Ngày 31-5, TAND TP Hà Nội mở phiên phúc thẩm xét đơn kháng cáo của Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình trong vụ án tranh chấp hợp đồng kinh tế về yêu cầu bồi thường thiệt hại trong hợp đồng.
Trong vụ việc này, nguyên đơn là Công ty TNHH MTV vườn ăn Hải Yến (Công ty Hải Yến), bị đơn là Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình.
Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình bị buộc bồi thường gần 12 tỉ đồng
Phiên tòa sơ thẩm diễn ra hồi tháng 9-2023, tại Tòa án nhân dân quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) thể hiện Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình và Công ty Hải Yến ký hợp đồng hợp tác kinh doanh vào tháng 11-2011 để đầu tư, xây dựng Trung tâm dịch vụ thương mại Mỹ Đình. Hợp đồng thời hạn 10 năm.
Theo thỏa thuận, khu liên hợp đảm bảo cung cấp điện nước và có trách nhiệm quản lý, vận hành, Công ty Hải Yến đã thanh toán tiền điện theo đúng thỏa thuận.
Từ ngày 25-10-2017 đến 15-1-2018, khu liên hợp cắt điện một phần trong dự án của công ty nhưng không báo trước, không nêu lý do. Phần dự án này do đó phải dừng hoạt động.
Công ty Hải Yến cho rằng năm 2019, khu liên hợp đơn phương tiếp tục chấm dứt hợp đồng lấy lại mặt bằng để phục vụ xây dựng đường đua xe Công thức 1.
Trong đơn kiện, Công ty Hải Yến nêu khu liên hợp đã không đàm phán, không trao đổi trực tiếp nên việc cắt điện nước đã gây thiệt hại tài chính nghiêm trọng.
Sau khi xem xét, tòa sơ thẩm tuyên Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình phải bồi thường thiệt hại 11,9 tỉ đồng cho Công ty Hải Yến.
Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình phản đối việc bồi thường
Tại phiên phúc thẩm hôm nay, đại diện Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình kháng cáo, trình bày ba nội dung phản tố Công ty Hải Yến gồm nợ thuế đất, tự ý cho bên thứ ba thuê lại mặt bằng là vi phạm hợp đồng, liên tục nợ tiền điện nước dù được nhắc nhiều lần.
Bị đơn cho rằng đối với việc nợ tiền thuê đất, các đơn vị khác cơ bản thực hiện đầy đủ, riêng Hải Yến chưa nộp. Vì không có tiền nộp thay, chính khu liên hợp cũng chưa thể chấp hành nghĩa vụ thuế với Nhà nước.
Về việc cắt điện, đại diện Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình khẳng định trước thời điểm cắt lần đầu vào năm 2017, khu có năm thông báo và giao theo hai hình thức chuyển phát nhanh hoặc gửi trực tiếp tới công ty, có chữ ký xác nhận đã nhận thông báo.
Ngày 3-10-2017, biên bản cuộc họp trước khi cắt điện, đại diện Hải Yến còn ký và ghi rõ "Công ty cam kết nộp tiền phân chia lợi nhuận và tiền điện nước trước 10-10-2017". Vì vậy, bị đơn phản đối cáo buộc của nguyên đơn rằng cắt điện không báo trước.
Bị đơn cũng nói việc Hải Yến tự ý cho các đơn vị khác thuê lại mặt bằng là vi phạm một số điều của hợp đồng.
Trong khi đó, đại diện Công ty Hải Yến cho rằng về pháp lý doanh nghiệp không có nghĩa vụ phải thông báo cho khu liên hợp về việc cho bên thứ ba thuê lại, vì trong hợp đồng không có điều khoản nào cấm.
Đại diện nguyên đơn cũng khẳng định công ty chưa bao giờ được khu liên hợp thông báo trước về cắt điện.
Ngoài nợ tiền điện nước, Công ty Hải Yến cũng bị Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình phản tố cho rằng còn nợ 10 triệu đồng đặt cọc từ khi ký hợp đồng.
Tuy nhiên, đại diện Công ty Hải Yến cho biết đã nộp số tiền trên nhưng do năm 2019 bị cắt điện hoàn toàn, giấy tờ thất lạc nhiều.
"Nếu khu liên hợp cho rằng chúng tôi chưa thanh toán đặt cọc 10 triệu đồng từ năm 2011 mà tận 2017, 2019 mới tố chưa nộp thì không hợp lý, vì đó là khoản đặt cọc bắt buộc nộp từ đầu", đại diện phía Hải Yến nói.
Hoãn tòa để các bên nộp thêm tài liệu chứng minh
Viện kiểm sát liền hỏi: "Cắt điện thì liên quan gì thất lạc giấy tờ?" và cho rằng suy luận logic chỉ là một phần, công ty nói nộp rồi thì phải chứng minh bằng tài liệu.
Kiểm sát viên sau đó yêu cầu nguyên đơn nộp các tài liệu chứng minh thiệt hại do bị cắt điện, Công ty Hải Yến cho hay: "Do đặc thù ngành kinh doanh, các cái liên quan thực phẩm chúng tôi không kiểm soát kỹ hóa đơn nhập ra nhập vào".
Trước lời khai này, đại diện viện kiểm sát cho rằng kinh doanh nhà hàng, mua thực phẩm có nguồn gốc, buộc phải có hóa đơn giấy tờ, nếu không hóa đơn đỏ cũng phải có giấy tờ viết tay. Các chi phí thuê máy phát điện, điều hòa cháy, nếu có xác định thiệt hại phải lập biên bản mới có chứng cứ đòi bồi thường.
Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm đánh giá, tại tòa các đương sự trình bày nhiều tình tiết song chưa giao nộp được các tài liệu chứng minh nội dung này.
Do đó, tòa hoãn phân xử, yêu cầu các bên thu thập đầy đủ trong phiên tới, chưa được ấn định ngày.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận