10/03/2013 05:32 GMT+7

Không thể làm sách thiếu nhi chỉ để kinh doanh!

TÒA SOẠN
TÒA SOẠN

TT - Nhiều bạn đọc đã thốt lên như vậy sau khi Tuổi Trẻ phản ánh sách khoa giáo dành cho trẻ em chập chững vào lớp 1 lại in cờ Trung Quốc.

Không ít phụ huynh học sinh đã tỏ thái độ thất vọng, bức xúc và giận dữ khi Tuổi Trẻ chỉ ra từ quyển sách dịch: “Phát triển toàn diện trí thông minh cho trẻ” của Nhà xuất bản Dân Trí đến quyển “Bé làm quen với chữ cái” của Nhà xuất bản Đại Học Sư Phạm, do tác giả trong nước biên soạn đều... in cờ Trung Quốc! Thiếu trách nhiệm, cẩu thả, chỉ biết thu lợi trước mắt...là những cụm từ được nhiều người dùng khi nói về sai phạm không thể chấp nhận được nói trên.

Ở lứa tuổi chuẩn bị vào lớp 1, các em cần được giáo dục, xây dựng nền tảng đạo đức, tự tôn dân tộc và cốt cách của người Việt Nam một cách phù hợp, trong sáng nên không thể học những quyển sách dịch, sách “xào nấu” kiểu sách học vần mà in cờ Trung Quốc

biennhotcs@...

Bạn đọc có địa chỉ email tranquangpy@... viết: “Nhà xuất bản quá cẩu thả, quá thiếu trách nhiệm trong công tác biên soạn sách cho trẻ em. Có phải chỉ vì có lợi về mặt tài chính mà nhà xuất bản lờ đi mọi chuyện? Khi người đọc phát hiện thì họ chỉ xin lỗi và kiểm điểm là xong... Tôi đề nghị các cơ quan có chức năng cần thu hồi giấy phép của nhà xuất bản dạng này”.

Bạn đọc có địa chỉ email demen_doandi@... bức xúc: “Sáng hôm qua, rồi lại sáng nay đọc Tuổi Trẻ Online về vụ sách cho trẻ em VN in cờ Trung Quốc mà tức anh ách. Hôm qua thì nhà xuất bản đổ thừa “giữ nguyên bản gốc”, chấp nhận lừa người mua khi sách dịch mà lại nói là sách biên soạn theo chương trình của Bộ GD-ĐT. Còn sách “Bé làm quen với chữ cái” thì sao đây? Không lẽ sách học đánh vần cũng là sách dịch? Trong hai vụ này mà không xử được một ông/bà hay tổ chức nào cho ra hồn để làm gương thì tôi không chịu”.

Bạn đọc Suthatnh@... nhìn vấn đề bao quát hơn và cảnh giác mọi người rằng: “Từ chuyện đèn lồng, quả địa cầu, sổ tay, đến sách dạy trẻ em... cho thấy nhiều người đã không thấy rõ âm mưu thâm độc của Trung Quốc. Những sản phẩm trên tại sao không dùng của Việt Nam? Tại sao Việt Nam không sản xuất được? Sách dạy trẻ em tại sao các nhà giáo dục Việt Nam không biên soạn được mà phải dịch từ sách Trung Quốc? Đây là yếu kém của chúng ta, nhất là trong quản lý, định hướng, tuyên truyền cho dân mình”. Từ nhận định này Suthatnh@... đề nghị mỗi người chúng ta cần thận trọng trong sử dụng các sản phẩm của Trung Quốc như ta đã thận trọng trong sử dụng hoa quả Trung Quốc.

Nhiều bạn đọc cũng chỉ ra trách nhiệm của Bộ GD-ĐT trong chuyện này và cho rằng Bộ GD-ĐT dẫu không có chức năng thẩm định sách tham khảo nhưng phải phối hợp kiểm soát được loại sách này trên thị trường, nhất là khi các loại sách này thâm nhập phổ biến vào các trường học.

Bạn đọc có địa chỉ email simpleinlife@... còn cảnh báo về cách làm truyện tranh dễ dãi cho trẻ em: “Nhà tôi có mấy cháu nhỏ (dưới 6 tuổi) nên thỉnh thoảng tôi mua các truyện đọc kiểu truyện tranh cho các cháu xem tranh. Tôi thấy hiện nay hầu hết các dạng truyện này đều do các đơn vị mua bản quyền của các NXB Trung Quốc rồi dịch lại. Nói chung tôi thấy chất lượng giáo dục và cả giải trí của các truyện này rất sơ sài, chỉ được cái vẽ màu sắc lòe loẹt...”. Từ thực tế này, bạn đọc simpleinlife@... đề nghị Tuổi Trẻ nên làm loạt bài điều tra về tất cả loại sách dịch từ nguồn Trung Quốc, cả cho trẻ em và người lớn, ở tất cả các mảng từ giáo dục, giải trí...

Bạn đọc huynhmai1808@..., người có thâm niên công tác 25 năm tại một nhà xuất bản, cho rằng trong chuyện “Cổng trường cắm cờ Trung Quốc” dù liên kết hay không liên kết xuất bản, một bản thảo để có thể đưa vào sản xuất, in và phát hành thì phải được sự đồng ý bằng văn bản của Cục Xuất bản. Nếu quy trách nhiệm thì giám đốc NXB kiêm tổng biên tập phải là người đứng đầu (chịu trách nhiệm xuất bản). Nếu có phó giám đốc phụ trách tổng biên tập (chịu trách nhiệm nội dung) thì người này cũng phải chịu trách nhiệm. Tiếp theo là trưởng ban biên tập (hay trưởng phòng biên tập), biên tập viên nội dung, biên tập viên mỹ thuật - kỹ thuật, thứ nữa là người sửa bản in... “Cả một quy trình khép kín chặt chẽ mà vẫn để một lỗi nhạy cảm và bức xúc như vậy thì cả bộ máy xuất bản rất thiếu trách nhiệm. Cũng cần xem lại trách nhiệm của bộ phận lưu chiểu của Cục Xuất bản vì một quyển sách nộp lưu chiểu đã được kiểm tra không có gì sai phạm mới cho phát hành” - huynhmai1808@...

TÒA SOẠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp