Phóng to |
Với tỉ lệ phiếu 51,7%, ông Franc5ois Hollande đã vượt qua đối thủ Nicolas Sarkozy để trở thành tổng thống Pháp thuộc Đảng Xã hội đầu tiên trong 17 năm qua. Dự kiến ông sẽ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 15-5.
Ông Hollande sẽ không có nhiều thời gian để ăn mừng chiến thắng. Báo Le Monde tường thuật: “Một cú điện thoại ngắn xóa đi những tuần lễ im hơi lặng tiếng: ông Franc5ois Hollande và bà Angela Merkel đã trao đổi qua điện thoại ngay tối 6-5. Không ấn định thời điểm cụ thể, song bà thủ tướng Đức đã mời tổng thống Pháp vừa đắc cử đến thăm Berlin ngay sau khi ông nhậm chức. Không đợi đến thời điểm này, ông Franc5ois Hollande đã tất bật chạy đua với thời gian trước một con bệnh châu Âu về nợ nần”.
Một nghị trình đầy ắp: sau ngày 17-5, đến Đức để thảo luận lại các biện pháp cắt giảm ngân sách do bà Merkel ấn định cho EU, quảng bá các sáng kiến thúc đẩy tăng trưởng. Ngày 18 và 19-5, sang Mỹ dự hội nghị thượng đỉnh G-8 và hội nghị thượng đỉnh NATO cũng trong tháng này.
Tẩy chay thắt lưng buộc bụng
“Châu Âu đang theo dõi chúng ta và vào lúc kết quả được công bố, tôi tin rằng ở rất nhiều nước châu Âu, điều này đã là một sự thở phào nhẹ nhõm, một hi vọng, bởi cuối cùng chính sách thắt lưng buộc bụng không còn là một định mệnh” - ông Franc5ois Hollande tuyên bố tối 6-5. Chiến thắng của ông được báo Financial Times phiên bản Đức bình luận là “một bước ngoặt đối với châu Âu và Thủ tướng Đức Merkel”.
Khi còn cầm quyền, tổng thống Pháp Sarkozy và bà Merkel đã hình thành liên minh “Merkozy” và buộc các nước khối đồng euro phải cắt giảm ngân sách ngặt nghèo để giảm thâm hụt. Gánh nặng cắt giảm an sinh xã hội, sa thải, giảm lương, tăng tuổi hưu... đổ dồn lên đầu người lao động Pháp và các nước châu Âu. Tỉ lệ thất nghiệp lên đến 10% và tăng trưởng yếu ớt càng làm người Pháp thêm kiệt quệ.
“Đây là cú đòn chí tử giáng vào gói thắt lưng buộc bụng, phản ứng chủ đạo của châu Âu đối với khủng hoảng nợ” - báo Anh Guardian bình luận về lá phiếu trừng phạt ông Sarkozy của cử tri Pháp.
AFP cho biết để thúc đẩy tăng trưởng và giảm thâm hụt, ông Hollande cam kết tăng thuế những người giàu có thu nhập hơn 1 triệu euro/năm lên tới 75%, tăng mức thu nhập tối thiểu, tuyển dụng 60.000 giáo viên, giảm độ tuổi hưu từ 62 xuống 60... Ông cũng sẽ yêu cầu EU đàm phán lại “liên minh tài chính châu Âu” nhằm lồng vào đó các chính sách thúc đẩy tăng trưởng, bởi như ông nhấn mạnh: “Thắt lưng buộc bụng không còn là lựa chọn duy nhất”.
Cụ thể, ông Hollande muốn EU phát hành trái phiếu chung để có tiền đầu tư vào các dự án xây dựng hạ tầng lớn, sử dụng các quỹ còn nguyên vẹn của EU để thúc đẩy tăng trưởng ưu tiên cho những khu vực nghèo hay sự hội nhập của thanh niên vào thị trường việc làm. Ông Hollande cũng muốn đánh thuế các giao dịch tài chính ở châu Âu. “Hollande có thể thay đổi diện mạo của EU - chuyên gia Hugo Brady thuộc Trung tâm cải tổ châu Âu (CER) nhận định - Bởi châu Âu cần nhiều thứ khác hơn là kỷ luật tài chính để cứu đồng euro”.
“Đã không còn thời gian cho chiến lược phục hồi kinh tế thông qua thắt lưng buộc bụng” - nhà kinh tế học Mỹ đoạt giải Nobel Paul Krugman khẳng định trên báo New York Times.
Để “định hướng lại” việc xây dựng châu Âu, ông Hollande có thể dựa trên sự ủng hộ của những nhà lãnh đạo khác như Thủ tướng Anh David Cameron và nhất là Thủ tướng Ý Mario Ponti, hai người mà ông cũng đã trao đổi qua điện thoại vào tối 6-5. Những kết quả bầu cử ở Pháp và Hi Lạp, như ông Mario Ponti nhấn mạnh, “đang buộc phải suy nghĩ lại về nền chính trị cho châu Âu. Cơ bản là châu Âu cần khẩn cấp đưa ra những chính sách cụ thể cho tăng trưởng”. Một mong muốn tương tự của thủ tướng Đảng Xã hội vừa đắc cử Elio Di Rupo của Bỉ, thủ tướng của Đảng Xã hội Helle Thorning-Schmidt của Đan Mạch.
Thách thức tức thời
Dù vậy, một số tờ báo Đức và Anh như Tagesspiegel và Daily Mail cũng cảnh báo ông Hollande đang “đùa với lửa” và “đẩy EU vào khủng hoảng”. Việc ông chống lại chính sách thắt lưng buộc bụng có thể khiến các nhà đầu tư mất niềm tin vào đồng euro. Tờ The Times và tờ Economist mô tả việc ông Hollande đòi đàm phán lại liên minh tài chính EU là “cực kỳ nguy hiểm”.
Như một dẫn chứng cho nhận định trên, ngay trong phiên giao dịch ngày 7-5, thị trường chứng khoán và tiền tệ châu Âu đã phản ứng tiêu cực với kết quả bầu cử Pháp và Hi Lạp. AFP cho biết giá đồng euro giảm xuống: 1 euro chỉ đổi được 1,2954 USD, mức thấp nhất kể từ cuối tháng 1-2012. Chứng khoán châu Âu và châu Á đồng loạt giảm mạnh. Giá dầu thô trên thị trường Mỹ cũng giảm 1,45 USD xuống còn 97,04 USD/thùng.
Tuy nhiên, AFP dẫn lời nhà phân tích Thomas Klau của Hội đồng quan hệ đối ngoại châu Âu nhận định EU không có lý do gì để sợ hãi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận