29/12/2014 11:00 GMT+7

​Không thể để dân sống như thế

ĐOÀN CƯỜNG
ĐOÀN CƯỜNG

TT - Có lẽ sẽ khó có một công trình nào có thời gian phê duyệt,  thi công nhanh như đại thủy nông Phú Ninh, nhất là với một công trình tầm cỡ như vậy...

Lực lượng thanh niên tại lễ khởi công - Ảnh tư liệu
Lực lượng thanh niên tại lễ khởi công - Ảnh tư liệu

37 năm trước, để giải cứu cho 23.000ha đất nông nghiệp bị chết khát, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng đã quyết định xây dựng đại thủy nông Phú Ninh - công trình thủy nông lớn nhất miền Nam lúc bấy giờ.

Để làm nên đại công trình ấy, hàng vạn thanh niên, dân công ... đã xung phong lên đường góp hơn 18,5 triệu ngày công. Một đại công trình lịch sử (giúp gần 1 triệu dân thoát khỏi cảnh thiếu ăn) chủ yếu được làm bằng sức người với hai bàn tay và đôi vai...

Để xây dựng đại thủy nông Phú Ninh, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng phải liên tục “cãi” lại các bộ ngành trung ương. Và điều thú vị nhất là khi bắt tay vào làm thủy nông Phú Ninh, người ta phát hiện từ 40 năm trước người Pháp cũng đã nhen nhóm ý tưởng làm đại công trình này.

Việc đầu tiên là phải... cãi

Đoàn biệt phái ra hồ Kẻ Gỗ

Theo ông Nguyễn Văn Bá, để chuẩn bị việc ra đời thủy nông Phú Ninh, đầu năm 1977 tỉnh cử bảy cán bộ lên đường ra hồ Kẻ Gỗ (Hà Tĩnh) để học cách xây hồ. “Chúng tôi chỉ là những người lính, mới từ rừng rú về nên phải đi học lại từ đầu” - ông Bá kể. Đoàn cán bộ biệt phái mỗi người phải nhận một trọng trách được giao. Người được giao phụ trách kỹ thuật, người học cách tổ chức đời sống, trị an, di dân... Sau ba tháng “nằm vùng”, đoàn biệt phái về lại Quảng Nam - Đà Nẵng. Lúc này tỉnh ủy quyết định thành lập Ban chỉ đạo công trình Phú Ninh do ông Phạm Đức Nam - phó chủ tịch UBND tỉnh - làm trưởng ban.

Ngày hòa bình lập lại, người ta từng ví những cánh đồng của Quảng Nam - Đà Nẵng là những cánh đồng “trắng”, những “hoang mạc” không có sự sống.

Cố phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng Phạm Đức Nam nói rất sinh động: “Thiếu nước cho cây trồng, thiếu nước uống cho người và súc vật. Đàn gia súc phải di tản trong mùa hè vì thiếu nước. Cả làng phải nhường nhịn, phân phát nhau từng gầu vì thiếu nước. Có nơi như Tam Hòa phải đi xa đến 5-7 cây số để mua một gánh nước”.

Vì thế, Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng đã họp và ra nghị quyết phải xây dựng đại thủy nông Phú Ninh để “chống cháy” cho Tam Kỳ, Thăng Bình, Núi Thành, Quế Sơn, Duy Xuyên.

Ông Nguyễn Văn Bá (90 tuổi) - nguyên phó ban chỉ huy công trình Phú Ninh - chia sẻ rằng để xây dựng Phú Ninh, những lãnh đạo của Quảng Nam - Đà Nẵng thời đó phải “cãi” rất nhiều.

Không chỉ Quảng Nam mà nhiều nơi khác cũng muốn làm một công trình thủy lợi. Nhưng Quảng Nam-Đà Nẵng chọn đúng “điểm rơi”.

“Lãnh đạo tỉnh đặt vấn đề: chẳng lẽ hòa bình thống nhất rồi nhưng cuộc sống người dân vẫn như thế, vẫn đói khát...” - ông Bá hồi tưởng.

Nhấp ngụm trà, ông Bá chậm rãi kể “chướng ngại vật” đầu tiên: “Khi mũi khoan thăm dò găm vào lòng đất giữa lòng hồ Phú Ninh và rút lên, bám xung quanh là màu óng ánh kim loại, Bộ Công nghiệp kết luận vùng này rất giàu khoáng sản nên có ý kiến đề xuất không nên làm thủy lợi, mà nên phát triển công nghiệp nặng, khai khoáng”.

Bí thư Tỉnh ủy Hồ Nghinh “cãi” lại: “Ngay lúc này người dân cần lúa, cần lương thực trước đã. Mục tiêu duy nhất lúc này là thủy lợi, là nông nghiệp. Phải có Phú Ninh mới chế ngự được lũ, có nước tưới cho đồng ruộng”.

Nhắc lại những ngày tháng cam go này, ông Lê Trí Tập (nguyên kỹ sư của Ty Thủy lợi Quảng Nam - Đà Nẵng) nhớ lại: “Lãnh đạo Quảng Nam - Đà Nẵng nhiều lần ra Hà Nội thuyết phục và cũng vấp phải rất nhiều ý kiến phản đối. Người ta cho rằng công trình quá lớn, Nhà nước phải đảm đương chứ mình Quảng Nam không kham nổi, trong khi điều kiện kinh tế mới giải phóng xong còn kiệt quệ”.

Giữa lúc tranh cãi chưa phân thắng bại thì xuất hiện một hồ sơ của Pháp đang lưu tại lưu trữ T.Ư khẳng định ở Phú Ninh có suối nước khoáng đến 60 độ C, các mẫu nước xét nghiệm có hàm lượng khoáng chất rất tốt cho sức khỏe.

Vì thế, nếu làm Phú Ninh sẽ mất nguồn nước khoáng quý này. Từ đó Bộ Y tế đề nghị phải dừng dự án này lại.

Ông Phạm Đức Nam với giọng Quảng đặc sệt nói: “Không biết bao giờ uống được nước nớ, mà sống bằng việc sản xuất lúa ra ăn ngay bây giờ. Cho nên thôi, tạm thời không uống nước khoáng cho bổ, khỏe để trồng lúa ăn, sống cái đã”.

Nói là vậy nhưng các kỹ sư vẫn được lãnh đạo tỉnh bật đèn xanh âm thầm tìm kế sách giữ lại nguồn nước khoáng cho con cháu ngày hôm nay...

“Không làm tròn nhiệm vụ, chết không nhắm mắt!”

Có lẽ sẽ khó có một công trình nào có thời gian phê duyệt và thi công nhanh như đại thủy nông Phú Ninh, nhất là đối với một công trình tầm cỡ như vậy.

Ông Lê Trí Tập nhớ lúc bấy giờ ngoài Hà Nội đánh điện vào báo ngày 25-3-1977, Thủ tướng “duyệt rồi”, và chỉ sau đó bốn ngày, lúc 8 giờ ngày 29-3-1977, đúng dịp kỷ niệm hai năm giải phóng Quảng Nam - Đà Nẵng, 29 phát mìn vang dội báo hiệu ngày khởi công đại thủy nông Phú Ninh.

Từ đầu mối đèo Tư Yên, ông Hồ Nghinh - bí thư Tỉnh ủy, ông Hoàng Minh Thắng - chủ tịch và ông Phạm Đức Nam - phó chủ tịch UBND tỉnh, đã cuốc nhát đầu tiên để khởi công đại công trình. 

Để được Thủ tướng “duyệt rồi”, Quảng Nam phải đưa ra một báo cáo kỹ thuật. Nhưng cơ sở nào để có báo cáo này mới là vấn đề.

Theo ông Lê Trí Tập, nếu lúc đó mà không có tài liệu gốc của Pháp từng thiết kế công trình Phú Ninh là cơ sở ban đầu để làm thì năm 1977 chưa chắc đại thủy nông Phú Ninh có thể khởi công.

Ông Tập tiết lộ: “Năm 1933-1935, Pháp đã nghiên cứu thiết kế xây dựng hồ Phú Ninh cũng đúng vị trí hiện nay”.

Năm 1953, thường vụ tỉnh ủy cũng quyết định cho đắp đập tạm chặn sông Tam Kỳ ngay tại thác Mui rồi đào kênh vượt qua đèo Tư Yên để lấy nước tưới, nếu thành công thì hàng ngàn hecta đất được tưới, giải quyết được nạn đói lúc đó.

Thời điểm ấy, ông Hồ Nghinh cũng là “tư lệnh” của dự án này. Tuy nhiên, khi đào đến chân đèo Tư Yên thì gặp phải núi đá, dân công chỉ có cuốc xẻng nên đành thất bại. Tiếp đó, chính quyền thời tổng thống Ngô Đình Diệm cũng đào một con kênh từ thác Mun để tưới nước.

Có trong tay hồ sơ thiết kế của Pháp, Bộ Thủy lợi thấy có tài liệu vậy hay quá liền cử một đoàn của Viện Thiết kế Nha Trang cùng các kỹ sư thủy lợi của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng nghiên cứu. Nhưng không thể chỉ dựa vào thiết kế cũ, với khả năng chỉ tưới được 8.000ha, trong khi Quảng Nam cần con số gấp 3-4 lần như vậy.

Mặt khác đập chính mà Pháp thiết kế có khẩu độ ngắn, dựa vào hai bên núi để chặn dòng, trận lũ năm 1964 đã làm bờ phía nam bị tụt khiến những tảng đá xanh to khổng lồ lòi ra. Nếu làm trên nền cũ này nguy cơ vỡ đập rất cao.

Ông Tạ Huy (89 tuổi) - nguyên phó Ban tổng B Phú Ninh - còn nhớ các kỹ sư nhanh chóng bắt tay vào làm việc, phải thay đổi lại hoàn toàn thiết kế cho phù hợp với thực tế. “Pháp thiết kế xây dựng bằng bêtông dựa vào hai bên vách núi. Còn mình do điều kiện nghèo nàn phải xây dựng bằng đất, phủ hai bên bằng bêtông. Điều này cũng phù hợp với thi công bằng công cụ thô sơ, tay chân”.

Ông Lê Trí Tập nhớ lại: “Cả Quảng Nam chỉ có năm kỹ sư thiết kế, sáu trung cấp khảo sát địa hình, địa chất, vài sơ cấp kỹ thuật... phải khảo sát thiết kế với gần 500km kênh, hơn 400 công trình trên kênh.

Trong tay không có bình đồ khu tưới và cũng chưa có số liệu cơ bản từ kênh chính...Thật là quá sức! Tỉnh đưa ra chủ trương thiết kế đến đâu làm đến đó. Tinh thần thiết kế là tốc chiến tốc thắng và hiệu quả”. Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cũng “tuyên thệ”: “Ai không làm tròn nhiệm vụ Phú Ninh, người đó chết không nhắm mắt”...

________

Kỳ tới: Ra đi vì Phú Ninh

ĐOÀN CƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp