiện trường ở thị trấn Saint-Quentin-Fallavier. Thủ tướng Pháp Manuel Valls ra lệnh thắt chặt an ninh tại các địa điểm nhạy cảm quanh thành phố Lyon để ngăn ngừa nguy cơ khủng bố tiếp tục tấn công.
Cơ quan công tố Pháp cho biết lực lượng cảnh sát chống khủng bố đã bắt tay điều tra vụ tấn công ở Saint-Quentin-Fallavier. “Khủng bố Hồi giáo lại tấn công nước Pháp” - Thủ tướng Valls than thở.
Tổng thống Pháp François Hollande cắt ngắn chuyến công du tại Hội nghị cấp cao Liên minh châu Âu (EU) ở Brussels (Bỉ) để về nước xử lý tình hình. Tại Brussels, ông Hollande cũng mô tả đây là một vụ tấn công khủng bố. “Không còn gì để nghi ngờ về điều đó” - ông Hollande nhấn mạnh và cho biết có thể nghi phạm vừa bị bắt có thêm một kẻ đồng lõa nữa.
Lực lượng cảnh sát và cứu hỏa tập trung tại hiện trường vụ khủng bố - Ảnh: AFP |
“Cần hành động”
Tổng thống Hollande cho rằng đã đến lúc nước Pháp phải hành động mạnh tay để chống khủng bố. “Chúng ta đều nhớ những gì đã xảy ra ở đất nước của chúng ta. Điều cần làm là hành động và ngăn chặn khủng bố” - ông Hollande khẳng định.
Có mặt tại Brussels, Thủ tướng Anh David Cameron chuyển lời chia buồn và cảm thông đến nước Pháp. Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy cũng lên án vụ tấn công man rợ.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Đức Frank Walter Steinmeier cam kết Đức sẽ đứng chung chiến tuyến với Pháp để chống lại “sự thù địch mù quáng của chủ nghĩa khủng bố”. “Đây là hành vi khủng bố và cực đoan mà chúng ta cần phải lên án với những ngôn từ mạnh mẽ nhất” - ông Steinmeier nói.
Vụ khủng bố hôm qua xảy ra gần sáu tháng sau cuộc thảm sát tại tòa soạn tạp chí biếm Charlie Hebdo ở thủ đô Paris và các vụ tấn công liên quan khiến 17 người thiệt mạng. Từ sau thời điểm đó, nước Pháp đã tăng cường tối đa an ninh tại các địa điểm nhạy cảm trên khắp cả nước.
Khoảng 4 triệu người dân Pháp đã đi diễu hành trên khắp cả nước cùng hàng chục nhà lãnh đạo quốc tế để thể hiện tinh thần bất khuất trong cuộc đối đầu với chủ nghĩa khủng bố.
Pháp là quốc gia có cộng đồng người Hồi giáo đông đảo. Trong thời gian qua, nhà chức trách đã nhiều lần báo động tình trạng hàng loạt công dân Pháp gốc Trung Đông đi sang Iraq và Syria để gia nhập tổ chức khủng bố IS. Chính quyền cũng thực hiện các biện pháp đề phòng nguy cơ những vụ khủng bố như cuộc thảm sát ở tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo lặp lại.
Luật theo dõi gây tranh cãi Hồi đầu tuần, Quốc hội Pháp thông qua một luật theo dõi gây tranh cãi với mục tiêu chống khủng bố. Theo đó, chính quyền được phép theo dõi thông tin liên lạc trên điện thoại và các thiết bị kỹ thuật số của những người bị nghi dính dáng đến khủng bố mà không cần trát của tòa án. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận