Gần 80km sông Đăk Mi nằm phía dưới đập thủy điện Đăk Mi 4 đoạn chảy qua huyện Phước Sơn và Nam Giang (Quảng Nam) hoàn toàn khô kiệt nước vì bị chặn dòng chảy Ảnh: Đ.Nam |
Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 2-2014 của Bộ TN-MT, bộ này thông báo về hàng loạt vấn đề nhưng những câu hỏi chủ yếu tập trung về việc Đà Nẵng tính kiện Bộ TN-MT vì quy trình vận hành liên hồ chứa có thể khiến Đà Nẵng thiếu nước.
Đã gửi xin ý kiến hai lần
Phóng to |
Thứ trưởng Trần Hồng Hà - Ảnh: Nguyễn Khánh |
"Chúng tôi không thiên về lợi ích doanh nghiệp, không thiên về hạ nguồn, không thiên về thượng nguồn. Mà phải hài hòa. Cứ đòi hỏi cao quá, thiên về bên nào thì không khả thi. Ở đây không thể thiên lệch về bên nào được đâu..."
* Đà Nẵng đã nêu sẽ kiện Bộ TN-MT. Vậy đề nghị của Đà Nẵng đã được xem xét như thế nào, có kết luận chưa?
- Ông Hoàng Văn Bảy (cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước): Thời gian qua chủ đề này được quan tâm. Quy trình vận hành hồ chứa mùa cạn, lãnh đạo Bộ TN-MT đã chỉ đạo chúng tôi tập trung làm hai năm nay. Liên quan đến Đà Nẵng, quy trình vận hành hồ chứa lưu vực Vu Gia - Thu Bồn chúng tôi đã xây dựng dựa trên mục tiêu số một là đảm bảo yêu cầu sử dụng nước, sau đó mới là phát điện. Cái này Luật tài nguyên nước cũng đã quy định, nên hai năm qua lãnh đạo Bộ TN-MT, cục chúng tôi cùng các chuyên gia luôn bám chặt nguyên tắc này. Quá trình soạn thảo quy trình vận hành hồ chứa cũng đã được Bộ TN-MT thực hiện rất chặt chẽ, áp dụng quy trình như soạn thảo một văn bản quy phạm pháp luật. Tức cũng thành lập tổ soạn thảo, sau khi có dự thảo đã gửi xin ý kiến các bộ ngành, địa phương liên quan và cả thủy điện.
Quy trình vận hành lưu vực Vu Gia - Thu Bồn, chúng tôi còn gửi xin ý kiến đến hai lần. Trong hai năm, Cục Tài nguyên nước cùng các đơn vị trong bộ liên quan như Trung tâm Khí tượng thủy văn, Viện Thủy lợi, cùng các chuyên gia... đã hằng ngày nghiên cứu, phân tích, tính các phương án. Chưa nói các cuộc họp, riêng thảo luận chuyên môn đã không dưới 100 cuộc. Vấn đề là có 3-4 nhóm ý kiến. Chúng tôi phải nghiên cứu rất kỹ các phương án, nguồn nước có bao nhiêu, yêu cầu các bên. Kết quả, Quảng Nam nhất trí, Đà Nẵng có tiếp thu một phần, nhưng vẫn có ý kiến. Bộ Công thương cũng có ý kiến khác. Tất cả ý kiến đều đã được lắng nghe...
* Người dân Đà Nẵng rất quan tâm, đề nghị Bộ TN-MT trả lời cụ thể. Việc thủy điện Đăk Mi 4 chuyển dòng, cho nước đổ về Quảng Nam sẽ giúp giảm mức đầu tư? Thực tế mực nước 2,53m Đà Nẵng kiệt hoàn toàn vào mùa khô có đúng không?
- Thứ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà: Thời gian qua có nhiều thông tin về việc Đà Nẵng có ý kiến. Báo chí không thể ủng hộ mà không công bằng. Nếu có xung đột lợi ích, không thể vì Đà Nẵng mà để Quảng Nam thiệt. Một dự án Chính phủ đã phê duyệt, bằng vốn doanh nghiệp thì cũng là vốn của dân, nên cũng không thể để một nhà máy gánh hết thiệt hại. Báo cáo Bộ TN-MT sẽ đảm bảo trung thực, đưa ra phương án trên cơ sở khoa học để hài hòa lợi ích các bên, không để xung đột quá lớn. Chứ muốn tốt tất cả không được. Muốn riêng tốt cho Quảng Nam không được, tính riêng cho Đà Nẵng cũng không được... Phải tìm ra cơ sở khoa học để tốt nhất, sau đó chúng tôi sẽ trình Thủ tướng xem xét phê duyệt.
Còn mực nước 2,53m là đề xuất dựa trên tính toán, mô phỏng. Mực nước đó ở mùa khô có đảm bảo không, Bộ TN-MT sẽ phải bảo vệ trước Thủ tướng. Khi đó các bên như Đà Nẵng, các thủy điện... sẽ có ý kiến phản biện. Sau đó sẽ chỉ có một kết quả được thông qua, đó là: quy trình đảm bảo hài hòa lợi ích tốt nhất.
* Thế giới phản đối thủy điện chuyển dòng vì nó gây cuộc chiến nguồn nước. Tại sao VN lại cho phép?
- Ông Hoàng Văn Bảy: Thủy điện chuyển dòng như Đăk Mi đã được xây dựng từ trước khi có các nghị định quy định về vấn đề này như nghị định 112/2008, thủy điện An Khê - Knak cũng như vậy. Lúc đó Bộ Tài nguyên không có thẩm quyền. Sau khi có Luật tài nguyên nước, quản lý thủy điện chuyển dòng đặt ra rất chặt chẽ. Luật yêu cầu quản lý thủy điện chuyển dòng phải được đặt ra từ ngay khâu quy hoạch. Khâu vận hành cũng được quản lý. Những quy trình chuyển dòng sau khi có quy định đã chặt chẽ hơn.
- Thứ trưởng Trần Hồng Hà: Chuyển đổi dòng nước là vấn đề rất lớn. Luật quy định rất rõ vì liên quan đến cả hệ sinh thái. Trước đó chúng ta chưa hình dung được đây là vấn đề có tính thời điểm. Có hồ xây dựng thập kỷ 1970 thì lúc đó ta đã tính được đâu, nhưng nay ta đưa vào quản lý bài bản, hệ thống. Tuy nhiên, đa số hồ thủy điện hiện nay đều là thủy điện đa chức năng, vừa phát điện vừa có thể điều tiết lũ mùa mưa, điều tiết nước mùa cạn.
“Không thể thiên lệch về bên nào được đâu”
* Nhưng cán bộ chức năng của Đà Nẵng vẫn khẳng định không đồng tình. Bộ TN-MT có chuẩn bị phương án bị kiện?
- Thứ trưởng Trần Hồng Hà: Tôi không nghĩ Đà Nẵng và Bộ TN-MT có gì phải kiện cáo. Chúng tôi đã nhận được ý kiến của Đà Nẵng, bộ sẽ xem xét kỹ hơn để trình Thủ tướng. Đà Nẵng cũng chỉ là một ý kiến. Thực tế có nghe nói kiện nhưng chúng tôi chưa bao giờ nghe ý kiến chính thức của Đà Nẵng. Còn ý kiến chuyên gia, ai đó nói phải thận trọng. Tôi nghĩ đó là ý kiến cá nhân. Riêng Bộ TN-MT đang theo quy trình chặt chẽ.
Còn việc có chuẩn bị cho việc bị Đà Nẵng kiện không, tôi vẫn nghĩ sẽ phải làm để không bao giờ có chuyện kiện cáo đó. Bộ TN-MT là cơ quan tham mưu cho Thủ tướng, Thủ tướng sẽ quyết chứ không phải bộ quyết. Vẫn đang trong quá trình soạn thảo thì ý kiến khác nhau là đương nhiên, chúng tôi đang cùng Đà Nẵng phối hợp. Nếu số liệu bộ đưa ra và thực tiễn khác nhau, tôi tin Thủ tướng cũng yêu cầu điều chỉnh, ra quyết định rồi cũng phải điều chỉnh. Bộ TN-MT sẽ cố gắng hết sức và sẽ khách quan. Chúng tôi không thiên về lợi ích doanh nghiệp, không thiên về hạ nguồn, không thiên về thượng nguồn. Mà phải hài hòa. Cứ đòi hỏi cao quá, thiên về bên nào thì không khả thi. Ở đây không thể thiên lệch về bên nào được đâu...
- Thứ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Thái Lai: Bộ TN-MT không có lợi ích riêng nào. Chúng tôi có quản lý doanh nghiệp nào đâu. Các bạn hỏi chúng tôi chuẩn bị cho việc bị kiện ra sao, bộ có lợi ích nào ở đây mà kiện. Đăk Mi phá sản, Bộ TN-MT không có lợi gì. 1,7 triệu người dân Đà Nẵng thiệt hại, chúng tôi cũng quá đau xót. Phải cùng nhau tìm lời giải tốt nhất, vì nước có hạn, nhu cầu thì ngày càng cao. Mong báo chí tin tưởng các bộ đang hoạt động vì lợi ích nhân dân.
Nói tới Đà Nẵng, sao không nhắc đến Quảng Nam? * Đà Nẵng muốn đối thoại với Bộ TN-MT, liệu bộ có đáp ứng? - Ông Hoàng Văn Bảy: Đà Nẵng có ý kiến, chúng tôi hoàn toàn hoan nghênh. Bản thân chúng tôi từng đề nghị Đà Nẵng ngồi lại với chuyên gia của chúng tôi và ngành nông nghiệp để tính toán. Nhưng đồng chí ấy bận, không dự được. Quy trình vận hành hồ đang soạn thảo, chúng tôi rất lắng nghe, nhưng phải trên yêu cầu pháp luật, trên bình diện rộng. Nói Đà Nẵng nhưng sao không nhắc đến Giao Thủy, Quảng Nam? Những cái gì giúp làm tốt thì chúng tôi sẵn sàng làm việc với Đà Nẵng. |
_____________________
Ông Huỳnh Vạn Thắng - phó giám đốc Sở NN-PTNT TP Đà Nẵng:
“Cục Quản lý tài nguyên nước đã ngụy biện”
“Ngụy biện” là cụm từ mà ông Huỳnh Vạn Thắng - phó giám đốc Sở NN-PTNT TP Đà Nẵng - dùng để nói về cách trả lời của Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên - môi trường) liên quan đến việc xả nước sông Vu Gia trong dự thảo quy trình vận hành liên hồ chứa trong mùa cạn trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn mà cục này lập và đệ trình trước đó. (Cục này lấy mực nước 2,53m tại Ái Nghĩa, Đại Lộc, Quảng Nam làm cơ sở để các thủy điện - quan trọng nhất là Đăk Mi 4 - vận hành, xả nước về hạ lưu vào mùa khô).
Theo ông Thắng, mực nước 2,53m là mực nước mà sông Vu Gia đo được vào tháng khô kiệt nhất tại đoạn sông chảy qua Ái Nghĩa. Vậy nên không thể nói mốc 2,53m là mốc đã được “nghiên cứu, phân tích tính toán và cân nhắc”. “Đó chỉ là một cách lý giải ngụy biện mà Cục Quản lý nước nói mà thôi và TP Đà Nẵng sẽ bảo vệ quan điểm này cho đến cùng. Trước đó chúng tôi cũng đã gửi góp ý dự thảo này cho cả Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải nữa. Vậy nên hi vọng sự việc sẽ được giải quyết một cách hợp tình hợp lý” - ông Thắng tái khẳng định.
Cũng theo ông Thắng, nếu căn cứ vào mốc 2,53m để thủy điện Đăk Mi 4 vận hành xả nước vào mùa khô đúng như dự thảo quy trình vận hành liên hồ chứa trong mùa cạn trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn thì nguồn thu từ phát điện của thủy điện này theo tính toán được chỉ đạt chừng 80 tỉ đồng. Trong khi đó thiệt hại của cả vùng hạ lưu do khô hạn mà thủy điện này gây ra là không dưới 500 tỉ đồng, đó là chưa kể đến việc hơn 1,7 triệu dân (Đà Nẵng và một phần của tỉnh Quảng Nam) có nguy cơ đe dọa vì thiếu nước ngọt sinh hoạt. “Với những con số thống kê trên, tôi tin tưởng Chính phủ sẽ ủng hộ người dân vùng hạ lưu cũng như ủng hộ những kiến nghị của TP Đà Nẵng” - ông Thắng nói.
ĐĂNG NAM
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận