TS Ngô Hà Quang Thịnh trình bày nghiên cứu của mình trong vòng 15 phút tại buổi hội thảo - Ảnh: TRỌNG NHÂN
TS Ngô Hà Quang Thịnh (ĐH Bách Khoa TP.HCM), trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết trước đây người nông dân chủ yếu dựa vào kinh nghiệm để canh tác nông nghiệp nên thường tốn nhiều công sức nhưng vẫn chịu lượng thất thoát không nhỏ.
Khi áp dụng công nghệ vạn vật kết nối (IOT), kho dữ liệu thông tin về tình trạng cây trồng, vật nuôi sẽ được camera và cảm biến trên cánh đồng ghi lại, lưu vào máy chủ sau đó được các chuyên gia phân tích cụ thể cho từng trường hợp.
Khi nền tảng dữ liệu đủ lớn, hệ thống IOT sẽ tự động theo dõi và phân tích cánh đồng của người nông dân từ đó đưa ra ngay giải pháp tốt nhất.
"Chẳng hạn hệ thống có thể tính toán xác định chính xác lượng nước cây trồng cần là bao nhiêu và chuyển tín hiệu đến hệ thống tưới tiêu tưới đúng lượng nước đó" - TS Thịnh nói - "Nghiên cứu kéo dài 3 năm đã đi được nửa chặng đường và dự kiến sẽ giúp ích rất nhiều cho nông dân trong tương lai".
Một nội dung trong phần trình bày ứng dụng IOT trong canh tác nông nghiệp - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Trong chương trình hội thảo, các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực công nghệ còn thảo luận nhiều dự án có tính ứng dụng cao khác như định vị xe tự lái bằng cách sử dụng mạng neuron nhân tạo, ứng dụng robot trong các biện pháp trị liệu…
Hội thảo năm nay do Sở khoa học công nghệ TP.HCM, Viện năng lượng Mặt trời Ấn Độ, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, và Trường ĐH Kun Shan Đài Loan đồng tổ chức.
Các nhà khoa học từ Đài Loan, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Bangladesh, Kazahkstan, Nga và Việt Nam sẽ cùng nhau trao đổi các vấn đề xoay quanh năng lượng tái tạo, kỹ thuật điện-điện tử, công nghệ hóa và môi trường, công nghệ kĩ thuật cơ khí…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận