Có nên thường xuyên dùng thuốc nhỏ để bổ mắt
Để bảo vệ mắt, một số người cho rằng nên dùng thuốc nhỏ mắt hàng ngày để giúp rửa sạch mắt, chống mỏi mắt và suy giảm thị lực nhưng một số người khác lại nói không nên dùng thường xuyên, rất có hại.
Nếu mắt bình thường không việc gì thì không nên dùng thuốc nhỏ mắt (bất cứ loại thuốc nào) để nhỏ vào mắt. Chỉ khi nào làm việc bằng mắt nhiều, cảm thấy mỏi mắt, khô mắt, có thể sử dụng thuốc nhỏ mắt chứa nước muối sinh lý (gọi là thuốc nhỏ mắt NaCl 0,9%) mua ở nhà thuốc để nhỏ mắt.
Thuốc nhỏ mắt NaCl 0,9% chỉ chứa muối NaCl với nồng độ giống như nước mắt nhằm đạt độ đẳng trương làm dịu mắt, cung cấp nước cho mắt bị khô và làm sạch mắt (ta cần biết mắt ta luôn luôn có nước mắt tiết ra tạo lớp phim mỏng bảo vệ mắt, nếu nước mắt tiết ra không đủ sẽ bị khô mắt rất khó chịu). Lưu ý về thuốc nhỏ mắt này, khi đã mở lọ thuốc ra chỉ nên dùng trong vòng 15 ngày kể từ khi mở lọ, vì sau khi mở lọ khoảng thời gian 15 ngày sẽ có nguy cơ không còn đạt được độ vô khuẩn.
Ngoài thuốc nhỏ mắt NaCl 0,9%, một số người thường mua thuốc nhỏ mắt khác có chứa thêm chất làm tăng độ nhầy để giúp thuốc giữ lâu trong mắt và các chất bổ dưỡng khác (đương nhiên sẽ đắt tiền hơn thuốc nhỏ mắt NaCl 0,9 %).
Các thuốc này còn gọi là “nước mắt nhân tạo” và cũng được một số người gọi là thuốc bổ mắt. Trong “nước mắt nhân tạo” có chứa các chất tăng độ nhầy gọi chung là hydrogel, là thành phần chính để tăng độ nhầy, giúp nước mắt nhân tạo lưu giữ lâu hơn trên bề mặt nhãn cầu.
Một số loại hydrogel thường gặp là: hydroxypropyl methylcellulose (HPMC); carboxy methylcellulose (CMC); povidone; polyethylene glycol; hyaluronic acid…
Khi dùng nước mắt nhân tạo vẫn có thể bị tác dụng phụ như kích ứng làm ngứa mắt, nóng rát, xốn mắt, dị ứng gây đỏ mắt, xung huyết kết mạc, viêm bờ mi… Nếu nhỏ thuốc mà bị các rối loạn vừa kể phải ngưng ngay và nên đến khám bác sĩ.
Khi nhỏ mắt bằng thuốc nhỏ mắt để rửa mắt, làm dịu mắt, hoặc dùng “nước mắt nhân tạo” để chống khô mắt cũng cần lưu ý, nhỏ mắt một thời gian thấy cải thiện thì ngưng, chỉ khi nào triệu chứng mỏi mắt, khô mắt tái phát mới dùng thuốc nhỏ mắt trở lại. Nếu thấy thị lực mắt bị giảm nên đi đến bác sĩ nhãn khoa khám để xác định việc có cần thiết chữa trị bệnh về mắt hay không.
Còn thuốc uống bổ mắt?
Hiện nay, có khá nhiều loại thuốc bổ mắt dùng dạng thuốc viên uống với những lời giới thiệu rất hấp dẫn: “Giúp sáng mắt, chống khô mắt, nhìn mờ, phòng ngừa các bệnh như đục thủy tinh thể, thoái hóa điểm vàng tuổi già”; “Bổ mắt với sụn vi cá mập thiên nhiên bổ sung các vitamin và chất vi lượng, ngăn ngừa và điều trị khô mắt, mỏi mắt, hoa mắt, giảm thị lực”; “Thuốc bổ mắt bổ sung dinh dưỡng, chống giảm thị lực, viêm loét giác mạc”...
Xem kỹ thì các thuốc bổ mắt kể trên chứa các vitamin như vitamin A, vitamin E, vitamin C, một số vitamin nhóm B…, hoặc chứa các carotenoid ảnh hưởng tốt cho mắt như lutein, zeaxanthin…, hoặc chứa thêm chondroitin (từ sụn vi cá mập) cũng được xem là tốt cho mắt.
Thực chất, các loại thuốc bổ mắt chỉ là những chế phẩm hỗ trợ dinh dưỡng cho mắt chứ không có tác dụng chữa bệnh, phòng bệnh.
Rất nhiều bậc cha mẹ khi đưa con đến bệnh viện mắt để khám đều thừa nhận trước đó đã cho trẻ uống nhiều loại thuốc bổ mắt để phòng bệnh cận thị. Thật ra, không có loại thuốc bổ mắt nào có thể ngăn ngừa được bệnh cận thị và ngay cả những người đã bị cận rồi mà uống thuốc bổ mắt cũng không thể làm mắt sáng hơn được.
Dù nhiều loại thuốc bổ mắt ghi rõ ngăn ngừa và điều trị bệnh đục thủy tinh thể, hay thoái hóa hoàng điểm ở người già... nhưng theo các chuyên gia nhãn khoa, các loại thuốc bổ mắt không hề có tác dụng phòng ngừa hay điều trị hai bệnh này. Riêng đục thủy tinh thể, biện pháp duy nhất điều trị vẫn là phẫu thuật mắt chứ không có thuốc nào bổ nào thần kỳ đến độ là làm hết đục thủy tinh thể.
Lời khuyên
- Hãy bảo vệ “cửa sổ tâm hồn”
Trước hết, hãy tạo điều kiện làm việc với máy tính, với việc học tập, đọc sách thích hợp:
- Cho mắt nghỉ ngơi sau mỗi 30 phút làm việc (bằng cách nhìn vào vật khác ở xa mà không phải nhìn màn hình hoặc nhắm mắt thư giãn). Lưu ý, chớp mắt thường xuyên hơn khi đang làm việc để mắt khỏi khô.
- Nếu làm việc với máy tính, giảm ánh sáng và sự chiếu sáng của màn hình bằng cách dùng màn chắn ánh sáng hoặc đeo kính bảo vệ mắt. Điều chỉnh ánh sáng trong phòng để tránh phản chiếu lên màn hình.
- Bố trí bàn làm việc hợp lý, để vị trí màn hình cách mắt từ 50-60 cm.
Không chỉ quan tâm đến điều kiện làm việc với máy tính, đọc sách, học tập thích hợp mà ta còn tạo thói quen bảo vệ mắt như đeo kính mát khi ra nắng gay gắt, khám mắt ở bác sĩ chuyên khoa khi phát hiện có những bất thường về thị giác, không tự ý dùng thuốc nhỏ mắt khi không rõ về tác dụng và chất lượng của thuốc đó.
- Hãy quan tâm đến chế độ dinh dưỡng
Ta nên lưu ý đến chế độ dinh dưỡng đầy đủ và cân bằng các dưỡng chất. Chính nhờ hằng ngày ăn uống đầy đủ các dưỡng chất, đặc biệt, đầy đủ vitamin và khoáng chất, ta sẽ nuôi dưỡng từ bên trong giúp đôi mắt sáng và mạnh khoẻ.
Ăn nhiều rau cải, trái cây tươi là cách tốt nhất bổ sung vitamin và chất khoáng thiên nhiên cần thiết, đặc biệt là các dưỡng chất có tác dụng chống oxy hóa.
Đó là vitamin A, vitamin E, vitamin C, khoáng chất selen, các carotenoid (là các thực phẩm có màu đỏ cam như bêta-caroten có trong quả gấc, lycopen, lutein có trong cà chua)… là những dưỡng chất thiết yếu cơ thể không tự tổng hợp được mà phải được cung cấp qua thức ăn thức uống hằng ngày.
Tóm lại, để bảo vệ mắt, hãy chăm sóc đôi mắt mỗi ngày bằng cách làm việc khoa học, nghỉ ngơi phù hợp, đặc biệt cung cấp đầy đủ dưỡng chất qua thức ăn thức uống để nuôi dưỡng cho mắt sáng khỏe từ bên trong.
Nếu mắt chưa việc gì thì không cần phải nhỏ thuốc cho bổ mắt. Cũng không cần mua thuốc bổ mắt uống tùy tiện (lưu ý phải dùng thuốc gọi là bổ mắt chứa vitamin A thật đúng liều lượng chứ dùng sai chỉ ngộ độc hại thân mà thôi!).
Đặc biệt, không nên tự mua thuốc bổ mắt uống khi có những triệu chứng như mờ, mỏi, nhức mắt... mà cần đến bệnh viện để được khám mắt vì những triệu chứng này không phải do mắt làm việc quá nhiều mà có thể là triệu chứng của rất nhiều bệnh lý mắt khác, cần điều trị sớm để tránh những biến chứng rất có hại về sau.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận