15/09/2020 11:35 GMT+7

Khu công nghiệp lớn nhất Sóc Trăng gây ô nhiễm môi trường

KHẮC TÂM
KHẮC TÂM

TTO - Những ngày qua, người dân sống quanh Khu công nghiệp An Nghiệp (xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng) bức xúc vì nước thải từ khu công nghiệp này gây ô nhiễm môi trường, bốc mùi hôi thúi, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất.

Khu công nghiệp lớn nhất Sóc Trăng gây ô nhiễm môi trường - Ảnh 1.

Kinh 30-4, đoạn gần KCN An Nghiệp sáng 15-9 nước vẫn còn đen ngòm - Ảnh: KHẮC TÂM

Tính đến thời điểm này, Khu công nghiệp (KCN) An Nghiệp là KCN đầu tiên và lớn nhất tỉnh Sóc Trăng, diện tích trên 250ha. Hiện trong KCN này có 6 nhà máy chế biến thủy sản.

Người dân khổ sở

Theo ông Danh Dân (ngụ ấp Phụng Hiệp, xã An Hiệp, huyện Châu Thành) gần một tháng nay, ông và nhiều người dân sống dọc kinh 30-4 rất khổ sở, luôn bị mùi hôi khủng bố. "Ban đêm mùi hôi từ kinh bốc lên không sao ngủ được. Tôi và các con phải lấy mền trùm kín đầu mới ngủ được" - ông Dân bức xúc.

Ông Dân cho biết nhà không có đất trồng lúa, nên anh mướn 2 công đất gần nhà để làm rẫy. Tuy nhiên do nguồn nước kinh bị ô nhiễm, không thể tưới rau màu nên ông đã trả lại đất. "Không cây gì sống nổi với nguồn nước kinh đen ngòm, nặng mùi. Do vậy tôi đành bỏ nghề làm rẫy, đi làm mướn sống qua ngày" - ông Dân nói.

Cùng cảnh ngộ, chị Thạch Thị Sô Phi cho biết thêm trước đây họ cũng thải ra kinh 30-4, nhưng không hôi như hiện nay. "Gần đây thì kinh khủng. Những lúc nước ròng, mùi hôi nồng nặc từ kinh bốc lên không sao chịu được. Tội cho hai đứa cháu ngoại của tôi, học về phải ở suốt trong phòng không dám ra ngoài. Ở nông thôn mà còn tù túng, khó chịu hơn ở thành thị, thiệt là khổ" - chị Sô Phi thở dài.

Yêu cầu doanh nghiệp giảm sản xuất?

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 15-9, ông Nguyễn Thanh Trong - trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh Sóc Trăng thừa nhận hệ thống xử lý nước thải tập trung KCN An Nghiệp bị quá tải, dẫn đến làm ô nhiễm nguồn nước khu vực lân cận.

"Chúng tôi đã cơ bản xử lý xong bằng việc đào thêm ao chứa, đắp đập không cho nước thải ra ngoài. Sở dĩ nước các con kinh bên ngoài còn mùi, màu đen là do những ngày trước đọng lại. Khoảng 10 ngày nữa môi trường sẽ ổn" - ông Trong giải thích.

Ông Trong cho biết theo thiết kế Nhà máy xử lý nước thải tập trung của KCN là 10.000m³/ngày, tuy nhiên từ tháng 7-2020 đến nay lưu lượng xả thải của các doanh nghiệp chế biến thủy sản tăng liên tục.

"Có ngày lưu lượng xả thải của các doanh nghiệp này thu gom về nhà máy xử lý nước thải tập trung lên đến 11.800m³/ngày, đã ảnh hưởng đến hệ thống xử lý nước thải và chất lượng sau xử lý thải ra môi trường" - ông Trong cho biết.

Trước tình hình này, Ban quản lý các KCN tỉnh Sóc Trăng đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp chế biến thủy sản ký kết cụ thể, điều tiết hoạt động sản xuất, giảm lưu lượng xả thải vào hệ thống xử lý tập trung.

Tổng giám đốc một công ty chế biến thủy sản (đề nghị không nêu tên) cho biết yêu cầu giảm lưu lượng xả thải cũng đồng nghĩa "ép" doanh nghiệp cắt giảm sản xuất.

"Trong tình hình dịch bệnh khó khăn, tìm được đơn hàng xuất khẩu đã mừng. Còn nếu không chấp hành, sẽ bị phạt nên chúng tôi rất lo. Đề nghị lãnh đạo Ban quản lý KCN yêu cầu nhà máy xử lý nước thải tập trung khẩn trương đầu tư tăng công suất xử lý nước thải" - vị này kiến nghị.

Ông Trần Văn Chuyện - chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng - đã chỉ đạo các đơn vị chức năng khẩn trương kiểm tra, khắc phục ảnh hưởng đến môi trường.

"Tôi sẽ làm việc với Ban quản lý các KCN và các ngành chức năng bàn giải pháp nâng công suất xử lý nước thải của nhà máy trong thời gian sớm nhất. Không vì chuyện quá tải xử lý mà ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp và đời sống của người dân" - ông Chuyện nhấn mạnh.

KHẮC TÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Sóc Trăng
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp