03/07/2023 11:24 GMT+7

Không thể để 'chảy máu' đất hiếm

Việt Nam có trữ lượng đất hiếm lên tới khoảng 22 triệu tấn, được đánh giá có tiềm năng đất hiếm lớn thứ hai thế giới, có thể phát triển ngành công nghiệp đất hiếm mang lại giá trị lớn cho phát triển đất nước.

Các bể lắng tại mỏ đất hiếm ở thôn Cánh Địa, xã Sơn Hải, huyện Bảo Thắng, Lào Cai "hoang tàn" sau thăm dò - Ảnh: PHẠM TUẤN

Các bể lắng tại mỏ đất hiếm ở thôn Cánh Địa, xã Sơn Hải, huyện Bảo Thắng, Lào Cai "hoang tàn" sau thăm dò - Ảnh: PHẠM TUẤN

Thế nhưng hiện nay đất hiếm chưa được quản lý chặt, tình trạng buôn bán trái phép vẫn đang diễn ra. Tình trạng đó vừa được Tuổi Trẻ phản ánh trong loạt bài điều tra "Buôn bán ngầm đất hiếm".

Trao đổi với Tuổi Trẻ, tiến sĩ Nguyễn Văn Nguyên, cục phó Cục Địa chất Việt Nam, cho rằng việc thiếu một chiến lược phát triển ngành công nghiệp đất hiếm phù hợp đã dẫn tới thực trạng doanh nghiệp có mỏ không có công nghệ chế biến đất hiếm. 

Trong khi đó, doanh nghiệp nắm công nghệ chế biến đất hiếm lại phải đi nhập quặng từ nước ngoài về chế biến. Và cần có chiến lược để xây dựng ngành công nghiệp chế biến đất hiếm, tránh tình trạng để đất hiếm "chảy máu" như hiện nay.

Ông Nguyễn Văn Nguyên

Ông Nguyễn Văn Nguyên

* Việt Nam được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá có trữ lượng đất hiếm hàng đầu thế giới, theo ông, tiềm năng đất hiếm của chúng ta thế nào?

- Phải khẳng định Việt Nam có tiềm năng lớn về đất hiếm các loại. Cục Địa chất Việt Nam đang được giao điều tra tổng thể đất hiếm ở khu vực Tây Bắc và trên toàn quốc. Đến nay, cục đang làm và sẽ có báo cáo dự kiến công bố vào năm sau.

Ở Việt Nam có nhiều mỏ đất hiếm nhưng đến nay chúng ta mới xác định, phê duyệt, công bố trữ lượng hai khu mỏ Đông Pao (Lai Châu) và Yên Phú (Yên Bái). Hai mỏ khác đã thăm dò nhưng chưa chính thức công bố trữ lượng là Bắc Nậm Xe (đã phê duyệt trữ lượng) và Nam Nậm Xe (chưa trình phê duyệt trữ lượng), vì đây là mỏ của các tập đoàn, tổng công ty. Bên cạnh đó, chúng ta cũng khai thác đất hiếm đi kèm với khai thác ti tan và cũng tìm thấy một số khoáng vật.

Nhìn chung tiềm năng đất hiếm của Việt Nam rất phong phú, có ở các nơi, tiềm năng lớn, vấn đề của chúng ta hiện nay là khó khăn về công nghệ khai thác đất hiếm. Vì vậy, rất cần một chiến lược quốc gia thúc đẩy nghiên cứu công nghệ chế biến, khai thác tài nguyên khoáng sản đất hiếm để phục vụ phát triển kinh tế đất nước. 

Qua điều tra thời gian qua, có nhiều phát hiện mới về tiềm năng đất hiếm. Khai thác đất hiếm không khó, vấn đề là công nghệ chế biến để ra được sản phẩm theo yêu cầu của các bộ, ban, ngành.

Là người trực tiếp chỉ đạo điều tra tổng thể đất hiếm, tôi thấy rất lạc quan về tiềm năng đất hiếm của Việt Nam.

Mẫu đất hiếm đã tuyển mà ông Hạnh (ở bản Tả Làn Than, phường Tân Phong, TP Lai Châu) “chào hàng” - Ảnh: QUANG THẾ

Mẫu đất hiếm đã tuyển mà ông Hạnh (ở bản Tả Làn Than, phường Tân Phong, TP Lai Châu) “chào hàng” - Ảnh: QUANG THẾ

(Số liệu Cục Khảo sát địa chất Mỹ công bố năm 2022) - Đồ họa: N.KH.

(Số liệu Cục Khảo sát địa chất Mỹ công bố năm 2022) - Đồ họa: N.KH.

* Vậy chúng ta có thể hình thành một ngành công nghiệp đất hiếm?

- Cục đang đề xuất với tỉnh Lai Châu, các bộ, ngành để khai thác thử nghiệm đất hiếm ở mỏ Đông Pao phục vụ mục đích thương mại. Một số doanh nghiệp có công nghệ chế biến đất hiếm đang phải nhập tinh quặng từ nước ngoài về để sản xuất, chế biến ra các sản phẩm ôxít đất hiếm, nguyên tố đất hiếm sau đó lại xuất đi. Vì thế họ muốn đầu tư khai thác quặng ở các mỏ trong nước nhưng đang vướng nhiều thứ.

Thế nhưng, vấn đề đặt ra với ngành công nghiệp đất hiếm hiện nay là doanh nghiệp có công nghệ chế biến lại không có mỏ, muốn nắm quyền khai thác mỏ các doanh nghiệp này phải chờ Chính phủ ban hành nghị định về đấu giá quyền khai thác mỏ khoáng sản trong thời gian tới. Dự thảo nghị định hiện đang trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt. 

Có nghị định về đấu giá quyền khai thác mỏ khoáng sản thì các doanh nghiệp có công nghệ chế biến đất hiếm có thể tham gia đấu giá quyền khai thác, chủ động được về nguồn nguyên liệu để chế biến các sản phẩm đất hiếm, và đặc biệt tránh được tình trạng "chảy máu" đất hiếm.

* Mới đây, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Viện Công nghệ xạ hiếm, Viện Nghiên cứu khoa học địa chất và khoáng sản Hàn Quốc và một số doanh nghiệp Hàn Quốc đã có buổi thảo luận về hợp tác trong lĩnh vực chế biến đất hiếm, ông có thể thông tin thêm về nội dung hợp tác giữa hai bên?

- Đoàn chuyên gia, doanh nghiệp Hàn Quốc vừa làm việc với các cơ quan, viện nghiên cứu phía Việt Nam có công ty có giấy phép sản xuất các thiết bị liên quan đến pin xe điện, tuốc bin điện gió, pin điện mặt trời. 

Các doanh nghiệp Hàn Quốc này đã đầu tư nhà máy ở Quảng Ngãi rồi, họ muốn tìm mua sản phẩm nguyên liệu (đất hiếm) đầu vào từ Việt Nam. Các nhà đầu tư Hàn Quốc trong đoàn không phải là nhà đầu tư thăm dò, chế biến đất hiếm, họ chỉ tập trung vào tiêu thụ sản phẩm đất hiếm sau chế biến.

Đất hiếm được cất giấu trong một thùng container ở Hải Phòng - Ảnh: QUANG THẾ

Đất hiếm được cất giấu trong một thùng container ở Hải Phòng - Ảnh: QUANG THẾ

Ông Lưu Anh Tuấn (giám đốc Công ty cổ phần Đất hiếm Việt Nam):

Công nghiệp đất hiếm mang lại giá trị lớn

Với công nghệ sản xuất đất hiếm, điểm mấu chốt là phân ly ra từng nguyên tố, nếu không phân ly từng nguyên tố thì không có ứng dụng đất hiếm. Hiện Công ty cổ phần Đất hiếm Việt Nam đã có nhà máy phân ly từng nguyên tố rồi, để chế biến nguyên liệu quặng thành nguyên tố đất hiếm, công ty đang có dự án hợp tác với Bộ Tài nguyên và Môi trường và một số doanh nghiệp. Về cơ bản chúng ta có thể làm chủ công nghệ phân ly quặng thành các nguyên tố đất hiếm, chỉ có điều thủ tục hành chính cấp phép hiện quá lâu.

Tiềm năng về đất hiếm của Việt Nam rất lớn, không phải chỉ có nguyên tố nhóm nhẹ, nhóm trung bình mà có cả nguyên tố đất hiếm nhóm nặng. Nhiều nguyên tố đất hiếm nhóm nặng có ở các mỏ như Yên Phú, Bến Đền và có thể khai thác ở quy mô công nghiệp.

Thời gian qua đã có đề tài mà bộ cấp phép để làm nguyên tố đất hiếm nhóm nặng rồi. Về tiềm năng đất hiếm của nước ta nếu như khai thác cả nhóm nặng và nhóm nhẹ thì cũng chẳng kém các nước tiên tiến trên thế giới. Thực tế Việt Nam đang có tiềm năng đất hiếm nhóm nặng lớn hơn nhiều nước trong khu vực như Myanmar, Lào.

Cũng cần thấy rằng việc Việt Nam xếp trong top các quốc gia có tiềm năng đất hiếm trên thế giới không quan trọng bằng việc phát triển ngành công nghiệp đất hiếm trong nước vì lượng đất hiếm tiêu thụ toàn cầu hằng năm chỉ khoảng 300.000 tấn, không nhiều. Nhưng giá trị kinh tế đất hiếm đem lại sẽ rất lớn nên nếu Việt Nam tập trung khai thác và phát triển ngành công nghiệp đất hiếm sẽ trở thành đối thủ rất lớn trên thị trường thế giới. Còn nếu so tiềm năng đất hiếm với nhu cầu sử dụng thì chúng ta khai thác cả trăm năm cũng chưa hết.

Công ty cổ phần Đất hiếm Việt Nam có thể sản xuất được đất hiếm nhưng quặng nguyên liệu đầu vào hiện nay phải nhập khẩu 100% từ nước ngoài vì không có mỏ đất hiếm để khai thác. Đây là một trong những khó khăn cản trở ngành công nghiệp đất hiếm phát triển.

Đại biểu Quốc hội TRƯƠNG XUÂN CỪ (nguyên phó Ban chỉ đạo Tây Bắc):

Cần quyết liệt bảo vệ đất hiếm

Qua điều tra của báo Tuổi Trẻ cho thấy có tình trạng đào trộm, buôn bán trái phép đất hiếm - một loại tài nguyên chiến lược, có thể tạo lợi thế phát triển của quốc gia. Việc khai thác, buôn bán trái phép này với số lượng lớn, giá trị cao.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã có yêu cầu rất rõ ràng về việc khai thác, chế biến, xuất khẩu đất hiếm phải có sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ. Do vậy các cơ quan chức năng cần vào cuộc khẩn trương, quyết liệt để làm rõ thông tin báo phản ánh. Các hành vi vi phạm phải được xử lý nghiêm minh.

Thực tế thời gian qua không riêng đất hiếm mà nhiều loại quặng, khoáng sản khác như sắt, apatit, vàng, than... cũng bị không ít cá nhân, thậm chí công ty khai thác trái phép với số lượng lớn.

Do đó điều quan trọng nhất cần tăng cường quản lý, xây dựng chiến lược khai thác, bảo vệ các loại khoáng sản rất quan trọng này. Trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành cần rà soát, kiểm tra, xây dựng các quy định, chiến lược cụ thể với từng loại khoáng sản. Với các loại khoáng sản như đất hiếm thì vai trò quản lý, bảo vệ của chính quyền địa phương là quan trọng nhất. Các địa phương có quyết liệt vào cuộc mới làm tốt được việc bảo vệ, quản lý các loại khoáng sản như đất hiếm.

Các địa phương cũng cần giao cho các đơn vị, lực lượng chuyên trách để làm nhiệm vụ này thường xuyên, liên tục tránh việc "đánh trống bỏ dùi". Bên cạnh đó, khi phát hiện vi phạm của cá nhân, tổ chức phải xử lý nghiêm minh, công khai, không ngoại trừ. Nếu đến mức xử lý hình sự cần khởi tố để điều tra, làm rõ.

Phải thực sự quyết liệt xây dựng chiến lược quản lý, khai thác, bảo vệ và xử lý nghiêm minh mọi vi phạm mới mong giải quyết được tận gốc cảnh "chảy máu" đất hiếm cũng như các loại khoáng sản chiến lược khác.

THÀNH CHUNG ghi

Ông N.V.D. (36 tuổi, ở xã Tề Lễ), giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ T.D. (trụ sở chính tại khu 6, xã Tề Lễ, huyện Tam Nông, Phú Thọ), giao cho công nhân đóng bao 10 tấn đất hiếm đã nghiền nhỏ - Ảnh: QUANG THẾ

Ông N.V.D. (36 tuổi, ở xã Tề Lễ), giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ T.D. (trụ sở chính tại khu 6, xã Tề Lễ, huyện Tam Nông, Phú Thọ), giao cho công nhân đóng bao 10 tấn đất hiếm đã nghiền nhỏ - Ảnh: QUANG THẾ

Để bản làng nghèo cạnh mỏ đất hiếm giàu lên

Ít ai biết được từ đầu những năm 1980 một số mỏ đất hiếm ở Tây Bắc đã được khai thác và những nơi này từng trải qua một thời kỳ hoàng kim.

Thế nhưng, khi thực hiện tuyến bài phóng sự điều tra "Buôn bán ngầm đất hiếm" (đăng trên Tuổi Trẻ từ 28-6 đến 1-7), điều mà chúng tôi dễ nhận thấy là phần lớn những bản làng cạnh mỏ khoáng sản chiến lược của quốc gia có cuộc sống khá vất vả, người dân phải đi làm xa nhà và kiếm cái ăn hằng ngày.

Dù gần 40 năm trôi qua nhưng trong ký ức của một số người cao niên ở bản Mầu (xã Nậm Xe, huyện Phong Thổ, Lai Châu) vẫn chưa thể quên được những ngày tháng rực rỡ của ngành khai khoáng (chiết tách), hoạt động tấp nập xuyên đêm. Đầu năm 1984, nhiều bản làng sương mờ ở Tây Bắc đang còn khép mình sau những cánh rừng già thì vùng đất Nậm Xe đã rực sáng nhờ hệ thống phát điện của người Tiệp Khắc (cũ) đưa đến phục vụ thăm dò, khai thác đất hiếm. Thanh niên trai tráng ở các bản vùng đất Phong Thổ nhanh chóng được đào tạo trở thành công nhân khai khoáng. Nhờ đó mà cuộc sống dân bản nơi đây gần như sang trang mới do công nhân được trả lương kèm phụ cấp sức khỏe rất cao và đường sữa, đồ hộp ngon ăn, uống, bồi bổ.

Đưa chúng tôi đến những cửa hầm khai thác năm xưa nay chỉ còn vết tích, ông Sần Văn Mẩu (40 tuổi, bản Mầu) nói khi ông lớn lên việc khai thác đất hiếm tại đây không còn nữa. Sau này, cửa hầm đã được bịt kín nhưng với những người ở lứa tuổi cha, chú vẫn không thể quên được ngày tháng hoàng kim ấy dù thời gian người Tiệp Khắc đến thăm dò, khai thác không quá dài. Gần 40 năm trôi qua, cũng chính từ cửa hầm ấy, hướng mắt về phía xa là bản Mầu - nơi sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều khó khăn, nằm lọt thỏm, ẩn mình bên khe suối nhỏ...

Cách bản Mầu khoảng 130km, men theo quốc lộ 4D chạy ngang qua dãy núi Hoàng Liên Sơn là bản Sín Chải (xã Nậm Pung, huyện Bát Xát, Lào Cai) có 28 hộ dân - người dân tộc Hà Nhì - nhưng theo Chủ tịch UBND xã Nậm Pung Lý Gì Mờ thì có đến 90% là hộ nghèo cạnh cánh rừng già. Hay sống bên mỏ Đông Pao (xã Bản Hon, huyện Tam Đường, Lai Châu) - mỏ đất hiếm lớn nhất Việt Nam - là rải rác những ngôi nhà của bà con người dân tộc Lự dù nằm ở vị trí trung tâm, đường sá thuận lợi nhưng cuộc sống cũng chẳng mấy khấm khá hơn là bao.

Mong ngành công nghiệp khai thác, chế biến chuyên sâu đất hiếm của nước ta sớm hình thành. Và chúng ta có thể làm chủ công nghệ, chế tạo các thiết bị có hàm lượng công nghệ cao. Từ đó, cuộc sống của bà con cạnh những mỏ khoáng sản chiến lược đất hiếm ắt hẳn cũng ngày càng tốt hơn lên.

Các cơ quan chức năng vào cuộc

Ngay sau khi Tuổi Trẻ khởi đăng bài đầu tiên (ngày 28-6) trong tuyến bài điều tra "Buôn bán ngầm đất hiếm", Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng nhiều địa phương ở phía Bắc đã vào cuộc.

- Ngày 28-6, ông Mai Văn Thạch, giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lai Châu, cho biết lãnh đạo UBND tỉnh Lai Châu đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Công an tỉnh vào cuộc xác minh nội dung báo Tuổi Trẻ nêu trong phóng sự điều tra.

- Ngày 29-6, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên cho hay đã chỉ đạo Cục Khoáng sản Việt Nam vào cuộc, đồng thời ông ký văn bản gửi các tỉnh Lai Châu, Yên Bái, Lào Cai, Phú Thọ, Thanh Hóa xác minh thông tin, có biện pháp bảo vệ khoáng sản đất hiếm.

Chiều cùng ngày, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Tống Thanh Hải thông tin: "Trước mắt tôi đã chỉ đạo các cơ quan tăng cường vào cuộc bảo vệ, quản lý khoáng sản đất hiếm trên địa bàn".

Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy cũng cho biết đã thống nhất với UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng trên địa bàn vào cuộc kiểm tra, xử lý theo quy định. Lãnh đạo Công an tỉnh Yên Bái thông tin đã chỉ đạo các cơ quan vào cuộc xác minh.

- Ngày 30-6, ông Vũ Tiến Tú, giám đốc Công ty cổ phần Đất hiếm Lai Châu, cho biết: "Chúng tôi đã tăng cường công tác quản lý, bảo vệ mỏ đất hiếm Đông Pao. Công ty mới được giao quản lý 19ha, vẫn đang cắt cử người để bảo vệ".

Chiều cùng ngày, Cục Khoáng sản Việt Nam ký thêm một văn bản hỏa tốc gửi hai công ty được cấp giấy phép khai thác mỏ đất hiếm ở Lai Châu và Yên Bái khẩn trương báo cáo về tình hình hoạt động khoáng sản trên địa bàn trong phạm vi giấy phép được cấp.

Lãnh đạo UBND tỉnh Phú Thọ cho hay sau khi nắm bắt thông tin trên báo Tuổi Trẻ sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc.

Chiều 2-7, trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ qua điện thoại, đại diện Công an tỉnh Lai Châu cho biết đơn vị này đang khẩn trương xác minh thông tin, làm việc với những người có trong nội dung phóng sự điều tra "Buôn bán ngầm đất hiếm".

QUANG THẾ

Vụ buôn bán ngầm đất hiếm: Phải ngăn "chảy máu" khoáng sản chiến lược quốc giaVụ buôn bán ngầm đất hiếm: Phải ngăn 'chảy máu' khoáng sản chiến lược quốc gia

Chiều 30-6, lãnh đạo tỉnh ủy, UBND tỉnh một số địa phương cho biết đã chỉ đạo kiểm tra, xác minh sau khi Tuổi Trẻ có loạt bài điều tra "Buôn bán ngầm đất hiếm" (khởi đăng từ ngày 28-6).

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp