Bác sĩ Trần Thanh Thu My - khoa nội tiết, Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức (TP Thủ Đức) - cho biết thoái hóa khớp là một bệnh lý mạn tính do tổn thương các mô sụn, xương dưới sụn và các tế bào, cấu trúc khác ở khớp và quanh khớp.
Đây là bệnh thường gặp nhất trong các bệnh lý xương khớp, làm mất khả năng vận động, giảm chất lượng cuộc sống ở người lớn tuổi, gây tổn hại đến kinh tế gia đình và tạo gánh nặng cho chi phí y tế.
Bác sĩ My cho biết thêm những người dễ bị thoái hóa khớp như: Người cao tuổi, phụ nữ có thói quen đi giày cao gót, người lao động chân tay nặng nhọc, mang vác nhiều, béo phì, người có bệnh nền (đái tháo đường, tăng huyết áp, tăng mỡ máu, gout…).
Các vị trí thoái hóa khớp thường gặp như:
Thoái hóa cột sống cổ: Gây cảm giác đau mỏi phía sau gáy, vùng cổ, lan đến bả vai, cánh tay.
Thoái hóa cột sống thắt lưng: Đau vùng thắt lưng, hông, cảm giác tê bì chân khi ngồi lâu một tư thế, do ảnh hưởng đến dây thần kinh tọa gây cảm giác đau từ lưng xuống đùi và chân.
Thoái hóa khớp háng: Cảm giác đau phía trước háng, ở bên cạnh hoặc phía trước đùi, ở sau mông và lan xuống gối.
Thoái hóa khớp cổ tay, bàn ngón tay: Gặp ở nữ nhiều hơn nam, nguyên nhân chủ yếu gặp do các bệnh lý trước đây của khớp như viêm khớp dạng thấp, nhiễm khuẩn khớp và do các chấn thương khớp. Thoái hóa gây sưng đau, khiến ngón tay trở nên gồ ghề, cong nhẹ.
Thoái hóa khớp gối: Triệu chứng biểu hiện đầu tiên thường là đau khớp gối. Người bệnh ngồi xổm và đứng dậy rất khó khăn, nặng hơn sẽ thấy tê chân, biến dạng khớp gối.
Thoái hóa khớp cổ chân, bàn ngón chân: Thường gặp ở người trên 40 tuổi, hoặc có công việc sử dụng nhiều đến cổ chân như vận động viên, cầu thủ bóng đá… Người bệnh sẽ cảm thấy đau vùng khớp cổ chân, cảm giác nặng nề và kém linh hoạt khi vận động.
Theo bác sĩ My, các triệu chứng của thoái hóa khớp có các đặc điểm chung như: Đau khi vận động, cứng khớp, hạn chế vận động, cảm thấy khớp phát ra tiếng kêu lạo xạo, biến dạng khớp, lệch trục khớp…
Để điều trị được thoái hóa khớp, đối với người bệnh béo phì cần giảm, cân bằng chế độ ăn và tập luyện, việc giảm 10% trọng lượng cơ thể giúp cải thiện chức năng vận động khớp. Hạn chế các món ăn béo ngọt, chiên xào, không ăn nhiều và cữ tối, ăn nhiều rau đậu trái cây.
Bên cạnh đó, người bệnh thoái hóa khớp cần tập thể dục giúp cơ thể vận động, xây dựng cơ bắp và tăng cường sức mạnh cho các khớp. Các bác sĩ sẽ đưa ra kế hoạch tập thể dục để theo dõi tại nhà, tránh tập sai ảnh hưởng đến các khớp.
Trường hợp nặng, người bệnh có thể được điều trị bằng phương pháp như: tiêm nội khớp, thay khớp...
Khi phát hiện mình có triệu chứng thoái hóa khớp, người bệnh nên đến cơ sở y tế để được bác sĩ chuyên khoa về xương khớp thăm khám, tư vấn và điều trị kịp thời.
Làm gì để phòng ngừa thoái hóa khớp?
Bác sĩ My khuyến cáo để phòng ngừa thoái hóa khớp cần chống các tư thế xấu trong sinh hoạt và lao động hằng ngày (ngồi xổm, ngồi bó gối), bảo đảm an toàn lao động. Tập thể dục, thư giãn sau mỗi giờ lao động. Tránh các động tác quá mạnh, đột ngột, tránh sai tư thế khi mang vác nặng.
Bên cạnh đó, cần bảo đảm chế độ dinh dưỡng đầy đủ cân đối: Bổ sung đầy đủ vitamin D, C, collagen... vào khẩu phần ăn hằng ngày của người có tuổi.
Ngoài ra, cần giảm và duy trì cân nặng hợp lý, tập thể dục đều đặn, vừa sức, không gây tăng áp lực cho khớp (đi xe đạp, đi bộ đường bằng, tập dưỡng sinh...).
Phát hiện và giải quyết sớm các bệnh lý kèm theo (đặc biệt các bệnh lý viêm khớp), chấn thương khớp, các dị tật của xương, khớp và cột sống.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận