Tiến sĩ khoa học Phạm Đỗ Nhật Tiến phát biểu tại hội thảo - Ảnh: VIỆT DŨNG
Bài tham luận chưa đầy 10 phút của tiến sĩ khoa học Phạm Đỗ Nhật Tiến - nguyên trợ lý bộ trưởng Bộ GD-ĐT, tại hội thảo về (do Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội tổ chức) nhận được sự hưởng ứng đặc biệt của các đại biểu.
Theo ông Phạm Đỗ Nhật Tiến, với vấn đề tự chủ giáo dục, Việt Nam đang tiếp cận theo kiểu đánh đổi giữa quyền tự chủ với việc tự bảo đảm các khoản chi, khuyến khích và đòi hỏi nhà trường cố gắng tạo ra các khoản thu ngoài ngân sách, và dùng các khoản thu này để "mua" lấy quyền tự chủ.
Về bản chất, đó là một cách tiếp cận mang tính thị trường. Không thể coi giáo dục phổ thông là nơi áp dụng cơ chế thị trường được, mà cần coi giáo dục phổ thông, đặc biệt giáo dục phổ cập từ mẫu giáo 5 tuổi đến hết THCS, là dịch vụ công thiết yếu, nơi Nhà nước cần đầu tư ngân sách để bảo đảm các khoản chi của nhà trường.
"Tiếp cận thị trường trong giáo dục phổ thông là một việc làm lợi bất cập hại. Nó tạo ra trong nhà trường một môi trường, mà cả thầy và trò đều đứng trước các xung đột về giá trị.
Đó là các xung đột giữa một bên là các giá trị hướng tới phẩm chất người học, mà chương trình giáo dục phổ thông phải thực hiện, với một bên là các giá trị thị trường, mà dù muốn hay không nhà trường phải theo đuổi, để tạo ra các khoản thu và dẫn đến lạm thu" - ông Tiến nhấn mạnh.
Từ đó, ông Tiến đề xuất nên tiếp cận vấn đề tự chủ hướng tới văn hóa chất lượng, không có chuyện tự bảo đảm các khoản chi để được giao quyền tự chủ.
Nhà trường vẫn được cấp ngân sách nhà nước đầy đủ, được giao quyền tự chủ khi đã được kiểm định và công nhận về chất lượng, có một hội đồng trường đủ mạnh và thực hiện trách nhiệm giải trình một cách tin cậy.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận