18/07/2022 09:04 GMT+7

Không thể để người dân tiếp tục bị đầu độc!

NGUYỄN TRÍ - DƯƠNG LIỄU
NGUYỄN TRÍ - DƯƠNG LIỄU

TTO - Nhiều chuyên gia phân tích và đề nghị phải có giải pháp để tránh việc người dân tiếp tục bị đầu độc sau khi Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM công bố gần 50% số mẫu rau quả, trái cây ở các chợ đầu mối xét nghiệm có dư lượng hóa chất.

Không thể để người dân tiếp tục bị đầu độc! - Ảnh 1.

Thanh tra Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM lấy mẫu thực phẩm tại chợ Bình Tây để kiểm nghiệm chất lượng - Ảnh: N.TRÍ

Hơn 40% mẫu hải sản phát hiện kim loại nặng, trong đó có nhiều mẫu vượt giới hạn cho phép, cá biệt có sản phẩm phát hiện dư lượng của 7 hoạt chất. Vẫn còn nhiều thông tin cần công bố rõ hơn.

Lại những vướng mắc cũ

Theo một chuyên gia trong lĩnh vực an toàn thực phẩm ở TP.HCM, các kim loại nặng, kháng sinh... tồn dư trong thực phẩm hầu như chỉ được phát hiện bằng phương pháp test chuyên sâu, còn test nhanh chủ yếu có tác dụng với các hoạt chất đơn giản như hàn the, formol... Do đó, việc lấy mẫu thực phẩm để test chuyên sâu tại các chợ được cơ quan chức năng "hầu như chỉ làm theo đợt" thì rất khó kiểm soát chất lượng thực phẩm.

Tuy nhiên, vị này cho rằng nhiều bất cập trong quy định cũng góp phần làm khó việc thanh tra, kiểm tra. Cụ thể, quy định đòi hỏi kết quả phân tích định lượng tại phòng kiểm nghiệm được chỉ định. Ngoài ra, chi phí lưu kho, xử lý tiêu hủy khi không xác định được chủ hàng... cũng là trở ngại.

"Số lượng phòng kiểm nghiệm được chỉ định hiện còn khiêm tốn khiến thời gian cho kết quả kiểm nghiệm lâu hơn, gây khó cho thanh tra, kiểm tra, đặc biệt thực phẩm tươi sống chịu áp lực với thời gian", vị này nhận định.

Theo TS Lê Văn Giang - nguyên phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), việc chỉ kiểm tra sản phẩm cuối mà không quản lý quy trình và chỉ kiểm tra sản phẩm đã ra thị trường sẽ không tránh khỏi những khó khăn. Theo ông Giang, trên thế giới nhiều nước thực hiện quản lý an toàn thực phẩm bằng quy trình. "Khi kiểm tra sản phẩm cuối cùng chỉ cần kiểm tra một vài sản phẩm, nếu không đạt chất lượng cả lô hàng đó hoàn toàn có thể bị loại bỏ. Chúng ta nên học hỏi việc quản lý an toàn thực phẩm như vậy", ông Giang nói.

Những thông tin thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm cần được tiến hành định kỳ, thường xuyên và công khai để cảnh báo cho người dân về vấn đề an toàn thực phẩm hiện nay.

TS Lê Văn Giang

Cần nhiều thông tin hơn

Trong khi đó, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Thế Đồng, phó chủ tịch Liên chi hội dinh dưỡng và thực phẩm TP.HCM, cho hay hoạt chất carbendazim (trị nấm), permethrine (thuốc trừ sâu) được sử dụng nhiều trong trồng trọt và bảo quản các loại hạt... Đặc biệt, thuốc trừ sâu thường bám dính lâu trên lá, thân nên khó bị rửa trôi. Người sử dụng rau, củ, quả nhiễm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt tỉ lệ cho phép có thể gây rối loạn chuyển hóa trong cơ thể, tiềm ẩn nguy cơ gây ung thư.

Với kháng sinh như ciprofloxacin, enrofloxacin... các chất này chủ yếu giúp phòng trị bệnh vật nuôi, tăng năng suất. Từ lâu nhiều quốc gia đã cấm tuyệt đối trong chăn nuôi, vì ăn thực phẩm có kháng sinh khiến cơ thể lờn thuốc, phát sinh chủng vi khuẩn mới, gây bệnh mới.

Với nhóm kim loại nặng trong hải sản thường do môi trường nước, đất và phổ biến nhất là chì, thủy ngân, adimi - đây là những chất độc, nếu tích tụ lâu dài trong cơ thể gây rối loạn chuyển hóa, thay thế chất khoáng cơ thể cần, suy giảm chức năng gan, thận.

Một chuyên gia từng tham gia quản lý an toàn thực phẩm cho rằng thông tin Ban quản lý an toàn thực phẩm TP công bố rất quý. Nhưng người dân băn khoăn: liệu có thể tạo nếp công khai ngay khi phát hiện, sao không công khai cụ thể tên đơn vị, cá nhân vi phạm? Cụ thể hơn hướng xử lý và ngăn chặn việc đầu độc người dân ra sao?

Kiểm tra định kỳ và công khai toàn bộ

Theo TS Lê Văn Giang, nếu chỉ kiểm tra theo xác suất như hiện nay thì kết quả mà Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM công bố cũng chỉ là tương đối chứ chưa phản ánh đúng thực tế tình trạng an toàn thực phẩm.

"Những thông tin thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm cần được tiến hành định kỳ, thường xuyên và công khai để cảnh báo cho người dân về vấn đề an toàn thực phẩm hiện nay", ông Giang nói.

Theo PGS.TS Vũ Trọng Khải - chuyên gia nông nghiệp, TP.HCM cần tăng cường khâu liên kết, kiểm tra từ gốc. Cụ thể, TP nên đẩy mạnh kết hợp với các tỉnh có nguồn cung thực phẩm lớn như Đồng Nai, Lâm Đồng, Tiền Giang... để triển khai các chuỗi sản xuất thực phẩm an toàn, hữu cơ với quy mô lớn hơn thông qua ký kết với doanh nghiệp, hợp tác xã... và đưa thẳng hàng hóa đến nơi tiêu thụ, thay vì vào chợ. Ngoài ra, cần xem lại quy trình hoạt động tại chợ đầu mối để cải thiện chất lượng hàng hóa.

"Không hẳn là cái "chợ" theo nghĩa đen, mà chợ đầu mối có thể xem xét mở thêm kênh trung chuyển hàng chất lượng, có thương hiệu, mà ở đó hàng hóa được mua bán thông qua các chứng nhận, thậm chí được tổ chức đấu giá để cải thiện chất lượng, giá trị", ông Khải đề xuất.

Sớm loại bỏ thêm các loại thuốc độc

Trong khi đó, theo một chuyên gia nông nghiệp, việc quản lý thuốc bảo vệ thực vật hiện vẫn thiếu chặt chẽ. Theo đó, từ năm 2017 đến nay, Bộ NN&PTNT đã loại bỏ nhiều hoạt chất như carbendazim, paraquat, 2,4D... Tuy nhiên, hiện vẫn còn tình trạng nhập lậu thuốc bảo vệ thực vật và vẫn có lượng lớn hoạt chất có độc tính cao, gốc hóa học khó phân hủy... còn cho sử dụng như nhóm thuốc trừ cỏ atrazine, acetochlor; nhóm thuốc kháng sinh erythromycin, gentamicin sulfate...

Ngoài ra, quản lý kinh doanh phụ gia vẫn còn nhiều bất cập do chưa có quy định phân biệt với quản lý hóa chất công nghiệp, khiến hóa chất dễ trà trộn vào thực phẩm.

"Bên cạnh ý thức người sản xuất, thương lái, việc quản lý trong kinh doanh, nhập khẩu thuốc vẫn còn nhiều lỏng lẻo, chưa quyết liệt. Không thể bắt người tiêu dùng phải "thông minh" mãi được, đây là trách nhiệm của cơ quan đầu ngành, phải nhanh chóng loại bỏ nhiều hơn nữa các chất độc được phép sử dụng trong sản xuất", vị này đề nghị.

Nhiều chất độc

z3573752310043_1c68c7c5e097f8d84ac33468c5ed0c3d 1(Read-Only)

Cần tăng kiểm soát từ gốc để cải thiện chất lượng nông sản về chợ tại TP.HCM - Ảnh: N.TRÍ

Trao đổi với Tuổi Trẻ về kết quả kiểm tra của Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - nguyên giảng viên Viện công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội - cũng cho rằng những hoạt chất được phát hiện như carbendazim (trị nấm), hoạt chất permethrine (thuốc trừ sâu), hoạt chất cypermethrine, hoạt chất imidacloprid, hoạt chất chloramphenicol, ciprofloxacin và enrofloxacin đều gây ảnh hưởng đến sức khỏe khi sử dụng.

"Ví dụ hoạt chất ciprofloxacin có thể gây buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau đầu, đau dạ dày, xét nghiệm chức năng gan bất thường, triệu chứng vàng da, vàng mắt. Tuy nhiên, tình trạng nhiễm độc hóa chất bảo vệ thực vật, cũng như mức độ độc hại còn tùy theo loại hóa chất và liều lượng dùng ít hay nhiều và thời gian cách ly dài hay ngắn", PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh lưu ý.

Trả lời về việc hiện người dân sử dụng các máy khử ozone trong sục rửa thực phẩm trước khi sử dụng với mong muốn khử khuẩn, làm sạch hóa chất bảo vệ thực vật liệu có tác dụng với các chất trên, theo TS Thịnh, chưa có bằng chứng khoa học nào khẳng định rằng khử ozone có thể giúp làm loại bỏ các hóa chất bảo vệ tồn dư trong thực phẩm.

"Máy khử ozone có thể làm sạch các vi khuẩn bám trên bề mặt thực phẩm chứ không có tác dụng loại bỏ hóa chất", TS Thịnh nói.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai, người dân nên lưu ý những triệu chứng khi ngộ độc thuốc bảo vệ thực vật như: buồn nôn, nôn nhiều ra thức ăn. Sẽ tiêu chảy dữ dội: gặp khi ngộ độc phospho hữu cơ, nereistoxin và tiêu chảy ra máu tươi gặp trong ngộ độc pereistoxin.

Ngoài ra, có thể xuất hiện các biểu hiện về thần kinh như lơ mơ, hôn mê, co giật, liệt cơ, thậm chí là tụt huyết áp, suy hô hấp thường gặp trong các ngộ độc hóa chất bảo vệ thực vật nặng.

Bác sĩ Nguyên cho rằng để hạn chế tình trạng ngộ độc hóa chất bảo vệ thực vật, người dân cần không lạm dụng hóa chất bảo vệ thực vật trong trồng trọt, thu hái đúng thời gian cách ly sau phun thuốc (bình quân 20 - 25 ngày trở lên). Người sản xuất nông nghiệp lưu ý chỉ sử dụng các loại hóa chất bảo vệ thực vật trong danh mục, có hiệu quả cao đối với sinh vật gây hại nhưng ít độc đối với người và động vật.

DƯƠNG LIỄU

Thực phẩm chợ đầu mối: Rờ đến đâu thấy rầu đến đó Thực phẩm chợ đầu mối: Rờ đến đâu thấy rầu đến đó

TTO - Gần 50% số mẫu rau quả, trái cây ở các chợ đầu mối xét nghiệm có dư lượng hóa chất, hơn 40% mẫu hải sản phát hiện kim loại nặng, trong đó có nhiều mẫu vượt giới hạn cho phép, cá biệt có sản phẩm phát hiện dư lượng của 7 hoạt chất.

NGUYỄN TRÍ - DƯƠNG LIỄU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp