Khi vụ việc xảy ra, bà Hằng cũng từng xuất hiện trên một số tờ báo để nói về trách nhiệm và tiến độ xử lý vụ việc.
Trong khi mới đây, trưởng Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai lại ra thông cáo báo chí yêu cầu không được đề cập đến đại biểu Hằng. Trong đó đề nghị báo chí phải thông tin đúng “chủ thể” sai phạm là Nhà máy xử lý nước thải tập trung Khu công nghiệp Long Thành thuộc Công ty cổ phần Sonadezi Long Thành, vì đây chỉ là 1/23 công ty thuộc Tổng công ty Sonadezi mà bà Hằng đang là người đứng đầu.
Xin thưa! Không ai nhầm lẫn cả và báo chí càng không nhầm lẫn chuyện này. Xem lại hầu hết thông tin mà báo chí đưa về vụ này trong thời gian qua đều thấy nêu rõ đó là nhà máy xử lý nước thải thuộc Tổng công ty Sonadezi. Nghĩa là đơn vị sai phạm là một công ty trực thuộc của Tổng công ty Sonadezi.
Dân ta có câu “con dại cái mang”, lại có câu “mũi dại lái chịu đòn”, thì với tư cách người đứng đầu Sonadezi “mẹ”, bà Hằng không thể không liên quan. Rõ ràng xét về trách nhiệm người đứng đầu doanh nghiệp, bà Hằng phải là người chịu trách nhiệm cao nhất đối với người dân bị thiệt hại. Xét về tư cách đại biểu Quốc hội, bà Hằng càng phải có trách nhiệm hơn đối với cử tri ở địa phương. Thế nhưng đến nay, một lời xin lỗi đối với cử tri cũng không có.
Gần đây, khi các đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai tiếp xúc cử tri xã Tam An (nơi bị thiệt hại do vụ xả thải này), người dân đã chờ đợi bà Hằng có một lời xin lỗi họ sau nhiều tháng mòn mỏi chờ đợi bồi thường do ô nhiễm. Qua yêu cầu hết sức chính đáng này của người dân, cho thấy ngoài việc đòi bồi thường thiệt hại về vật chất, người dân còn đòi bồi thường “danh dự”. Từ chuyện đòi bồi thường vật chất và “danh dự” này cho thấy những người nông dân chỉ biết “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” đã nhìn thấy rõ bà Hằng phải có trách nhiệm ở hai vai: người đứng đầu doanh nghiệp và đại biểu Quốc hội. Hai trách nhiệm đó của bà Hằng là rất rõ ràng, làm sao dư luận lại không thể không được đề cập.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận