13/08/2015 09:54 GMT+7

Tổ chức Ân xá quốc tế: Không trừng phạt nghề mại dâm

N.QUÂN
N.QUÂN

TT - Ngày 11-8, Tổ chức Ân xá quốc tế (AI) đã thông qua nghị quyết gây nhiều tranh cãi khắp thế giới: không trừng phạt người bán dâm lẫn kẻ chăn dắt và khách mua dâm.

Người hành nghề mại dâm biểu tình ở Paris hôm 11-6 chống việc Quốc hội Pháp chuẩn bị thông qua luật trừng phạt người mua dâm vì cho rằng sẽ "đập vỡ nồi cơm" của họ - Ảnh: AFP

Theo AFP, ông Thomas Schultz-Jagow, giám đốc truyền thông của tổ chức phi chính phủ AI, giải thích nghị quyết nhằm lập ra “khuôn khổ pháp lý mà trong đó tất cả các thành tố của nghề kinh doanh tình dục sẽ được miễn trừng phạt” vì việc “hình sự hóa đối với nghề kinh doanh tình dục giữa những người trưởng thành đồng thuận có thể dẫn đến những xâm phạm về quyền của người làm trong nghề kinh doanh tình dục”. 

Trên Đài France Info, bà Catherine Godart, lãnh đạo AI của Pháp, giải thích rằng mục tiêu của nghị quyết là “bảo vệ quyền của những người đang làm trong nghề mại dâm”.

Mại dâm không phải nghề xưa nhất quả đất mà là hình thái áp bức xưa nhất
Bài xã luận trên nhật báo Libération của các tổ chức nhân quyền

Tranh luận suốt hai năm

Theo bà Godart, vấn đề này đã được ban lãnh đạo AI đưa ra thảo luận nội bộ và lấy ý kiến của các tổ chức chuyên nghiệp khác trong hai năm qua và trong kỳ họp hội đồng quốc tế của tổ chức này tại Dublin (Ireland) mấy ngày qua đã được bỏ phiếu để thông qua thành nghị quyết thực hiện.

Kết quả bỏ phiếu chiều 11-8 cho thấy đa số trong 400 đại biểu của AI bỏ phiếu thuận nhưng lãnh đạo AI không công bố chi tiết tỉ lệ. Ông Salil Shetty, tổng thư ký của AI, tuyên bố trong thông cáo báo chí: “Đây là một ngày lịch sử với AI. Đây không phải là một quyết định dễ thông qua”.

Như vậy, từ nay các thành viên của tổ chức phi chính phủ chuyên bảo vệ quyền con người này sẽ thực hiện chiến dịch đòi bãi bỏ việc trừng phạt những người hành nghề mại dâm, khách mua dâm lẫn người môi giới mua bán dâm.

Thật ra trong những nội dung của AI đưa ra, các tổ chức khác hầu như đồng thuận về việc không trừng phạt người bán dâm nhưng không đồng tình với chuyện “tha bổng” cho người mua dâm, người môi giới cũng như các chủ nhà chứa dù trong nghị quyết có nói chỉ "trong trường hợp họ bị buộc phải làm như thế".

Bị chỉ trích mạnh

Cho đến sáng 11-8, tức chỉ vài giờ trước khi các đại biểu của AI bỏ phiếu, nhiều tổ chức khắp thế giới vẫn còn công bố thư ngỏ gửi đến các đại biểu kêu gọi bỏ phiếu chống, trong đó nhắc lại rằng những thư kiến nghị kêu gọi bỏ phiếu chống đã thu thập được đến 10.000 chữ ký tại châu Âu và Mỹ. 

Bà Esohe Aghatise, thuộc tổ chức phi chính phủ Equality Now bảo vệ quyền phụ nữ, lên án mạnh mẽ: “Hợp pháp hóa cho những người đang bóc lột những người làm nghề mại dâm không phải cách làm hay vì nhu cầu thương mại của nghề kinh doanh tình dục sẽ càng thúc đẩy nạn buôn người”.

Trong khi đó, bà Taina Bien-Aimé - giám đốc Liên minh chống buôn bán phụ nữ (CATW) - chỉ rõ: “Không có liên hệ hợp lý nào trong ý tưởng cho rằng để bảo vệ những người bị bóc lột thì phải bảo vệ những kẻ bóc lột. Điều đó thật chẳng có nghĩa lý gì”. 

Tổ chức CATW đã tập hợp được hơn 600 chữ ký, trong đó có chữ ký của các nữ diễn viên Hollywood danh tiếng như Emily Blunt, Charlize Theron, Anne Hathaway... "Tổ chức AI phải thật sự hiểu rằng cả thế giới đang nhìn họ và họ sẽ mất đi độ tin cậy như một tổ chức bảo vệ quyền con người nếu thông qua nghị quyết đó", bà Taina nói với AFP.

Phía AI cũng nhìn nhận rằng “vấn đề này là nhạy cảm, gây chia rẽ và cực kỳ phức tạp” nhưng vẫn biện luận rằng những người làm trong nghề kinh doanh tình dục - vốn là “một trong những nhóm bị gạt ra rìa xã hội nhiều nhất trên giới” - cần được bảo vệ bằng cách không bị trừng phạt. 

AI cũng nhấn mạnh rằng nghị quyết của tổ chức này không hề mâu thuẫn với cuộc chiến của tổ chức này chống lại nạn bóc lột lao động và nạn buôn người.

Luật vẫn thua lệ

Ở châu Âu, có một số quốc gia (gồm Thụy Điển, Pháp và Na Uy) trừng phạt khách mua dâm. Trong khi phần lớn quốc gia khác (gồm Đức, Áo, Hà Lan, Bỉ), luật cho phép hành nghề mại dâm nhưng trừng phạt những người chăn dắt mại dâm hoặc nữa là "làm ngơ" với nghề mại dâm.

Các nghiên cứu đã được công bố cho thấy ở những quốc gia cho phép kinh doanh tình dục người ta vẫn ghi nhận tình trạng buôn người tăng lên, vượt qua cả những hiệu quả của việc cải thiện điều kiện lao động cho người bán dâm. Một báo cáo của cảnh sát Hà Lan hồi năm 2010 cho biết việc hợp pháp hóa nghề mại dâm chỉ có lợi cho bọn chăn dắt. Tổ chức Cảnh sát châu Âu Europol cũng đã khuyến cáo với Quốc hội châu Âu rằng nạn buôn người đã đặc biệt tăng lên ở những quốc gia cho phép kinh doanh tình dục và không trừng phạt những kẻ chăn dắt.

 

N.QUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp