20/01/2014 04:50 GMT+7

Khu vườn ươm của sinh viên nông nghiệp

HÀ TRANG - QUANG PHAN
HÀ TRANG - QUANG PHAN

TT - Khu kinh doanh hoa, cây cảnh của một nhóm sinh viên Trường đại học Nông nghiệp Hà Nội không chỉ đem lại lợi nhuận mà còn là nơi để các sinh viên thực hành nghề cho tương lai.

gECeSVfk.jpgPhóng to
Những ngày này, mỗi ngày vườn ươm tiếp hàng trăm lượt khách ghé thăm - Ảnh: Hà Trang

Từ một nhóm sinh viên mượn đất của nhà trường để nghiên cứu, nhân giống, tự sản xuất, rồi từ một vài loại hoa nhỏ lẻ, dễ trồng trên mảnh đất nhỏ “đi mượn” ấy, đến nay đã mở rộng diện tích lên đến 300m2 với sự góp mặt của trên 50 loài và hàng trăm chậu hoa, cây cảnh các loại. Sản xuất được mở rộng cũng đi kèm phát triển kinh doanh, buôn bán. Chàng cựu sinh viên Trương Văn Trường là một trong số năm sinh viên nảy ra ý tưởng lập khu vườn ươm này và được nhà trường ủng hộ.

Vạn sự khởi đầu nan. Những ngày đầu, khi trong tay chỉ có số vốn ít ỏi, kinh nghiệm không nhiều, cộng thêm chưa hiểu biết rõ về thị trường kinh doanh nên Trường cùng nhóm bạn gặp rất nhiều khó khăn. Hồi đầu, chỉ ươm trồng các loại cây hoa đơn giản như mào gà, xương rồng, thược dược... Dần dà nghề dạy nghề, làm được nhiều giống hơn, hiệu quả cao hơn. Đến các giống cây khó trồng ở khí hậu miền Bắc như dâu tây, bắp cải cảnh, đồng tiền lùn... nhóm cũng trồng được tuốt. Hay như đối với hoa lan, đầu tiên nuôi cây con ở Hà Nội, đến vài tháng trước tết phải chuyển lên Mộc Châu để xử lý ra hoa rồi mới chuyển trở lại chăm sóc và bày bán. Kỳ công!

Gian nan là vậy nhưng Trường nói: “Vất vả là đặc thù của nông nghiệp mà, nhưng mê là làm được. Thành quả thu được không chỉ lợi nhuận mà còn là những bước tiến trong lĩnh vực ươm giống, thử nghiệm sản xuất được giống mới. Đây chính là động lực để mọi người càng phấn đấu nhiều hơn”.

Trong vườn rất phong phú các loại cây hoa. Các dòng cây, hoa cảnh có đầy đủ với nhiều mức giá khác nhau, từ vài nghìn đến vài trăm nghìn đồng. Thời điểm cận tết này, trung bình mỗi ngày có vài trăm lượt khách đến xem và mua.

Trường chia sẻ: “Mô hình vườn ươm so với một năm về trước đã có những bước tiến đáng kể. Thế nhưng, để phát triển hơn nữa thì không chỉ dừng lại ở thị trường các tỉnh phía Bắc. Mình và các bạn trong nhóm còn muốn vườn ươm có thể vươn xa ra khắp cả nước, hơn thế nữa còn thâm nhập được thị trường Đông Nam Á như vườn hoa Đà Lạt Hasfarm đã làm được”.

Tuy nhiên, Trường cũng cho biết dù có phát triển đến đâu chăng nữa, vườn ươm vẫn sẽ luôn gắn liền và mang đặc thù của trường nông nghiệp. Bởi phần lớn sinh viên nông nghiệp ra trường phải mất 1-2 năm làm việc hay thậm chí hơn nữa mới thuần thục các kỹ năng. Vì vậy, từ vườn ươm này các sinh viên có thể làm quen với thực tiễn ngay trên giảng đường để rút được những kinh nghiệm thiết thực, bổ ích nhất.

Mỗi đề tài “Vườn ươm 2014” được hỗ trợ 95 triệu đồng

39/186 đề tài, công trình nghiên cứu khoa học xuất sắc nhất của giảng viên, nghiên cứu sinh cùng sinh viên các trường CĐ-ĐH tại TP.HCM vừa được hội đồng khoa học chương trình “Vườn ươm sáng tạo khoa học và công nghệ trẻ” lần 18-2014 xét chọn. Theo đó, mỗi đề tài được duyệt kinh phí 95 triệu đồng/lĩnh vực - hỗ trợ bạn trẻ thực hiện chuyển giao đề tài và ứng dụng cuộc sống. Trong đó, nhóm lĩnh vực công nghệ sinh học và khoa học xã hội - nhân văn có lượt đề tài được chọn nhiều nhất (chín đề tài/lĩnh vực).

Chương trình do Sở Khoa học - công nghệ TP.HCM, Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ - Thành đoàn TP.HCM phát động (từ tháng 2-2013). Theo thống kê từ ban tổ chức, “Vườn ươm 2014” đạt gần 80% lượt đề tài nghiên cứu khai thác trên các lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, tự động hóa, vật liệu mới, bảo vệ tài nguyên - môi trường, biến đổi khí hậu, công nghệ dược và xã hội nhân văn.

T.NGỌC

HÀ TRANG - QUANG PHAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp