31/07/2018 10:28 GMT+7

Không thể là bãi rác thế giới!

LÊ THANH
LÊ THANH

TTO - Hơn 26,4 triệu tấn phế liệu nhập về Việt Nam trong hơn hai năm qua. Đó là số liệu được Tổng cục Hải quan cho biết tại cuộc họp báo về công tác quản lý hải quan đối với phế liệu nhập khẩu tổ chức chiều 30-7.

Không thể là bãi rác thế giới! - Ảnh 1.

Các lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều trường hợp nhập rác thải về Việt Nam qua cảng Hải Phòng - Ảnh: KIM OANH

Điều đáng nói, theo ông Âu Anh Tuấn - cục trưởng Cục Giám sát quản lý hải quan Tổng cục Hải quan, tính đến nay số lượng container phế liệu nhập khẩu tồn đọng tại cảng Việt Nam lên đến hơn 5.000 container.

Không xác định được doanh nghiệp được phép nhập!

Trả lời báo chí về khó khăn phát hiện sai phạm nhập khẩu phế liệu nhập trong thời gian qua, ông Mai Xuân Thành - phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan - cho biết theo quy định của Bộ Tài nguyên - môi trường, để lấy 4-5 mẫu trong container xem lô hàng đó có đạt yêu cầu nhập khẩu hay không, hải quan phải mở tất cả các container. 

Nếu thực hiện đúng quy định thì sẽ không đủ chỗ để lấy mẫu giám định, sau khi lấy mẫu doanh nghiệp (DN) sẽ không thể xếp hết hàng vào container được.

Khó khăn thứ hai là không xác định được DN nào được Bộ Tài nguyên - môi trường cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất. 

Hiện nay cơ quan hải quan không có thông tin trên một cửa quốc gia, hải quan không đối chiếu được mà chỉ có chứng thực 1 bản sao giấy này và một bản photo lô hàng để kiểm tra thông quan.

Ông Nguyễn Khánh Quang, phó cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan, cho biết theo quy định cấp sở tài nguyên - môi trường cấp phép cho 1 DN được nhập phế liệu không quá 200.000 tấn/năm. Tuy nhiên, hàng về cảng rất nhiều. 

Thực tế có tình trạng DN làm giả giấy tờ để nhập khẩu phế liệu. Đến thời điểm này, Tổng cục Hải quan chỉ mới khởi tố 1 trường hợp là Công ty TNHH Đức Đạt (Ninh Bình) do làm giả các giấy tờ để nhập khẩu phế liệu.

Hải quan đang phối hợp trong ngành tiến hành rà soát, xác minh, thu thập chứng cứ đối với các DN nhập khẩu có dấu hiệu rủi ro, vi phạm như đăng ký kinh doanh tại 1 địa phương nhưng mở tờ khai tại nhiều nơi, cách xa địa bàn hoạt động. 

Song, để thu thập chứng cứ như việc mời lãnh đạo, người đại diện DN lên làm việc cũng rất khó khăn, hoặc tìm đến trụ sở họ cũng tránh né xác minh.

Về thực trạng gian lận trong khai báo nhập khẩu phế liệu, ông Tuấn cho hay nhiều trường hợp khai là phế liệu hay hàng đã qua sử dụng như bao tải dứa qua sử dụng, nhựa qua sử dụng... nhưng thực tế khi kiểm tra, lô hàng không đủ điều kiện nhập khẩu. 

Có lô hàng được DN khai là phế liệu thép nhưng khi kiểm tra thực tế gồm cả nhựa, gỗ, dầu mỡ...

Không thể là bãi rác thế giới! - Ảnh 2.

Cảng Cát Lái hiện vẫn tồn đọng hơn 2.200 container phế liệu nhập khẩu đã hơn 90 ngày chưa có doanh nghiệp nào đến làm thủ tục thông quan. Trong ảnh: container hàng hóa nhập khẩu về cảng Cát Lái (ảnh chụp chiều 30-7) - Ảnh: TỰ TRUNG

Sẽ kiểm tra thực tế 100% lô hàng

Về giải pháp khắc phục, theo ông Mai Xuân Thành, Tổng cục Hải quan kiến nghị Bộ Tài nguyên - môi trường cung cấp lên cổng thông tin một cửa quốc gia danh sách các DN được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, cấp giấy thông báo lô hàng nhập khẩu để kiểm tra thông quan.

Để ngăn chặn phế liệu nhập khẩu, ông Thành khẳng định hải quan sẽ kiểm tra thực tế 100% lô hàng. 

Đối với những container đã nằm ở cảng, nếu không đủ điều kiện nhập khẩu thì buộc phải tái xuất. Ngân sách không bỏ tiền ra xử lý, tiêu hủy.

Cơ quan hải quan thông báo cho các hãng tàu vận chuyển hàng hóa, DN kinh doanh cảng không được dỡ hàng xuống cảng đối với hàng hóa khai hàng hóa là chất thải. 

Hãng tàu vận chuyển hàng hóa đó ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. "Không để Việt Nam trở thành bãi rác của thế giới" - ông Thành nói.

Không thể là bãi rác thế giới! - Ảnh 3.

Hàng trăm container ứ đọng lâu ngày tại khu vực cảng Chùa Vẽ, TP Hải Phòng không có chủ nhận Ảnh: TIẾN THẮNG

Phế liệu nhập vào Việt Nam tăng đột biến

Theo Bộ Tài nguyên - môi trường, những tháng đầu năm 2018 nhu cầu nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu trong các ngành sản xuất chủ yếu là thép, giấy, nhựa và ximăng có xu hướng gia tăng mạnh.

Thống kê của bộ, tổng khối lượng phế liệu nhập khẩu năm 2017 đã tăng gấp đôi so với năm 2016, trong đó khối lượng sắt, thép, nhựa, giấy là những phế liệu có khối lượng tăng gấp 2-3 lần.

Đặc biệt, trong những tháng đầu năm 2018, khối lượng phế liệu nhựa nhập khẩu tăng đột biến, gần gấp đôi so với cả năm 2017.

Theo Tổng cục Môi trường, có hai nhóm nguyên nhân khiến cho khối lượng phế liệu nhập khẩu vào Việt Nam gia tăng.

Thứ nhất, từ đầu năm 2017 đến nay, kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh trong sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, thu hút đầu tư, do đó kéo theo nhu cầu sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất tăng cao.

Thứ hai, do tác động từ một số nước trong khu vực là thị trường lớn trong nhập khẩu phế liệu đã dừng nhập khẩu, dẫn đến việc nhập khẩu phế liệu vào một số nước tăng cao thời gian qua, trong đó có Việt Nam.

XUÂN LONG

Rao tìm chủ nhưng không ai đến

Ngày 30-7, đại diện Chi cục Hải quan khu vực 1, Hải quan TP.HCM, cho biết kể từ khi đăng tin rao tìm chủ nhân của hơn 530 container hàng, trong đó phần lớn là container hàng phế liệu, đến nay sau gần một tháng, việc xử lý container phế liệu tồn đọng tại cảng Cát Lái vẫn chưa có tiến triển khả quan.

"Vẫn chưa có DN nào đến nhận hàng. Trong khi đó, thời hạn để người đến nhận hàng là 60 ngày kể từ ngày thông báo lần đầu.

Trong 60 ngày kể từ khi thông báo, cơ quan hải quan phải đăng rao trên phương tiện đại chúng ít nhất 3 lần, nếu quá thời hạn trên các tổ chức, cá nhân không làm thủ tục hải quan liên quan thì đơn vị sẽ xử lý theo quy định" - đại diện Chi cục Hải quan khu vực 1 cho biết.

Việc truy tìm chủ các lô hàng này khó khăn vì thực tế một số nhà nhập khẩu phế liệu đăng ký địa chỉ kinh doanh không đúng với thực tế hoặc đã chuyển địa chỉ mà không cập nhật, một số đã lâu không làm thủ tục hải quan nên không liên lạc được với DN và khi gửi thư mời sẽ bị trả lại.

Trong khi đó, có tình trạng nhà nhập khẩu không có giấy xác nhận hoặc có giấy xác nhận quá hạn, đồng nghĩa không còn hiệu lực làm thủ tục hải quan nhưng vẫn liên hệ với các hãng tàu dùng danh nghĩa, giấy xác nhận của các DN khác để đóng hàng về Việt Nam, dẫn đến việc xác định chủ hàng đối với các container phế liệu cũng không chính xác tuyệt đối.

Ngoài ra, cơ quan hải quan cũng gặp khó với tình trạng dù không có giấy xác nhận, các nhà nhập khẩu lại thực hiện thủ tục chuyển đổi tên người nhận hàng cho các nhà nhập khẩu có giấy xác nhận còn hiệu lực để làm thủ tục.

Theo báo cáo của Cục Hải quan TP.HCM, tính đến giữa tháng 6-2018 có hơn 3.200 container phế liệu chưa làm thủ tục hải quan đang được lưu giữ tại các cảng biển TP.HCM, trong đó có hơn 2.200 container tồn đọng quá 90 ngày. Phần lớn hàng tồn đọng tại cảng Cát Lái.

Như Bình

Phế liệu gì, từ đâu tràn vào?

Theo các nguồn tin riêng của Tuổi Trẻ, phần lớn container nhựa phế liệu tồn đọng tại các cảng hiện nay là nhựa không đạt tiêu chuẩn nhập khẩu.

Đó là túi nilông các loại chưa qua làm sạch (là ve chai ở Việt Nam), nhựa cứng lẫn với linh kiện điện tử (do xay thiết bị điện tử nhưng không tách nhựa ra), đĩa CD, thiết bị điện tử giấu trong phế liệu nhựa...

Từ đầu năm 2018 Trung Quốc cấm nhập khẩu phế liệu nên phế liệu từ khắp nơi trên thế giới đã được các hãng tàu và DN dồn về các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Một điều đáng lưu ý là trước đây việc kiểm định hàng hóa trong container không chặt chẽ nên thông quan khá dễ, nay ngành hải quan siết chặt kiểm soát bằng việc cơ quan kiểm định của hải quan tham gia kiểm định nên các DN nhập khẩu phế liệu nhựa "án binh bất động", không đến mở tờ khai làm thủ tục thông quan vì lo ngại bị phát hiện, xử lý do nhập hàng cấm.

Phế liệu từ đâu tràn vào Việt Nam? Các nước xuất khẩu phế liệu sang Việt Nam nhiều nhất là Mỹ, Nhật, Anh, Hàn Quốc... Thậm chí một số nước láng giềng như Lào, Thái Lan, Singapore... cũng đẩy phế liệu sang Việt Nam rất nhiều.

Cũng theo điều tra của phóng viên Tuổi Trẻ, việc kinh doanh phế liệu nhựa thu siêu lợi nhuận nên một số DN xin giấy xác nhận đủ điều kiện bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu (giấy phép) đã nhập để bán cho các DN khác (không đủ điều kiện cấp phép).

Tình trạng DN có trụ sở ở các tỉnh phía Bắc và miền Trung như Hải Phòng, Hải Dương, Ninh Bình, Phú Yên... nhập rất nhiều lô hàng về các cảng tại TP.HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu khá phổ biến và bất thường.

Mới đây, phóng viên Tuổi Trẻ phát hiện một DN tại tỉnh Phú Yên có cơ sở sản xuất nhựa tái chế như... chuồng vịt, nhưng 7 tháng đầu năm 2018 đã nhập khẩu hơn 3,5 triệu kg nhựa phế liệu, phần lớn hàng cập cảng ở miền Nam.

Giấy phép và thông báo các lô hàng nhập khẩu do Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Phú Yên cấp làm căn cứ để hải quan cho thông quan.

Trong khi đó các DN được Bộ Tài nguyên - môi trường cấp phép nhập khẩu nhựa phế liệu thời hạn hai năm chỉ được vài chục ngàn tấn.

V.TR.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: "Phải tái xuất"

ha

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Trần Hồng Hà cho biết qua thực tế kiểm tra số container đang tồn đọng, có tình trạng nhiều lô hàng phế liệu vô chủ, tức là địa chỉ xuất khẩu ảo, địa chỉ nhận phế liệu cũng ảo.

Thậm chí có cả tình trạng gian lận thương mại, tẩy xóa hóa đơn, giấy tờ, khi cần bỏ lại không nhận phế liệu nhập về.

Nguy hại hơn, ngoài con đường nhập khẩu phế liệu, còn có hiện tượng buôn bán ngầm phế liệu đưa vào các làng nghề sơ chế, tái chế gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Trước mắt, theo ông Hà, không thể để tồn đọng số lượng lớn các lô hàng phế liệu chiếm tới 60% diện tích các cảng, vì vậy cần có những giải pháp tập trung để giải tỏa.

"Với số container phế liệu đang tồn đọng ở các cảng, việc giải quyết sẽ thực hiện theo đúng định hướng giảm bớt thủ tục, không làm khó DN.

Tuy nhiên, việc giải quyết phải rõ quan điểm, chỉ những lô hàng có chủ, có đủ giấy tờ mới cho giải phóng khỏi cảng, sau đó thực hiện quá trình hậu kiểm. Còn những lô hàng không đủ giấy tờ, bắt buộc phải để lại không cho đưa lên bờ và phải tái xuất" - ông Hà nói.

XUÂN LONG

Hải quan tìm cách ngăn chặn phế liệu bẩn nhập vào Việt Nam

TTO - Tổng cục Hải quan vừa có chỉ đạo cơ quan hải quan các địa phương các biện pháp nhằm ngăn chặn phế liệu, phế thải bẩn nhập vào Việt Nam.

LÊ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp