Dị vật đã được các bác sĩ Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM lấy ra vào sáng 13-6 - Ảnh: THÙY DƯƠNG
Sáng 13-6, sau hơn hai giờ đồng hồ, các bác sĩ ở Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM đã phẫu thuật nội soi lấy một đoạn đầu chiếc đũa dài 7cm từ hốc mắt phải của bệnh nhân L.T.L., ngụ ở Bình Thuận.
Ông L. kể lại, khoảng 4 năm trước, trong một cuộc nhậu với bạn, ông và bạn đã cãi vã, xô xát và ông thấy mình bị đâm lén vào hốc mắt nhưng không rõ bị vật gì đâm vào.
Sau đó, ông đến bệnh viện gần nhà sơ cứu và may vết thương, nhưng nhân viên y tế không phát hiện có dị vật.
Từ đó, mắt phải của ông bị áp xe nhiều lần. Ông L. đi khám tại bệnh viện địa phương và bệnh viện ở TP.HCM nhưng chỉ được chẩn đoán viêm túi lệ, cho thuốc uống và sau đó mắt ông vẫn tái phát, xì mủ.
Nửa chiếc đũa nằm trong hốc mắt bệnh nhân suốt 4 năm
Hai ngày trước khi được phẫu thuật tại Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM, mắt phải của ông lại bị sưng, chảy mủ nên ông đến Bệnh viện Mắt TP.HCM khám.
Kết quả khám cho thấy bệnh nhân bị áp xe túi lệ. Kết quả chẩn đoán hình ảnh cho thấy bệnh nhân có dị vật kéo dài từ xoang sàng tới mặt trước xoang bướm nên chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Tai mũi họng.
Kết quả mổ nội soi cấp cứu tại đây cho thấy bệnh nhân có dị vật đi từ khóe trong hốc mắt bên phải xuyên qua xoang sàng, dừng lại trước xoang bướm, bị chặn lại sát dây thần kinh thị, màng não...
Bệnh nhân sau khi được phẫu thuật - Ảnh: THÙY DƯƠNG
Theo BS CK.II Nguyễn Minh Hảo Hớn - trưởng Khoa mũi xoang Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM, bệnh nhân may mắn vì chiếc đũa đâm vào hốc mắt nhưng không gây tổn thương con ngươi, tổn thương thần kinh thị.
Nếu dị vật đi xa hơn có thể gây mù, gây tổn thương động mạch cảnh trong, chảy máu cấp, tổn thương sàn sọ, gây tử vong.
May mắn hơn nữa là bệnh nhân có cấu trúc giải phẫu đặc biệt, khi có tế bào ONODI - là tế bào sàn sau cùng nằm sát sàn sọ và đỉnh hốc mắt, giống như người "giữ chân" không cho dị vật đâm xuyên xa hơn vào sàn sọ.
PGS.TS Trần Phan Chung Thủy - giám đốc Bệnh viện Tai mũi họng - cho rằng khi khám lâm sàng các bác sĩ thấy mắt bên ngoài của bệnh nhân lành, có mủ thì dễ nghĩ bệnh nhân bị áp xe túi lệ. Nếu không để ý, không có kinh nghiệm, không chẩn đoán hình ảnh thì dễ bỏ quên dị vật, khi đó bệnh nhân sẽ bị tái phát, viêm nhiễm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận