19/01/2015 09:28 GMT+7

​Không xem ASEAN là nước ngoài nữa

HỒNG QUÝ
HỒNG QUÝ

TT - Tiết mục được giới doanh nhân quan tâm và hào hứng tham gia nhất tại sự kiện Flora ASEAN do Câu lạc bộ doanh nhân Sài Gòn tổ chức là chương trình talk show “Tiếng Anh dành cho CEO”.

Lắp ráp bóng đèn compact tại Công ty CP bóng đèn Điện Quang (Khu công nghiệp Đồng An, Bình Dương) - Ảnh: T.T.D.

10 lãnh đạo đến từ các công ty đa quốc gia tham gia vào vai hải quan của các nước làm thủ tục nhập cảnh, nói tiếng bản địa lưu loát.

Trao đổi tại sự kiện Flora ASEAN được tổ chức trong những ngày đầu năm 2015 này, ông Nguyễn Tấn Huy, tổng thư ký Câu lạc bộ doanh nhân Sài Gòn, cho rằng tiết mục này nhằm tạo động lực thúc đẩy lãnh đạo các doanh nghiệp (DN) Việt học và nói tiếng Anh để giao tiếp khi ra nước ngoài.

Theo ông, dù khả năng nói tiếng Anh của người Việt không thua kém các nước trong khu vực, song khả năng tiếng Anh của lãnh đạo DN Việt tỏ ra kém hơn hẳn lãnh đạo DN các nước ASEAN.

“Nhiều khi việc hợp tác quan trọng có thể bị bỏ lỡ chỉ vì quá trình chuyển tải thông tin không được như ý, dẫn tới đánh rơi cơ hội ngay trước ngày hái quả” - ông Huy cảnh báo.

Vị này cùng các quan khách người Việt tại sự kiện này cũng cho rằng tiếng Anh mới chỉ là một trong rất nhiều thứ mà các doanh nhân trong nước sẽ phải chuẩn bị trong hành trang hoạt động năm 2015, khi phải đối mặt với cột mốc quan trọng: Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), được coi là một bước ngoặt đánh dấu sự hòa nhập toàn diện các nền kinh tế Ðông Nam Á.

AEC sẽ hòa trộn nền kinh tế của 10 quốc gia thành viên thành một khối sản xuất thương mại và đầu tư, tạo ra thị trường chung của một khu vực có dân số 600 triệu người và GDP hằng năm khoảng 2.000 tỉ USD.

Cụ thể hơn, rào cản thuế quan giữa các nước sẽ được gỡ bỏ, các quốc gia trong khối ASEAN bắt đầu một thị trường thống nhất.

“Vấn đề mở rộng thị trường ra toàn ASEAN năm nay sẽ tạo nhiều cơ hội cho các nước trong khu vực, trong đó có VN. Sẽ xảy ra tình trạng vừa cạnh tranh vừa kết nối và hỗ trợ nhau. Theo tôi, hỗ trợ sẽ có nhiều hơn là cạnh tranh” - ông Huy đánh giá.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Giản Tư Trung - hiệu trưởng Trường doanh nhân PACE - cho rằng ngưỡng cửa hội nhập thật sự trong khu vực năm 2015 vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức mà ở đó các nước ASEAN đã chuẩn bị khá nhiều cho việc này, trong khi việc chuẩn bị của DN Việt lại tỏ ra chưa tương xứng.

Theo ông, quan điểm chung trước nay của DN Việt luôn coi thị trường trong nước là sân nhà của mình. Nhưng từ năm 2015, thị trường đó không còn của riêng VN nữa, mà của chung các DN trong khu vực.

“Người Thái đã chuẩn bị từ lâu. Họ nắm về chúng ta rất rõ, nên kết quả là bây giờ hàng Thái tràn sang VN rất nhiều” - ông Trung cảnh báo.

Theo ông Trung, ngay từ lúc này DN Việt cần thay đổi tư duy, không nên coi ASEAN là nước ngoài nữa mà phải coi như là thị trường sân nhà của mình.

“Nếu thay đổi tư duy, những khi gặp khó khăn như hiện nay - sức mua trong nước giảm - DN Việt có thể nghĩ tới thị trường chung của ASEAN như là một cơ hội” - ông Trung gợi ý.

Ðánh giá chung, cả ông Huy và ông Trung đều cho rằng thách thức lớn của năm hội nhập thị trường ASEAN 2015 là chúng ta sẽ mất đi phần không nhỏ trong thị trường 90 triệu dân. Bù lại, cái lợi sẽ lớn hơn trong một thị trường 600 triệu dân của ASEAN.

“Nhưng cái lợi này chỉ có ý nghĩa khi DN VN có gì đó để bán cho khu vực và thế giới thay vì chỉ biết mua và nhập. Mà để có gì mà bán thì phụ thuộc vào việc DN VN có thật sự am hiểu thị trường lớn này như DN Thái Lan và Malaysia đã am hiểu về thị trường chung và cả thị trường VN hay không” - ông Trung cho biết.

HỒNG QUÝ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp