Người lao động nghe tư vấn thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Khánh Hòa - Ảnh: MINH CHIẾN
Có thể thấy, những người lao động tự do là những người dễ rơi vào cảnh túng quẫn nhất trong thời điểm này.
Nghỉ việc, không trợ cấp
Trong căn phòng trọ vỏn vẹn 12m² nằm trên đường Bùi Đình Túy (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), ông Nguyễn Nam Thành (60 tuổi) chưa bao giờ cảm thấy ngột ngạt như thời điểm này, bởi đã 2 tháng trôi qua ông thất nghiệp trong khi tiền nhà chớp mắt đã tới hạn.
Ông Thành làm tài xế cho một công ty du lịch, chuyên chở khách quốc tế từ sân bay Tân Sơn Nhất. Ông Thành nhận xe chạy khoán cho công ty theo kiểu "lời ăn lỗ chịu", nên từ ngày tạm nghỉ việc đến nay, ông không nhận được bất kỳ khoản trợ cấp nào.
Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Lực (23 tuổi) - đầu bếp làm việc tại một nhà hàng ở quận 1 - cũng rơi vào cảnh thất nghiệp hơn hai tuần nay.
Ráng ở lại TP.HCM để chờ qua mùa dịch nhưng với tình cảnh hiện nay, anh Lực cũng chẳng biết ngày nào nhà hàng mới mở cửa. Nghỉ việc không có thu nhập, không có tiền trợ cấp hay hỗ trợ từ doanh nghiệp nên số tiền trọ gần 3 triệu với chàng trai trẻ này trở nên rất bức bí.
Tìm đến văn phòng giới thiệu việc làm ở bến xe Miền Tây, anh Châu Văn Thành (31 tuổi, quê Tiền Giang) đăng ký tìm việc làm mới sau khi nghỉ công việc ở một xưởng may.
Anh kể chủ xưởng cũng là người cùng quê thuê mặt bằng ở quận 10 và nhận may khoán balô, túi du lịch. Nhưng gần một tháng nay không còn hàng để làm nên phải trả mặt bằng.
Chỗ làm chỉ là xưởng may gia đình nhận may khoán bỏ mối ở các chợ, cửa hàng nhỏ nên anh không ký hợp đồng lao động và tất nhiên không được đóng bảo hiểm. Cách đây mấy ngày, anh đã phải "cắm" điện thoại để có tiền trả phòng trọ.
Cần tính toán để có ngân sách hỗ trợ
Ông Trần Đoàn Trung - phó chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM - cho biết đối với người có hợp đồng lao động bị mất việc do dịch bệnh, trước hết sẽ vận dụng các quy định của bảo hiểm thất nghiệp cũng như có sự hỗ trợ từ phía tổ chức công đoàn nếu là công đoàn viên.
Hiện nay, liên đoàn đang triển khai chương trình hỗ trợ, trong đó ưu tiên trợ giúp lao động nữ mang thai và nuôi con nhỏ, lao động có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo bị giảm thu nhập hoặc mất việc do dịch bệnh.
Đặc biệt, liên đoàn cũng đã hỗ trợ cho khoảng 742 giáo viên mầm non ngoài công lập thuộc các nghiệp đoàn giáo viên trên địa bàn TP với số tiền 1 triệu đồng và phần quà 200.000 đồng trích từ quỹ công đoàn.
"Tuy nhiên, với người lao động không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp hoặc không ký kết hợp đồng lao động, Chính phủ và thành phố cần tính toán để có ngân sách hỗ trợ tạm thời cho nhóm này trong thời gian chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh" - ông Trung đề xuất.
Người đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng cao
Sở LĐ-TB&XH tỉnh Khánh Hòa cho hay hiện vẫn chưa có thống kê cụ thể về số người lao động trên địa bàn tỉnh bị mất việc làm do dịch bệnh Covid-19.
Tuy nhiên, qua tiếp nhận hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp của Trung tâm dịch vụ việc làm (trực thuộc sở) thì từ đầu năm đến nay đã có hơn 3.600 người đăng ký.
Riêng từ đầu tháng 3 đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 1.800 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Tuy nhiên, đây chỉ là con số các lao động chính thức thôi việc, trong khi nhiều doanh nghiệp đang thực hiện chính sách tạm ngừng hoạt động hoặc cho nhân viên làm theo ca để giữ chân nhân viên. Như vậy vẫn có một lượng lớn lao động thời vụ, tự do cũng bị ảnh hưởng đến nguồn thu nhập, khiến cuộc sống rơi vào khó khăn.
Tương tự, Sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng cho biết tính đến nay số lao động bị thất nghiệp nộp hồ sơ là 4.437 người. Sở đã kiểm tra và ra quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng cho 2.406 người, đồng thời số lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm là 18.762 người.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận