TP.HCM phối hợp đưa người dân miền Tây về quê - Ảnh: ĐAN THUẦN
Người về quê sẽ nhận được tin nhắn mời trở lại TP làm việc
Ông Nguyễn Quang Lâm, phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội TP.HCM (Sở LĐ-TB&XH), cho biết xung quanh gói hỗ trợ đợt 3, ngoài nghị quyết 97 của Hội đồng nhân dân TP thì UBND TP có công văn 3181 và Sở LĐ-TB&XH có công văn 31453 để triển khai chi tiết.
Theo đó, ở khu phố, tổ dân phố, ấp sẽ thành lập hội đồng để xét các trường hợp khó khăn. Thành phần tham gia có MTTQ, hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, hội cựu chiến binh… Sau đó sẽ đề nghị lên UBND phường, xã, thị trấn để họp xét, UBND quận huyện phê duyệt, chi trả.
Đến nay TP có 312 phường xã đã chi hỗ trợ cho 1,1 triệu người. Việc chi trả này sẽ tiếp tục kể cả ngày nghỉ. Để giám sát việc chi trả, Sở LĐ-TB&XH TP đã lập 23 đoàn giám sát, trong đó có 1 tổ thường trực ở sở để xử lý thông tin, 2 tổ còn lại giám sát ở 21 quận huyện và TP Thủ Đức. Vấn đề chi trả ở địa phương thực hiện khá tốt, đảm bảo 5K, chi theo tổ dân phố, có tổ trưởng và cảnh sát khu vực kiểm tra.
Về nguồn lao động trên địa bàn TP, ông Lâm cho biết theo khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nguồn nhân lực thì trong quý 3 có hơn 42.700 người có nhu cầu tìm việc làm. Nhu cầu lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn là từ 43.600 - 58.800. Trong quý 4 các doanh nghiệp tại TP cần 56.000 lao động, trong khi chỉ đáp ứng được khoảng 90-92%.
Vừa qua UBND TP họp và Sở LĐ-TB&XH có báo cáo rằng hiện nay một số lao động về quê sẽ nhận được tin nhắn và quay lại TP để tiếp tục làm việc. Còn điều kiện làm việc sẽ theo Bộ tiêu chí an toàn trong sản xuất của doanh nghiệp.
Về lực lượng lao động ở TP có nhu cầu tìm việc, Sở LĐ-TB&XH cho biết trên địa bàn TP có 127 cơ quan giới thiệu việc làm được cấp phép. Trong đó, Trung tâm Giới thiệu việc làm TP và Trung tâm Giới thiệu việc làm thanh niên làm nòng cốt.
Sở LĐ-TB&XH đang khảo sát nhu cầu tìm việc để tư vấn, giới thiệu danh sách doanh nghiệp cần người lao động và địa chỉ cụ thể. Trung tâm giới thiệu việc làm sẽ kết nối hai bên để doanh nghiệp phỏng vấn, nếu đạt yêu cầu thì vào làm việc.
Bên cạnh đó, học sinh trường trung cấp nghề và sinh viên các trường cao đẳng nghề mới ra trường cũng là nguồn lao động, đảm bảo cung cứng nguồn lao động cho các doanh nghiệp.
TP đang rất thiếu lao động
Ông Phạm Đức Hải - phó trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM - cho biết trước thời điểm 1-10, các khu chế xuất, khu công nghiệp có khoảng 288.000 lao động, trong đó có hơn 70.000 lao động làm việc "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường - 2 điểm đến".
Từ 1-10 đến nay, trong 70.000 lao động trên giảm xuống còn 45.000 người. Số lao động đăng ký mới khoảng 33.000 lao động. Các lao động "3 tại chỗ" chuyển thành bình thường và bổ sung thêm là khoảng 57.000 người.
"Như vậy, hiện tổng cộng lao động tại khu chế xuất, khu công nghiệp chỉ có khoảng 135.000, chỉ bằng 46% so với trước đây, do vậy còn rất thiếu. Hiện nay các doanh nghiệp thuộc khu chế xuất, khu công nghiệp đang rà soát để tiếp tục tuyển dụng bổ sung nguồn lao động cho đơn vị mình", ông Hải nói.
Đối với Khu công nghệ cao, trước 1-10 có khoảng 50.000 lao động, trong đó 25.000 lao động làm việc theo chế độ "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường - 2 điểm đến". Sau 1-10 đến nay, Khu công nghệ cao đã làm việc với các doanh nghiệp nhằm rà soát nhu cầu lao động để tuyển dụng.
Ông Hải cho hay trong số 50.000 lao động tại Khu công nghệ cao thì có đến 40.000 người ở TP.HCM, 10.000 người còn lại phần lớn ở 2 tỉnh Bình Dương, Đồng Nai. Hiện nay Khu công nghệ cao cũng đang khẩn trương mời gọi, tuyển dụng để có thêm nhiều lao động.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận