Phóng to |
Tiến sĩ Phạm Huyền cầm trên tay lá đơn xin thôi làm chủ nhiệm đề tài - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Tuy nhiên, việc “chia phần trăm” là một thực tế đã diễn ra từ lâu. Tuổi Trẻ trích đăng ý kiến của một số nhà khoa học.
* TS ĐINH MINH HIỆP (Phó GĐ Sở KH-CN TP.HCM):
Không hiểu sẽ quyết toán thế nào
Bộ Khoa học - công nghệ có thông tư 44 quy định rất rõ về định mức chi, tất cả các đề tài khi dự toán đều phải tuân thủ nghiêm ngặt thông tư 44. Các đề tài cấp Bộ, cấp tỉnh thành thì được trích 15 triệu đồng/năm chi phí điều hành quản lý của cơ quan chủ trì đề tài. Các khoản chi cho hội đồng đều có mục dự toán riêng gồm mục chi hội đồng cấp cơ sở, cấp thành phố..., tại mỗi cấp được chi bao nhiêu cho chủ tịch hội đồng, phản biện. Thông thường, một hội đồng nghiệm thu sẽ có chín người và chi phí cho hội đồng tối đa chỉ được 10-12 triệu đồng. Tại TP.HCM, quyết toán kinh phí phải theo khung, kiểm soát chi qua Kho bạc nhà nước, không thể muốn chi bao nhiêu thì chi. Với chuyện chi quản lý, chi khác lên đến 50% kinh phí đề tài thì tôi không thể hiểu được họ sẽ quyết toán như thế nào.
* GS.TS TRƯƠNG ĐÌNHKIỆT (Ủy viên ban chủ nhiệm chương trình y tế - chương trình nghiên cứu khoa học - công nghệ trọng điểm cấp TP (TP.HCM) giai đoạn 2011-2015):
Nếu là tôi, tôi cũng trả đề tài
Ngày trước, khi tôi còn làm đề tài nghiên cứu cấp nhà nước của ĐH Y dược thì khoản chi phí cho quản lý đề tài chỉ ở mức 10 triệu đồng/đề tài, thù lao nghiên cứu của chủ nhiệm đề tài khoảng 1 triệu đồng/tháng, chi phí hội thảo, hội nghị, kiểm tra, thẩm định... không quá 10 triệu đồng/ngày. Chi phí cho tiêu hao, khấu hao máy móc, vật tư hóa chất nghiên cứu đã chiếm 60%-70% kinh phí thực hiện đề tài, phần còn lại là thuê nhân công thí nghiệm, chi phí tài liệu, chi khác và các khoản chi này đều được dự trù trước và được kiểm tra minh bạch nên không thể có chuyện cơ quan chủ trì được lấy 50% kinh phí thực hiện đề tài. Cần xem lại cách hiểu 50% này là 50% của mục chi khác hay 50% kinh phí đề tài. Nếu tôi làm đề tài mà bị đòi 50% kinh phí đề tài cho các khoản chi quản lý, hội đồng, bảo vệ... thì tôi cũng trả lại đề tài.
* TS VŨ THANH QUANG(Bệnh viện Quân đội 108):
Ai cũng khổ
Thực tế, lâu nay tất cả các nhà quản lý và nghiên cứu khoa học ở VN đều đã nhận ra chính sách khoa học công nghệ hiện nay cần phải thay đổi. Nó không những làm khổ các chủ nhiệm đề tài, làm “oải” các nhà nghiên cứu mà còn làm các nhà quản lý rất mệt mỏi. Tôi cũng gửi lời chia sẻ thông cảm với ông giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển hội nhập khoa học và công nghệ quốc tế: trăm dâu đổ đầu tằm, mọi hoạt động của cơ quan đều phải nhìn vào kinh phí đã được xét duyệt của đề tài. Lễ, tết, nghỉ hè, nghỉ mát, hiếu, hỉ, các cháu học giỏi... nhìn vào đâu?
Tôi cũng hiểu được sự bất lực và lá đơn từ chức “chủ nhiệm đề tài” của TS Phạm Huyền: phải dùng nhiều cách để giải ngân, cảm giác mình là kẻ lừa dối, kinh phí thực chi cho nghiên cứu giảm một nửa hoặc chí ít cũng khoảng 30%. Với tình trạng đó, chất lượng các đề tài nghiên cứu rất khó đạt được tính mới, tính sáng tạo, tính tiên tiến. Song, đáng buồn hơn nữa khi một điều chắc chắn là các đề tài đều được nghiệm thu “thành công” và được liệt kê trong báo cáo tổng kết cuối năm.
* TS TRƯƠNG SĨ KỲ(nguyên nghiên cứu viên chính Viện Hải dương học Nha Trang):
Chuyện bình thường
Đọc bài viết “Chủ nhiệm đề tài tố bị gợi ý chia phần trăm” (Tuổi Trẻ ngày 25-12), tôi rất tâm đắc. Ở một số cơ quan, có quy chế riêng lấy 12% quản lý phí khi ký hợp đồng nghiên cứu khoa học với các địa phương, chủ nhiệm đề tài cũng phải chi ngược lại cho địa phương khoảng chừng ấy phần trăm. Như vậy, việc thất thoát 20-30% kinh phí nghiên cứu là chuyện bình thường. Ai chấp nhận cuộc chơi này thì tham gia, ai bất mãn vì sự vô lý này thì không có đề tài nghiên cứu. Nhưng làm khoa học mà không có đề tài thì coi như “chết” chắc. Cho nên cuối cùng, hầu hết các nhà khoa học cũng phải theo cái lệ bất thành văn này. Điều này dẫn đến hậu quả như thế nào?
Khi chi phần trăm, các chủ nhiệm đề tài không được ghi chính thức trong khi quyết toán nên phải làm hóa đơn hoặc chứng từ khống để thanh toán. Cứ thử tưởng tượng với đề tài 2 tỉ đồng, chủ nhiệm đề tài phải kiếm chứng từ khoảng 400-600 triệu đồng. Chúng tôi xem đây là sự dối trá trong thanh toán (có khi là phạm pháp), nhưng nếu dối trá được trong thanh toán thì cũng có thể dối trá trong số liệu khoa học. Vì nội dung khoa học đã đăng ký phải phù hợp với kinh phí đã được duyệt (dù phải trích phần trăm). Đấy là một trong những lý do chất lượng công trình nghiên cứu của nước ta khá thấp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận