Dãy kiôt, cửa hàng trên đất cho thuê của Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình - Ảnh: NAM KHÁNH
Theo thông báo của Khu liên hợp TTQG Mỹ Đình (Khu liên hợp) với các doanh nghiệp (DN) đang thuê đất trên địa bàn, ngày 30-9 là thời hạn các DN sẽ phải dời đi. Nếu DN chưa đi, Khu liên hợp sẽ cắt điện, nước và phối hợp với chính quyền địa phương cưỡng chế để thu hồi mặt bằng.
Đối thoại để mở "nút thắt"
Sáng 27-9, Khu liên hợp đã tổ chức cuộc đối thoại với 19 DN đại diện cho khoảng 100 đơn vị đang thuê đất, đang hoạt động trên địa bàn Khu liên hợp để tháo gỡ vấn đề. Dự đối thoại còn có ông Vương Bích Thắng - tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, đại diện Bộ Tài chính...
Tại cuộc đối thoại, các DN mong muốn Khu liên hợp, Bộ VH-TT&DL kéo dài thời gian cho thuê đất tại đây. Khu liên hợp có thể công khai khu vực đất sẽ triển khai các dự án xây dựng công trình thể thao thời gian tới để phục vụ SEA Games 2021.
Nếu đơn vị nào đang thuê đất ở khu dự án triển khai thì sẽ nhanh chóng di dời, trả lại mặt bằng cho Khu liên hợp. Các DN đang thuê đất ở những diện tích đất chưa có dự án triển khai đề nghị Khu liên hợp, Bộ VH-TT&DL tiếp tục cho thuê đất, tạo điều kiện cho DN làm ăn.
Trước đó, ngày 29-3-2018, ông Lê Khánh Hải, thứ trưởng Bộ VH-TT&DL, đã ký văn bản yêu cầu Khu liên hợp dừng khai thác, cho thuê toàn bộ diện tích đất đã đền bù giải phóng mặt bằng nhưng chưa triển khai dự án tại đây.
Ngoài ra, các cơ quan của UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu Khu liên hợp phải dừng các hợp đồng cho thuê đất tại khu vực này, bởi việc cho thuê đất ở đây suốt 5 năm qua tại các dự án ngắn hạn dưới 1 năm là chưa được sự cho phép của các cơ quan quản lý nhà nước.
Do đó, trách nhiệm trong việc cho thuê đất ngắn hạn chưa đủ điều kiện thuộc về Khu liên hợp và Bộ VH-TT&DL, chứ không phải các DN.
Đầu tư 10 tỉ đồng, thu về chưa được 5 tỉ đồng
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Ngọc Kiên, phó giám đốc Công ty TNHH Mỹ Đình Hà Nội, cho biết thuê đất của Khu liên hợp từ năm 2013.
Thời điểm đó, DN đã đầu tư 10 tỉ đồng xây dựng nhà xưởng. Đến nay, sau 5 năm đầu tư và đi vào hoạt động, DN mới thu chưa được 5 tỉ đồng thì bị yêu cầu di dời, gây thiệt hại rất lớn cho DN.
Bà Nguyễn Thị Kiều Hương, giám đốc điều hành Công ty cổ phần Hanel Mirolin, cho biết DN đang mất ăn mất ngủ vì lo không có chỗ hoạt động.
Bà Hương chia sẻ: "Công ty chúng tôi thuê đất tại Khu liên hợp từ cuối năm 2010, lúc đó ở đây đều là đất ruộng. Để có được nhà xưởng, chúng tôi đã phải san đất, lấp nền, kéo điện nước, làm đường sá vô cùng tốn kém.
DN của tôi thuê 27.000m2 với đơn giá 18.000 đồng/m2, nhưng sau đó chỉ sử dụng hết 5.000m2 và cho bên thứ ba thuê diện tích còn lại.
Giờ Khu liên hợp đòi bàn giao mặt bằng, theo quy định, chúng tôi phải bàn giao bởi hợp đồng Khu liên hợp ký với DN chỉ có thời hạn tối đa 1 năm.
Nhưng nếu địa điểm chúng tôi thuê không thuộc dự án sắp khởi công thì Khu liên hợp nên tạo điều kiện để chúng tôi ở lại và tiếp tục thuê đất. Làm vậy Nhà nước thu được tiền, đất không bị hoang hóa, mà DN không bị thiệt hại".
Theo báo cáo của Khu liên hợp, đơn vị này đang cho 19 DN thuê đất với hợp đồng dưới 1 năm. Các DN này sau đó không dùng hết, cho bên thứ ba thuê lại. Hiện ở Khu liên hợp có khoảng 100 DN với khoảng 2.000 người lao động đang làm việc.
Chờ Bộ VH-TT&DL quyết định
Tại cuộc đối thoại, lãnh đạo Khu liên hợp chưa thể công khai với các doanh nghiệp khu vực nào sẽ được triển khai dự án phục vụ SEA Games 2021.
Sau khi bộ chỉ đạo, Khu liên hợp chỉ biết kiên quyết thực hiện thu hồi đất do sai phạm của mình và Bộ VH-TT&DL gây ra.
Ông Vương Bích Thắng cho biết đã lắng nghe và tiếp thu ý kiến của doanh nghiệp.
Trên cơ sở đó, Tổng cục TDTT sẽ kiến nghị Bộ VH-TT&DL quyết định cách xử lý. Tinh thần là phải đúng luật, không gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận