Phóng to |
Một tiết học tiếng Anh của Trường tiểu học Trương Quyền, Q.3, TP.HCM theo chương trình tiếng Anh đề án - Ảnh: Như Hùng |
Từ đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” của Chính phủ, TP.HCM đã xây dựng đề án “Phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông và chuyên nghiệp giai đoạn 2011-2020” và bắt đầu từ năm học 2012-2013 dành cho học sinh phổ thông và chuyên nghiệp. Trong bài viết này, chúng tôi gọi tắt là tiếng Anh đề án.
Trong năm học 2012-2013 tại Q.10, địa phương được xem là có nhiều điều kiện thuận lợi cho việc triển khai dạy tiếng Anh đề án vì sĩ số học sinh ít (trung bình chỉ 30-40 học sinh/lớp, có trường chỉ 25 học sinh/lớp), hầu hết dạy 2 buổi/ngày..., có năm trường tiểu học gồm: Dương Minh Châu, Lê Đình Chinh, Bắc Hải, Tô Hiến Thành, Trí Tri thực hiện thí điểm chương trình. Trong đó trường ít nhất là một lớp 1 và nhiều nhất là bốn lớp 1 dạy chương trình này. Tuy nhiên, đến năm học 2013-2014, trong số bốn trường bắt đầu đưa chương trình tiếng Anh đề án vào dạy từ lớp 1 thì có ba trường giảm số lớp. Bà Đặng Thị Tuyết Lan, chuyên viên phụ trách tiểu học Phòng GD-ĐT Q.10, cho biết theo kế hoạch Trường TH Thiên Hộ Dương sẽ có một lớp, Trường TH Võ Trường Toản có ba lớp, Trường TH Triệu Thị Trinh có bốn lớp và Trường TH Trần Nhân Tôn có ba lớp nhưng chỉ mỗi Trường Trần Nhân Tôn giữ nguyên kế hoạch, ba trường còn lại chỉ còn 1, 2 lớp dạy, còn một nửa là chuyển hướng từ tiếng Anh đề án sang tiếng Anh tăng cường.
“Gánh” một ít cho có
Nhiều mức thu cho tự chọn, tăng cường Tùy theo kế hoạch thu, chi của các quận, huyện, các trường tiểu học có chương trình tiếng Anh tăng cường, tự chọn sẽ thu 50.000 -100.000 đồng/tháng/học sinh. Nếu học các chương trình này cộng thêm phần mềm hỗ trợ (như Phonic, Dyned...) hoặc kết hợp với các trung tâm ngoại ngữ, có giáo viên nước ngoài có thể cộng thêm 70.000 - 220.000 đồng/tháng/học sinh. |
Không như quận 10, nhiều quận huyện khác do “biết trước” tình hình là việc triển khai chương trình tiếng Anh đề án xuống các trường tiểu học sẽ khó khăn nên hầu hết đều “ấn” xuống, coi đây là một nhiệm vụ để đạt chỉ tiêu đến năm 2016 sẽ phủ hết các trường tiểu học trên địa bàn quận.
Năm đầu tiên áp dụng (năm học 2012-2013) thí điểm chương trình, quận Tân Bình đưa xuống chín trường hoàn toàn mới, chưa hề dạy tiếng Anh: “Chúng tôi không đưa chương trình tiếng Anh đề án về các trường tiểu học có tăng cường vì nếu chương trình về đây thì ai sẽ là người dạy thí điểm?”, một lãnh đạo Phòng GD-ĐT Q.Tân Bình bày tỏ. Năm học 2013-2014 này, trong số 13 trường tiểu học đã áp dụng chương trình tiếng Anh đề án của Q.Tân Bình, chỉ có hai trường mở được ba lớp tiếng Anh đề án, số còn lại mỗi trường chỉ có 1-2 lớp. Chia sẻ về vấn đề này, hiệu trưởng một trường tiểu học có chương trình tăng cường tiếng Anh cho biết trường nào cũng “gánh nghĩa vụ” một, hai lớp tiếng Anh đề án cho có làm, chứ “không trường nào thích... đề án” cả.
Có rất nhiều nguyên nhân khiến hầu hết các trường tiểu học có điều kiện tại TP.HCM không muốn triển khai chương trình tiếng Anh đề án, trong đó nguyên nhân chủ yếu là không được thu thêm phí, coi tiếng Anh như những môn học khác (toán hay tiếng Việt). Cân đối giữa việc mở lớp tiếng Anh đề án và tiếng Anh tăng cường trong các trường tiểu học của quận 10, bà Đặng Thị Tuyết Lan cho biết lộ trình thực hiện chương trình thí điểm ở các trường thì đảm bảo nhưng số lớp phải căn cứ vào nhu cầu và điều kiện của từng trường. Vì thế tại nhiều trường ở quận 10, số lớp tiếng Anh tăng cường vẫn chiếm ưu thế.
“Một vấn đề có ảnh hưởng ở đây, tiếng Anh tăng cường có một khoản thu, còn đề án thì các trường chỉ dạy như môn học bình thường. Đó là một điều mà nhà trường cũng muốn tổ chức để học sinh học tăng cường tiếng Anh”. Cũng theo quan điểm của bà Đặng Thị Tuyết Lan, các trường nên duy trì cân đối giữa tiếng Anh tăng cường và tiếng Anh đề án, vì tăng cường chỉ dành cho những học sinh có khả năng, học nâng cao, còn đề án có chức năng phổ cập. “Trong nhiều cuộc họp, tôi cũng nói nhiều rồi, có những học sinh khả năng không tốt nhưng vẫn theo lớp tăng cường, thế nên sức học các em đuối và dẫn đến đuối ở cả những môn học khác”, bà Lan nhấn mạnh.
Có thực mới vực được đạo
142 trường tham gia tiếng Anh đề án Thực hiện chương trình tiếng Anh đề án, năm học 2012-2013 toàn TP.HCM có 19.590 học sinh lớp 1 thuộc 142 trường tiểu học/494 trường tiểu học được học chương trình này, theo kiểu cuốn chiếu. (Năm học 2013-2014, đến học kỳ 2 các trường tiểu học mới lên danh sách chính thức học sinh lớp 1 học tiếng Anh đề án nên hiện nay chưa có số liệu). Chương trình tiếng Anh đề án ở bậc tiểu học được Sở GD-ĐT TP.HCM thiết kế 4 tiết/tuần với chuẩn “đầu ra” (hết bậc tiểu học) là A1 (Movers). (Nguồn: Sở GD-ĐT TP.HCM) |
Lý giải về những vấn đề trên, ông Đặng Văn An, nguyên hiệu trưởng Trường tiểu học Đặng Trần Côn, quận 4 (vừa về hưu cuối tháng 11-2013), cho biết: “Lớp học tiếng Anh đề án không thu tiền của học sinh - xét về khía cạnh nào đó, nó mang tính nhân văn rất hay. Tức là mọi học sinh được hưởng môi trường giáo dục như nhau.
Tuy nhiên, trong điều kiện giáo viên tiếng Anh khan hiếm như hiện nay thì đó là điều không tưởng”. Ông An phân tích: để tìm giáo viên tiếng Anh giỏi trong bối cảnh như hiện tại rất khó. Bởi không một cử nhân ngoại ngữ nào khi tốt nghiệp đại học lại muốn đi dạy với đồng lương khởi điểm hơn 2 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, yêu cầu đối với giáo viên tiếng Anh ngày càng cao: ngoài trình độ ngoại ngữ họ phải có năng khiếu giảng dạy, lòng yêu trẻ, sắp tới phải đi học bồi dưỡng để còn đạt chuẩn châu Âu, đạt chứng chỉ về phương pháp giảng dạy ngoại ngữ cho trẻ em...Vậy nhưng chỉ cần đi bán hàng cho người nước ngoài ở các shop thôi cũng thu nhập 8 triệu đồng/tháng rồi. Cũng theo ông An, chỉ những trường có mở lớp tiếng Anh tăng cường (tức là có thu học phí của học sinh) mới có điều kiện tuyển giáo viên cơ hữu đào tạo, bồi dưỡng cho họ và khi họ trở thành giáo viên giỏi thì cũng có kinh phí (trích từ học phí) để thực hiện chế độ đãi ngộ giáo viên tiếng Anh.
Từ những phân tích trên, thách thức đặt ra đối với ban giám hiệu các trường tiểu học trong bối cảnh hiện nay: chế độ lương cho giáo viên chưa được cải tiến, chính sách đối với giáo viên chưa thật sự hấp dẫn thì làm sao tuyển được giáo viên tiếng Anh giỏi? Một lãnh đạo Phòng GD-ĐT Q.Tân Bình cho biết năm nay khi đưa chương trình tiếng Anh đề án đến hai trường dạy chương trình tăng cường tiếng Anh thì Phòng GD-ĐT “phải làm công tác tư tưởng”. So với các giáo viên bình thường, giáo viên tiếng Anh được hưởng hai đầu lương (lương nhà nước tính theo hệ số như các giáo viên bộ môn khác và lương trích ra từ học phí của học sinh), khi dạy đề án chỉ còn một đầu lương (vì không thu học phí). Tại một số trường thu nhập của giáo viên có chiều hướng giảm.
Theo ông Nguyễn Quang Vinh, trưởng Phòng giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT TP.HCM, việc giảng dạy tiếng Anh đề án là một nhiệm vụ chính trị theo đề án 2020 của Chính phủ và đề án “Phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông và chuyên nghiệp giai đoạn 2011-2020” của UBND TP. TP đang phấn đấu đến năm 2020 sẽ không còn hình thức tiếng Anh tự chọn mà chỉ còn tiếng Anh tăng cường và tiếng Anh đề án. TP cũng đang nghiên cứu để thực hiện chế độ chính sách cho giáo viên dạy tiếng Anh như giáo viên trường chuyên: tức là được hưởng 70% phụ cấp lương, được tham dự các lớp tu nghiệp tại nước ngoài, các lớp tập huấn trong nước với chuyên gia giỏi... Tuy nhiên, theo nhiều giáo viên, chủ trương trên đã được lãnh đạo sở thông báo từ cách đây hai năm nhưng không hiểu sao đến thời điểm này UBND TP vẫn chưa thực hiện. Và hiện tại thu nhập của giáo viên tiếng Anh vẫn trồi sụt theo mức thu học phí của học sinh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận