05/07/2024 16:52 GMT+7

Khu du lịch ở Đà Lạt xây sai hàng loạt công trình rồi xin hợp thức hóa sai phạm

UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết đã tiếp nhận kiến nghị của chủ đầu tư khu du lịch Nam Hồ (Đà Lạt) về sai phạm tại dự án và yêu cầu cơ quan chức năng nghiên cứu.

Khu du lịch Nam Hồ (TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) có nhiều sai phạm, đang trong quá trình xử lý - Ảnh: M.V

Khu du lịch Nam Hồ (TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) có nhiều sai phạm, đang trong quá trình xử lý - Ảnh: M.V

Ngày 5-7, UBND tỉnh Lâm Đồng xác nhận Công ty cổ phần xây dựng - du lịch Nam Hồ (Công ty Nam Hồ) có văn bản gửi đến các cơ quan chức năng trình bày hướng giải quyết về vi phạm tại dự án khu du lịch Nam Hồ (đường Hùng Vương, phường 11, Đà Lạt).

Sai phạm nhưng không tác động đến kiến trúc chung?

Nhiều công trình bên trong khu du lịch Nam Hồ xây vượt tầng, bị yêu cầu tháo dỡ - Ảnh: M.V

Nhiều công trình bên trong khu du lịch Nam Hồ xây vượt tầng, bị yêu cầu tháo dỡ - Ảnh: M.V

Đại diện chủ đầu tư dự án nhận trách nhiệm trong quá trình triển khai dự án để xảy ra các sai phạm. Nguyên nhân chủ đầu tư đưa ra là do thiếu hiểu biết luật pháp về đầu tư, xây dựng và nể nang các thành viên góp vốn.

Doanh nghiệp cho rằng vi phạm không làm ảnh hưởng đến quy hoạch kiến trúc cảnh quan dự án, nên xin nộp số tiền đã thu lợi bất hợp pháp từ phần diện tích vi phạm (tăng thêm) và đề nghị được tiếp tục sử dụng cũng như điều chỉnh các thủ tục liên quan.

Đối với những công trình vượt tầng cao quy hoạch kiến trúc thì chủ đầu tư tự nguyện tháo dỡ để đảm bảo đúng quy định.

Công ty Nam Hồ trình bày từ khi bị cơ quan chức năng lập biên bản xử phạt, công ty đã tháo dỡ 48 công trình phụ, đóng tiền phạt vi phạm hành chính.

Đối với 47 công trình vi phạm xây dựng tầng bán hầm, Công ty Nam Hồ nêu vị trí dự án có địa hình đồi dốc, nên quá trình thực hiện công trình đã phát sinh tầng bán hầm. 

Trong khi công trình chỉ được cấp phép xây một phần tầng hầm phía đất thấp, diện tích chỉ bằng 40 - 60% so với tầng trên.

Còn 16 công trình xây dựng sai vị trí quy hoạch, phải tháo dỡ, chủ đầu tư dự án đưa ra lý do vi phạm là vì địa hình đồi dốc. 

Vị trí xây dựng các công trình nằm gần, hoặc tiếp cận vị trí quy hoạch và ở trong cùng một khu vực theo quy hoạch chung là đầu tư du lịch nghỉ dưỡng.

Chính quyền Đà Lạt nói gì?

Theo trình bày của chủ đầu tư, nếu không được điều chỉnh dự án thì phải tháo dỡ toàn bộ phần vi phạm khoảng 4.000m2 sàn xây dựng, ước tính chi phí khoảng 40 tỉ đồng. Điều này sẽ gây bức xúc cho các thành viên đầu tư dự án. Vì thế, doanh nghiệp mong được cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng xem xét, tạo điều kiện chấp thuận đề nghị của họ.

Về kiến nghị của Công ty Nam Hồ liên quan đến dự án, đại diện UBND TP Đà Lạt cho biết sẽ xem xét trên cơ sở Luật Xây dựng và tình hình thực tế của dự án.

Trước đó (tháng 10-2023), UBND TP Đà Lạt cho công ty thời hạn 90 ngày để điều chỉnh dự án, đồng thời UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu công ty phải khắc phục các sai phạm trong vòng 12 tháng (đến tháng 10-2024).

Dự án đã nhận số tiền góp vốn gấp đôi tổng mức đầu tư - Ảnh: M.V

Dự án đã nhận số tiền góp vốn gấp đôi tổng mức đầu tư - Ảnh: M.V

Liên quan đến sai phạm tại dự án khu du lịch Nam Hồ, Thanh tra tỉnh Lâm Đồng cho biết Công ty Nam Hồ xây dựng 93 công trình có mái che với tổng diện tích 12.822,52m2

Trong đó, có 55 công trình xây dựng lệch vị trí một phần; 38 công trình xây dựng ngoài vị trí so với vị trí UBND tỉnh cho chuyển mục đích sử dụng đất qua nhiều năm.

Đối với các công trình phụ, chủ đầu tư đã cho xây dựng vượt diện tích cho phép gần 4.000m2. So với thời điểm nhận bàn giao đất (2006), Công ty Nam Hồ đã để mất 804 cây thông. Ngoài ra, chủ đầu tư cũng chưa xây dựng phương án quản lý rừng bền vững theo chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng.

UBND TP Đà Lạt ban hành 8 quyết định xử lý hành chính trong hoạt động xây dựng đối với Công ty Nam Hồ. Trong đó có 3 quyết định xử phạt với tổng số tiền 330 triệu đồng cùng về hành vi xây dựng sai giấy phép và bản vẽ thiết kế của cơ quan chức năng. 

Còn 5 quyết định buộc khắc phục hậu quả, tháo dỡ toàn bộ công trình vi phạm trật tự xây dựng.

Dự án nhận góp vốn của 92 cá nhân

Theo các tài liệu Thanh tra tỉnh Lâm Đồng ghi nhận, dự án có tổng mức đầu tư 110 tỉ đồng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện dự án từ năm 2006 đến năm 2022, công ty có nhận tiền vốn góp của 92 cá nhân với tổng giá trị góp vốn gần 200 tỉ đồng (gấp gần 2 lần tổng mức đầu tư).

Quy hoạch khoáng sản ảnh hưởng đến sự phát triển Tây Nguyên?Quy hoạch khoáng sản ảnh hưởng đến sự phát triển Tây Nguyên?

Các tỉnh Tây Nguyên kiến nghị nhiều nội dung liên quan đến Quy hoạch khoáng sản (Quyết định 866) làm đình trệ nhiều hoạt động kinh tế ở khu vực này.

M.V
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp