Sinh viên Học viện Tòa án trong giờ nghỉ - Ảnh: Học viện Tòa án
Ngày 14-3, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, TS. Lê Hữu Du - Trưởng phòng Phòng Đào tạo và Khảo thí - khẳng định tiêu chuẩn về chiều cao, cân nặng đối với thí sinh có nguyện vọng xét tuyển vào trường đã được học viện áp dụng mấy năm qua, từ khi bắt đầu tuyển sinh bậc đại học.
Tiêu chuẩn về sức khỏe cùng các tiêu chuẩn chính trị, phẩm chất đạo đức nằm trong điều kiện sơ tuyển. Việc sơ tuyển này tương tự trong tuyển sinh các ngành đặc thù khác như kiểm sát, công an, quân đội.
Lý do nào khiến học viện lại đặt ra giới hạn tuyển thí sinh nữ cao từ 1,55 m, nặng từ 45-60kg, nam cao từ 1,6m và nặng từ 48-80kg?
Theo ông Du, khác với các phán quyết, quyết định hành chính của các cơ quan khác, thì trong công việc của một thẩm phán, khi tuyên một bản án luôn là "Nhân danh Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam…".
Vì vậy các tiêu chuẩn sức khỏe được đặt ra ở đây "không có sự phân biệt" mà nhằm đảm bảo việc thực hiện công việc đặc biệt này tốt hơn, hiệu quả hơn.
"Thực tế đây là một nghề rất áp lực, đòi hỏi phải có sự hài hòa về khả năng chuyên môn, tiêu chuẩn đạo đức, chính trị, tiêu chuẩn sức khỏe, thể trạng đặc thù mới có thể đáp ứng được công việc. Nếu không sẽ khó hoàn thành được nhiệm vụ" - ông Du nhấn mạnh.
Năm 2019, Học viện Tòa án đã mở rộng giới hạn cân nặng cho thí sinh nam, từ quy định cân nặng 48-75 kg áp dụng năm 2018 trở về trước thành quy định cân nặng 48-80 kg, nhưng tại sao với thí sinh nữ tiêu chuẩn này vẫn không thay đổi (45-60kg)?
TS Du cho biết thực tế với nam sinh việc mở rộng giới hạn cân nặng như vậy cùng với chiều cao tương xứng thì vẫn đảm bảo mức độ hài hòa của cơ thể.
Chính các địa phương khi xuất phát từ thực tiễn đã phản ánh về điều này, nên học viện thay đổi tiêu chuẩn. Còn với thí sinh nữ, địa phương chưa phát hiện bất ổn nào về quy định đã có, chưa có kiến nghị gì nên tiêu chuẩn vẫn được giữ nguyên.
Riêng về quy định thí sinh muốn xét tuyển vào trường bắt buộc phải đăng ký nguyện vọng 1 hoặc 2 (nếu đăng ký vào trường từ nguyện vọng 3 trở lên là không hợp lệ), đại diện Học viện Tòa án cho biết đã áp dụng từ đề án tuyển sinh năm 2018.
"Đặc thù của Học viện Tòa án là tuyển sinh và đào tạo phục vụ nhu cầu nhân lực của ngành. Do đó thực sự cần những người có đam mê, quyết tâm theo đuổi nghề nghiệp. Như vậy, các em mới có đóng góp, cống hiến tốt nhất cho ngành và cho xã hội" - ông Du nói.
Bằng thực tiễn làm công tác tuyển sinh nhiều năm, ông Du nhận thấy những thí sinh đăng ký nguyện vọng có thứ tự ưu tiên càng ở phía sau mức độ gắn bó, sự đam mê, tình yêu và tâm huyết dành cho nghề càng hạn chế.
Những trường hợp này, theo đó, có khi học năm thứ nhất, thứ hai đã xin bảo lưu kết quả, chuyển trường.
Trong khi đó, chỉ tiêu đào tạo của học viện không nhiều. Khi vào trường, thí sinh lại nhận được sự hỗ trợ rất lớn của trường, của ngành. Vì vậy, nếu thí sinh không đam mê, dù trúng tuyển vào học nhưng lại bỏ dở giữa chừng rất lãng phí.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận