07/08/2011 10:45 GMT+7

Không thể để mất những cánh rừng trăm năm

ĐỨC TUYÊN - HÀ MI
ĐỨC TUYÊN - HÀ MI

TT - Ngày 6-8, các nhà khoa học thuộc Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật VN, Hệ thống sông ngòi VN cùng các viện trường đã có buổi đi thực địa tại khu vực dự kiến xây dựng thủy điện Đồng Nai 6.

UbeRknqj.jpgPhóng to
Các nhà khoa học cùng nhà đầu tư thủy điện Đồng Nai 6, 6A đứng trước một gốc sung cổ thụ - Ảnh: Đ.Tuyên

Đây cũng là chuyến đi khảo sát để các nhà khoa học có cái nhìn khách quan trước khi bước vào hội thảo “Quản lý tổng hợp rừng đầu nguồn và tài nguyên nước sông Đồng Nai - cụ thể đối với hai dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A” do Hội Khoa học và kỹ thuật VN cùng phối hợp với Hệ thống sông ngòi VN tổ chức tại vườn quốc gia Cát Tiên trong ngày 7-8.

Thủy điện Đồng Nai 6, 6A: Vẫn đang xem xét

Suốt từ năm 2009 trở lại đây, Bộ Công thương đã đình chỉ 38 dự án thủy điện nhỏ không hiệu quả, ảnh hưởng lớn tới môi trường. Riêng thủy điện Đồng Nai 6 và 6A dư luận nêu chúng tôi mới đang xem xét. Dự án này có sử dụng 137,5ha vườn quốc gia Cát Tiên. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đang xem xét, Chính phủ có thể xem xét lại. Hiện chưa phê duyệt dự án này.

(Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng phát biểu tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII)

Gần 50 đại biểu sau chuyến đi thực địa dường như đều có chung nhận xét: chưa kể những tác động đến hệ sinh thái của hai dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A có thể gây ra cho vườn quốc gia Cát Tiên, chỉ tính tới việc mất hàng trăm hecta rừng khi hai dự án này được xây dựng thì đó đã là điều quá đáng tiếc.

Đánh giá ngay sau chuyến đi, TS Lê Anh Tuấn phát biểu: “Trong báo cáo đánh giá tác động môi trường của hai dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A, người ta cho rằng khu vực rừng bị mất khi xây dựng hai thủy điện này là rừng hỗn giao, không có loài động thực vật nào cần được bảo vệ là sai. Thực tế từ chuyến đi thực địa đã cho tôi thấy đây là cánh rừng có tuổi đời hàng trăm năm. Nếu để cánh rừng này mất đi chúng ta sẽ có tội với thế hệ con cháu mai sau”.

Trong chuyến đi này, TS Vũ Ngọc Long - phó viện trưởng Viện Sinh học nhiệt đới (Viện Khoa học kỹ thuật VN) - cũng đã phát hiện loài thực vật mới như loài hoại sinh chưa được công bố trên thế giới và nhiều loài khác nữa chưa được định danh.

Trong khu vực dự kiến xây dựng thủy điện Đồng Nai 6, 6A còn có loài lan rất quý hiếm. Ngoài ra trong khu vực có các loài cây gỗ rất to thuộc họ bằng lăng, họ đậu, họ dầu, họ đào lộn hột và rất nhiều loài đặc hữu mà không nơi nào trên thế giới có được ngoài vùng rừng của tỉnh Đồng Nai. “Nếu đánh giá về mặt đa dạng sinh học thì đây là cánh rừng không hề nghèo nàn như người ra nghĩ mà nó rất giàu về mặt môi trường” - TS Long nói.

Riêng TS Đào Trọng Tứ - cố vấn Mạng lưới sông ngòi VN, nguyên phó tổng thư ký Ủy hội sông Mekong - cho rằng: “Khi hai dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A tích nước thì thủy điện Trị An sẽ bị thiếu nước nên khó có thể chạy hết công suất được. Đó là một điều rất lãng phí” - TS Tứ cảnh báo.

Tại hội thảo diễn ra hôm nay, các nhà khoa học đem ra mổ xẻ các vấn đề đang nóng của hai dự án này.

Hội thảo có sự tham gia của đại diện Tập đoàn Đức Long Gia Lai - chủ đầu tư hai dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A. Ngoài ra, Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam - đơn vị làm báo cáo đánh giá tác động môi trường cho hai dự án thủy điện này - cũng đăng ký tham gia.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

ĐỨC TUYÊN - HÀ MI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp