Dãy kiôt trái phép ở mặt tiền đường Bắc Hải (P.6, Q.Tân Bình) đã có quyết định cưỡng chế từ năm 2013 nay vẫn y nguyên - Ảnh: D.Ngọc Hà |
Trước đó cuối năm 2013, UBND Q.Tân Bình kiểm tra theo đơn phản ảnh của người dân P.6 và phát hiện 77 công trình (kiôt) xây dựng trái phép trên khu đất C30. Sau đó, UBND quận tổ chức cưỡng chế một số công trình, những công trình còn lại UBND quận cho biết sẽ tiếp tục vận động người dân tự tháo dỡ hoặc sẽ lên kế hoạch cưỡng chế.
Vẫn kinh doanh, buôn bán
28 kiôt trên đoạn đường Bắc Hải mới thuộc P.6, Q.Tân Bình hiện giờ không khác thời điểm năm 2013, lúc UBND Q.Tân Bình mới phát hiện việc xây dựng trái phép. Các kiôt mọc san sát nhau, kinh doanh các mặt hàng như chim, cá, cây kiểng, đá, hoa...
Đa số các kiôt đều được xây dựng tạm kiểu khung sắt, lợp tôn, tường tôn, có gian rộng hàng trăm mét vuông. Việc mua bán ở khu vực này diễn ra khá sôi động.
Ở đường Lý Thường Kiệt, 7 kiôt xây dựng không phép kéo dài khoảng 30m mặt tiền đường đã tồn tại hai năm qua và đang buôn bán dù đã có quyết định cưỡng chế tháo dỡ.
Không giống các kiôt ở đường Bắc Hải, các kiôt ở đường Lý Thường Kiệt xây dựng kiên cố, có chỗ xây dạng một trệt một lầu chắc chắn. Các kiôt này kinh doanh máy công nghiệp, phụ kiện ngành nước, quần áo thời trang...
Ông Nguyễn Văn Tùng (đại biểu HĐND TP.HCM): Để tồn tại gần hai năm là quá lâu Với chức năng là người đứng đầu của cơ quan quản lý tại địa phương, chủ tịch UBND phường phải có công văn gửi đến UBND quận để nhắc nhở, báo cáo, thậm chí kiến nghị các cơ quan chức năng phải giải quyết sớm. Theo nghị định 180 năm 2007 về xử lý công trình vi phạm xây dựng thì từ khi phát hiện đến khi cưỡng chế tháo dỡ công trình không quá 15 ngày. Nếu có khiếu nại hoặc cứu xét... thì cũng có thời gian, thủ tục giải quyết chứ không phải muốn kéo dài bao lâu cũng được. Đằng này công trình trái phép tồn tại đã gần hai năm kể từ ngày phát hiện là quá lâu. |
Việc hàng chục kiôt ở đường Bắc Hải và đường Lý Thường Kiệt xây dựng trái phép nhưng vẫn tồn tại qua nhiều năm khiến người dân ở khu vực này rất bức xúc.
Ông Huỳnh Đức Tấn, một trong những hộ dân kiên trì phản ảnh sự việc trên, cho biết lần họp tổ dân phố nào cũng có người dân phản ảnh cơ quan chức năng đã kéo dài việc tháo dỡ các công trình trái phép trên quá lâu.
Năm 2013, UBND P.6 có công văn gửi khu phố 1 thông báo rằng UBND TP chỉ đạo ngưng việc cưỡng chế tháo dỡ đối với các công trình xây dựng trái phép của ông Nguyễn Đức Dzi và bà Nguyễn Thị Soan (mỗi người có nhà cấp 3 trái phép rộng hơn 400m2) để chờ các cơ quan chức năng xem xét.
Nhưng chính quyền địa phương lại ngưng cưỡng chế tất cả những công trình trái phép khác trong khu C30 còn lại.
Cho đến giờ, ông Tấn và người dân ở đây cũng chưa được thông báo kết quả xem xét tiếp theo như thế nào, bao giờ Nhà nước cưỡng chế tháo dỡ các công trình này.
Chưa biết khi nào tháo dỡ
Ông Lâm Việt Thảo, chủ tịch UBND P.6, Q.Tân Bình, cho biết: trước ngày UBND quận tổ chức cưỡng chế tháo dỡ công trình xây dựng trái phép của bà Soan thì gia đình bà này có gửi đơn đến các cơ quan chức năng.
Sau đó UBND TP giao cho Sở Xây dựng và các cơ quan liên quan của TP xem xét thẩm định lại vụ việc nên UBND quận tạm ngưng cưỡng chế.
UBND phường đã có văn bản báo cho người dân ở khu phố 1 nơi có các công trình xây dựng trái phép biết. Cho tới nay, UBND phường chưa nhận được chỉ đạo nào khác nên chưa thể tiến hành cưỡng chế tháo dỡ các công trình trên.
Chỉ đạo của UBND TP chỉ xem xét cho trường hợp của bà Soan nhưng thực tế Q.Tân Bình đã ngưng cưỡng chế tất cả các công trình trái phép còn lại.
Chủ tịch UBND P.6 lý giải: “Một lần triển khai lực lượng cưỡng chế phải huy động hàng loạt xe cộ, phương tiện bảo vệ, phương án an toàn chứ không phải đơn giản. Vì vậy, nếu cưỡng chế thì phải làm một lần chứ không thể tháo dỡ những công trình khác mà không tháo dỡ những kiôt trái phép của bà Soan và ông Dzi”.
Ông Thảo cho rằng các kiôt ở khu C30 phát sinh từ năm 2006, do ban quản lý dự án C30 cho phép người dân xây dựng để tránh việc khu đất bị đổ xà bần, xả rác nhằm giữ gìn vệ sinh môi trường.
“Ban quản lý C30 đã giải thể, giao phần đất C30 thuộc Q.10 về cho Ban quản lý dự án Q.10. Còn phía Q.Tân Bình thì họ chỉ giao mấy lô đất trên bản đồ quy hoạch. Trách nhiệm tháo dỡ các công trình trái phép đương nhiên là của UBND phường.
UBND P.6 và Q.Tân Bình cũng chờ chủ trương của TP là khi nào giải phóng mặt bằng sẽ xử lý luôn những công trình trái phép này. Hiện tại, các cửa hàng kinh doanh đang “xài chùa” chứ không trả tiền thuê mặt bằng. Các hộ dân kinh doanh chờ khi giải tỏa làm dự án” - ông Thảo nói.
Cùng là công trình xây dựng trái phép trên đất thuộc Nhà nước quản lý nhưng sao một số công trình đã bị cưỡng chế, số khác vẫn còn tồn tại và đang sử dụng, khiến người dân khu vực bức xúc? Ông
Thảo trả lời: “Tôi đâu có nghe ai nói gì đâu, dân đâu có nói gì? Những kiôt trái phép chỉ là hậu quả của lịch sử để lại. UBND TP đình lại để xem xét thì UBND phường sao dám có ý kiến. Việc này các cơ quan chức năng của TP đều đã nắm, chỉ mong TP sớm quyết định để giải quyết. Nhất là sớm triển khai dự án để thực hiện cho nghiêm minh chứ kiểu này thì đúng là cũng phức tạp”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận