Phóng to |
Một trong những tổ tiên trực hệ thuộc gia đình bố tôi là Chua Wu Neng, một nhà chiêm tinh của Hoàng đế Vạn Lịch triều Minh, đồng thời còn là triết gia và nhà thơ. Với những hiểu biết rộng rãi của mình, năm 1644 Wu Neng được Hoàng đế bổ làm trưởng ban tham mưu của quân đội, khi Trung Quốc đối mặt với sự xâm lược của quân Mãn châu. Vật gia bảo đáng giá nhất của gia đình tôi - và cũng là vật gia bảo duy nhất còn lại - chính là những ghi chép bằng tay của Wu Neng dày tới 2.000 trang về Kinh Dịch, một trong những văn tự cổ nhất của Trung Quốc. Giờ đây, một bản sao bọc da tác phẩm của ông cố Wu Neng với chữ “Chua” dập nổi ở bìa được đặt trang trọng trên bàn nước phòng khách nhà chúng tôi.
Tổ tiên của tôi đều sinh ra ở Phúc Kiến, nhưng vào những thời điểm khác nhau trong khoảng năm 1920 và 1930, họ vượt biển sang Philippines, nơi được đồn đại là dễ xoay xở hơn nhiều. Ông ngoại tôi là một nhà giáo nhân hậu và mô phạm, sau này đã trở thành một nhà buôn gạo để giúp đỡ gia đình. Ông không phải là người mộ đạo và giỏi giang đặc biệt trong việc kinh doanh. Còn bà ngoại tôi là người có nhan sắc và vô cùng mộ đạo. Bất chấp những lời răn dạy của Quan âm Bồ tát về việc coi vật chất là phù du, bà vẫn thường cầu khấn cho chồng mình làm ăn phát đạt.
Ông nội tôi, một nhà buôn cá đóng hộp đôn hậu, cũng chẳng hề mộ đạo và giỏi giang trong việc kinh doanh. Còn bà nội tôi, một phụ nữ nghiêm khắc, đã phát tài sau Thế chiến II bằng việc kinh doanh nhựa, sau đó đầu tư toàn bộ lờ lãi vào vàng thỏi và kim cương. Sau khi trở lên giàu có - đảm bảo một tài khoản để sản xuất các vỏ bình cho hãng Johnson & Johnson là chủ yếu - bà đã chuyển thành một xưởng máy lớn trong số những xưởng máy uy tín nhất ở vùng lân cận Manila. Bà và bác tôi bắt đầu mua thủy tinh Tiffany, Mary Cassats, Braques, và các căn hộ cao cấp ở Honolulu. Hai người cải sang đạo Tin lành, bắt đầu sử dụng nĩa và thìa thay vì dùng đũa, và dần trở nên có vẻ Mỹ hơn.
Sinh năm 1936 tại Trung Quốc, năm lên 2 tuổi, mẹ tôi chuyển đến Philippines cùng gia đình. Trong thời gian chiếm đóng của Nhật Bản ở Philippines, bà đã mất đi người em trai, và tôi không bao giờ quên những lời kể của bà về việc lính Nhật đã bắt cậu tôi phải há miệng và phun nước thẳng vào họng cậu, rồi phá lên cười khi cậu tôi nổ tung như một quả bóng đầy hơi. Khi tướng Douglas MacArthur giải phóng Philippines năm 1945, mẹ tôi nhớ là đã chạy theo những chiếc xe jeep của người Mỹ, cổ vũ nhiệt liệt, lính Mỹ đã ném cho họ vô số những hộp thịt.
Sau chiến tranh, mẹ tôi phục vụ ở một trường dòng, bà đã đổi sang đạo Thiên chúa tại đây. Sau này, mẹ tôi là người đầu tiên trong lớp tốt nghiệp đại học Santo Tomas, được trao bằng danh dự về chuyên ngành kỹ sư hóa học. Bố tôi là một trong những người thiết tha được nhập cư vào nước Mỹ. Giỏi toán, say mê thiên văn và triết học, bố tôi ghét thế giới nhọc nhằn và đầy bất trắc của gia đình với việc kinh doanh nhựa, và phản đối bất kỳ kế hoạch nào của gia đình dành cho ông. Mặc dù chỉ là một đứa trẻ, nhưng ông khao khát được tới nước Mỹ, và giấc mơ đã thành sự thật khi Viện Công nghệ Massachusetts chấp nhận đơn xin học của ông.
Bố tôi cầu hôn mẹ tôi năm 1960, và cũng trong năm đó bố mẹ tôi chuyển đến Boston mà chẳng quen biết bất kỳ ai ở thành phố này. Chỉ sinh sống bằng món tiền học bổng còm, họ không có đồ để sưởi ấm trong hai mùa đông đầu tiên, và phải quấn chăn quanh người cho đỡ lạnh. Chưa đầy hai năm bố tôi đã lấy được bằng Ph.D và làm trợ giảng tại đại học Purdue ở Tây Lafayette, Indiana.
Lớn lên ở vùng Trung Tây (Midwest), cùng với ba cô em gái, tôi luôn nhận thức được rằng chúng tôi khác biệt với bất kỳ ai. Thật là hổ thẹn, chúng tôi mang cặp lồng đồ ăn Trung Quốc tới trường; sao mà tôi ước mình có được một chiếc bánh sandwich kẹp xúc xích giống với bạn bè đến thế! Chúng tôi phải nói tiếng Trung ở nhà - và sẽ bị phạt một đòn đau điếng bằng roi khi chẳng may lỡ miệng nói ra bất cứ từ tiếng Anh nào.
Chúng tôi luyện toán và đàn mỗi chiều, và chẳng bao giờ được phép ngủ qua đêm ở nhà bè bạn. Mỗi tối khi bố tôi đi làm về, tôi phải cởi giày và tất cho ông, sau đó mang tới cho ông đôi dép lê. Bảng điểm của chúng tôi phải hoàn hảo; trong khi đám bạn bè được thưởng khi đạt điểm B thì chúng tôi không được phép có điểm A trừ. Năm lớp 8, tôi giành được vị trí thứ hai trong cuộc thi lịch sử và mang về nhà phần thưởng danh dự. Còn một bạn khác đã giành được giải thưởng Kiwanis cho sinh viên xuất sắc toàn diện.
Sau chuyện đó, bố bảo tôi: “Đừng bao giờ hạ nhục bố kiểu này lần nữa.” Khi bạn bè nghe được những chuyện đó, họ thường hình dung tôi có một “thời thơ ấu gian khổ”. Nhưng thực tế hoàn toàn không phải vậy; tôi có được sức mạnh và sự tự tin từ gia đình đặc biệt của mình. Chúng tôi khởi đầu như những kẻ ngoài rìa cùng nhau, và cùng nhau khám phá về nước Mỹ, dần trở thành những người Mỹ.
Tôi nhớ là bố tôi thường làm việc tới tận 3 giờ sáng, điều này khiến ông thậm chí còn chẳng nhận ra rằng chúng tôi đã vào trong phòng lúc nào. Nhưng tôi cũng nhớ ông đã hứng khởi thế nào khi giới thiệu cho chúng tôi món bánh thịt chiên giòn, sốt thịt băm Sloppy Joe, hay đồ ăn của Dairy Queen, và tất cả những gì ăn được, mà chẳng nhắc tới trượt băng, trượt tuyết, chơi trò crabbing hay cắm trại. Tôi nhớ một bạn trai ở trường tiểu học đã nhìn tôi bằng nửa con mắt, cười ngặt nghẽo khi nhại cách phát âm từ “restaurant” của tôi (tôi đọc là “rest-OW-rant”) - lúc đó tôi đã thề sẽ rũ bỏ hết chất Trung Quốc cố cữu trong mình. Nhưng tôi cũng nhớ việc tham gia vào đội cổ vũ và những chiếc vòng lắc eo; trượt pa-tanh và các thư viện công cộng; nhớ đến chiến thắng trong cuộc thi viết tiểu luận về Cách mạng Mỹ; và đến một ngày thật long trọng đầy tự hào, bố mẹ tôi được nhập tịch.
Năm 1971, bố tôi chấp nhận đề nghị từ trường đại học California ở Berkeley, và chúng tôi khăn gói di chuyển về miền Tây. Bố tôi nuôi tóc dài và mặc áo vét-tông với những tín hiệu hòa bình. Sau đó ông quan tâm đến việc sưu tập rượu và xây một hầm rượu tới hàng trăm chai. Khi ông trở nên nổi tiếng trên thế giới vì công trình lý thuyết hỗn độn, chúng tôi bắt đầu đi vòng quanh thế giới. Tôi đã trải qua những năm học phổ thông trung học ở London, Munich, và Lausaunne, và bố tôi đã dẫn chúng tôi đi khắp vòng Bắc Cực.
Nhưng, bố tôi là một người đàn ông Trung Quốc gia trưởng điển hình. Khi tôi chuẩn bị vào đại học, bố tuyên bố rằng tôi phải sống ở nhà và nộp đơn học ở Berkeley (nơi tôi chắc chắn sẽ được chấp nhận), và điều đó đồng nghĩa với việc sẽ không có cơ hội đến các khu nội trú, quả là lựa chọn đau khổ cho tôi. Không nghe lời bố, cũng giống như ông đã phản đối gia đình mình, tôi giả mạo chữ ký của bố và bí mật nộp đơn vào một trường đại học nổi tiếng ở phía Đông. Khi tôi nói với bố tôi việc mình làm - và rằng Harvard đã chấp nhận tôi - ông đã khiến tôi rất ngạc nhiên. Ông mau chóng chuyển từ trạng thái giận dữ sang tự hào thực sự. Ông cũng bộc lộ niềm tự hào không dấu giếm khi tôi tốt nghiệp đại học luật Harvard sau đó, cũng như khi Michelle, em gái tôi tốt nghiệp trường Yale và đại học Luật Yale. Ông đã tự hào nhất (có lẽ pha chút buồn đau) khi Katrin, cô em thứ ba rời nhà tới Harvard, và cuối cùng đã lấy được bằng M.D/Ph.D ở đó.
Nước Mỹ làm con người ta thay đổi. Khi tôi mới lên bốn, bố đã từng nói với tôi rằng, “Nếu muốn lấy chồng không phải người Trung Quốc, con phải bước qua xác bố”. Nhưng cuối cùng tôi đã lấy Jed, và giờ thì chồng tôi và bố trở thành những người bạn tốt nhất của nhau.
Khi tôi còn nhỏ, bố mẹ tôi không mấy đồng cảm với những người tàn tật. Ở nhiều nước châu Á, những người tàn tật bị coi là điều đáng hổ thẹn, vì vậy khi em út Cynthia của tôi ra đời bị mắc chứng Down, ban đầu mẹ tôi đã khóc suốt. Nhiều họ hàng tỏ ra thông cảm đã động viên chúng tôi gửi Cindy tới trại trẻ từ thiện ở Philippines. Nhưng mẹ tôi đã gặp gỡ những giáo viên dạy trẻ khuyết tật và tiếp xúc với những gia đình có con cái bị tàn tật khác. Và rồi, rất nhanh chóng bà đã kiên nhẫn bỏ ra hàng giờ cùng chơi với Cindy hay dạy nó vẽ. Khi Cindy chuẩn bị vào tiểu học, mẹ dạy em tập đọc và cùng luyện bảng cửu chương. Giờ thì Cindy đã sở hữu hai huy chương vàng quốc tế về bơi lội tại Thế vận hội dành cho người khuyết tật.
Tôi có chút hối tiếc là mình đã không lập gia đình với một người Trung Quốc và lo lắng về việc dường như mình đang bỏ phí mất bốn nghìn năm văn hóa. Nhưng về cơ bản tôi thấy hàm ơn sâu sắc với sự tự do và cơ hội sáng tạo mà nước Mỹ đã dành cho tôi. Các con gái của tôi không có xúc cảm giống những người ngoài nước Mỹ như vậy. Còn tôi thì thi thoảng vẫn thấy thế. Nhưng đối với tôi, điều đó giống một trách nhiệm hơn là một quyền lợi.
*****************************************
Mời bạn theo dõi kỳ tới:Gia tộc suy vong. Trong văn hóa Trung Quốc, không có chuyện trẻ con đòi hỏi, không vâng lời hay cãi lại bố mẹ. Còn trong văn hóa Mỹ, trẻ con trong truyện, trên các chương trình truyền hình, và phim ảnh thường xuyên ghi điểm bằng việc đối đáp chan chát cùng với tính cách độc lập của mình...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận