Tuy nhiên, các bậc phụ huynh nên biết rằng ho là biểu hiện của nhiều bệnh lý khác nhau ở trẻ và không phải lúc nào cũng phải dùng đến kháng sinh.
Khi trẻ ho, dùng kháng sinh - Lợi bất cập hại!
Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị ho, có thể là biểu hiện của một bệnh lý nhiễm trùng hay do dị ứng với những tác nhân lạ từ môi trường không khí như khói, bụi, phấn hoa... Đối với trẻ em, do khả năng bảo vệ và miễn dịch của trẻ kém hơn so với người lớn nên nguyên nhân chính khiến trẻ bị ho, sổ mũi là do nhiễm những siêu vi gây bệnh ở đường hô hấp lây lan trong không khí. Những siêu vi này không bị ảnh hưởng bởi kháng sinh, do đó việc dùng kháng sinh trong trường hợp này thường lợi bất cập hại.
Chỉ nên cho trẻ uống kháng sinh khi nào thật sự cần thiết như có những dấu hiệu gợi ý nhiễm trùng như sốt cao, họng có mủ, sưng đỏ, thở mệt, khó thở, xét nghiệm máu có bạch cầu tăng, X quang phổi có tổn thương, tiền căn có bệnh lý thấp khớp… và khi dùng kháng sinh nhất thiết phải được sự chỉ định của bác sĩ. Vì như đã nói, bệnh hô hấp thường là do siêu vi gây ra nên uống kháng sinh không thể cải thiện bệnh mà chỉ làm trẻ mệt thêm, làm cho vi khuẩn dễ lờn thuốc, kháng thuốc và gây ra nhiều tác dụng phụ như dị ứng, tiêu chảy...
Chăm sóc và theo dõi trẻ bị ho
Dù có sử dụng hay không sử dụng kháng sinh, đối với những trẻ đang mắc bệnh lý đường hô hấp, ta cần biết cách chăm sóc trẻ như sau:
- Khi bị bệnh, trẻ thường biếng ăn, biếng bú. Phụ huynh nên chia nhỏ bữa ăn và khuyến khích trẻ ăn, bú nhiều lần trong ngày. Nếu trẻ bỏ bú vì bị nghẹt mũi, cần làm thông thoáng mũi trước khi cho bú.
- Cho trẻ uống đủ nước. Uống đủ nước giúp trẻ mau hạ sốt, làm loãng đàm nhớt và việc hấp thụ các thuốc và thức ăn tốt hơn.
- Thường xuyên làm thông thoáng mũi cho trẻ:
+ Đối với trẻ lớn: hướng dẫn trẻ hỉ mũi đúng cách. Hỉ mũi từng bên. Dùng ngón tay đè một bên mũi, hỉ mạnh bên kia và làm ngược lại. Lưu ý: không được bịt hai mũi cùng một lúc.
+ Đối với trẻ nhỏ: phụ huynh dùng giấy mềm xếp góc nhọn (bấc sâu kèn), đưa vừa đủ vào mũi trẻ. Làm vài lần đến khi sạch nước mũi. Trong trường hợp nước mũi đặc gây nghẹt mũi nhiều, phụ huynh nên dùng dung dịch nước muối sinh lý NaCl 0,9% nhỏ 2 - 3 giọt mỗi bên mũi, sau đó dùng giấy mềm làm sạch mũi như trên.
Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cần phải thường theo dõi trẻ để sớm phát hiện các dấu hiệu nặng cần đưa trẻ đến bệnh viện khám ngay sau đây:
- Trẻ không uống được hoặc bỏ bú: nghĩa là khi đút từng thìa (muỗng cà phê) nước hay sữa cho trẻ uống nhưng trẻ không nuốt được, hoặc trẻ không thể tự mút khi đưa vú mẹ vào miệng trẻ.
- Trẻ nôn tất cả mọi thứ: khi đút từng thìa nước hoặc sữa, trẻ uống được nhưng ngay lập tức trẻ nôn ra ngay. Cho trẻ ngưng vài phút, lặp lại như trên nếu trẻ vẫn ói ngay nghĩa là trẻ có dấu hiệu “nôn tất cả mọi thứ”.
- Trẻ bị co giật.
- Trẻ li bì: trẻ ngủ nhiều hơn bình thường và khó lay gọi hoặc khi lay gọi trẻ mở mắt nhưng sau đó lại thiếp đi.
- Trẻ thở nhanh: cần đếm nhịp thở khi trẻ nằm yên trong một phút. Nếu nhịp thở từ 60 lần trở lên (đối với trẻ dưới 2 tháng tuổi), 50 lần (đối với trẻ từ 2 - 12 tháng tuổi) và 40 lần (đối với trẻ từ 12 tháng đến 5 tuổi) thì trẻ có thở nhanh.
- Trẻ thở co lõm ngực: quan sát lồng ngực khi trẻ nằm yên. Bình thường khi hít vào, lồng ngực hai bên nở ra. Nếu khi hít vào, hai bên lồng ngực lõm vào, trẻ bị thở co lõm ngực.
- Trẻ thở rít: để tai ở vùng mũi miệng trẻ, mắt quan sát vùng ngực - bụng. Bình thường khi trẻ hít vào, tai ta nghe được tiếng thở của bé có âm sắc nhẹ nhàng. Nếu tai ta nghe một âm sắc thô ráp khi trẻ hít vào, trẻ có dấu hiệu thở rít.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận