Ngay năm học đầu tiên, sinh viên cần phải tìm hiểu kỹ chương trình đào tạo để xác định mình chọn ngành có phù hợp với năng lực, sở thích hay không - Ảnh: TRẦN HUỲNH
Tôi hiểu được suy nghĩ của các nhà tuyển dụng, doanh nghiệp khi phải "đề nghị" nhà trường cho . Điểm kém mới giúp sinh viên nhận thức được nếu không nỗ lực học sẽ không thể đạt điểm cao. Khi sinh viên không đạt điểm cao họ mới biết cần phải học.
Điểm kém mới giúp sinh viên bớt ảo tưởng về bản thân để sống trên mặt đất thay vì chỉ biết đòi hỏi việc nhẹ lương cao...
Còn nhớ năm đó, tôi làm trưởng đoàn thực tập sư phạm ở một trường phổ thông. Ngay trong buổi làm việc đầu tiên, thầy hiệu trưởng tuyên bố rất mạnh mẽ: nếu giáo sinh nào lên lớp dạy mà không có giáo viên hướng dẫn dự, tôi sẽ kỷ luật cả giáo sinh và giáo viên. Giáo sinh phải biết từ chối nếu như bị người hướng dẫn nhờ lên lớp 1 mình.
Sau đó vài tuần, tôi không báo trước mà chủ động xuống dự giờ dạy của các bạn giáo sinh. Khi đã vào trường, tôi mới gọi điện thoại cho thầy hiệu trưởng. Lúc này thầy đang đi công tác xa nên không gặp được.
Khi tôi vào lớp dự giờ, một bạn giáo sinh của tôi lên lớp mà không có giáo viên hướng dẫn. Tiết giảng đã diễn ra rất tệ. Giáo sinh không có giáo án, không giảng mà chỉ đọc từ sách giáo khoa cho lớp chép và nói vài câu chuyện vu vơ.
Kết thúc giờ giảng, tôi đã gặp riêng và nhắc nhở bạn giáo sinh đó. Bạn bào chữa rằng "do giáo viên nhờ gấp quá nên em không kịp soạn giáo án".
Sau đó tôi ra về. Vậy nhưng không hiểu vì sao sau đó thầy hiệu trưởng biết chuyện và gọi bạn giáo sinh đó lên nhắc nhở rất nghiêm khắc.
Bạn giáo sinh nghĩ tôi đã "méc" thầy hiệu trưởng và vô cùng lo lắng kết quả thực tập của mình. Bản thân tôi dù làm đúng nhưng cũng cảm thấy hơi áy náy. Nhưng mọi sự lo lắng của chúng tôi hóa ra lại là thừa vì cuối cùng em được… 10 điểm. Tôi thấy sốc!
Một năm khác, tôi làm trưởng đoàn thực tập sư phạm ở một trường phổ thông. Trong đoàn có 1 sinh viên do tôi làm cố vấn học tập. Bạn này bình thường học hành rất tệ, chuyên gia nợ môn và cúp học.
Ngay buổi đầu tiên xuống trường phổ thông, bạn đến muộn. Tôi phải gọi điện, nhắc nhở thường xuyên vì sợ lỡ bạn gây ra vụ việc gì thì ảnh hưởng đến uy tín của nhà trường.
Tôi cũng trao đổi với trường phổ thông rằng trong số mấy chục giáo sinh cũng có những bạn học hành không tốt lắm nên chắc chắn việc soạn giáo án và lên lớp sẽ có nhiều hạn chế. Và trên thực tế, giờ giảng của những bạn này đã tệ như tôi dự đoán.
Nhưng đến hôm tổng kết đợt thực tập sư phạm, bạn sinh viên mà tôi lo nhất, bất an nhất được điểm thấp nhất đoàn là…8,5 điểm.
Nhiều lần làm trưởng đoàn đưa sinh viên đi thực tập sư phạm, tôi nghe nhiều lời phàn nàn, kêu ca về việc sinh viên yếu kiến thức, kém kỹ năng - không chỉ là kỹ năng sư phạm mà cả kỹ năng ứng xử, giao tiếp...
Chê nhiều như vậy nhưng cuối cùng điểm số sinh viên lại cao chót vót, trong đó điểm 8,5 rất hiếm, chủ yếu 9, 10.
Lý do là các trường cho rằng sinh viên thực tập đang là những người "thợ học việc" nên điểm chấm là chấm sự cố gắng, chấm nội dung chứ chưa phải chấm phương pháp. Mặt khác, với tâm lý giơ cao đánh khẽ, các thầy cô muốn tạo cơ hội để sinh viên sư phạm có thể tốt nghiệp loại khá, có như vậy mới có điều kiện để nộp hồ sơ xin việc.
Vì vậy sinh viên khi đi thực tập sư phạm có tâm lý ỷ lại, qua loa đại khái, giáo án thì copy của người khác, lúc 1 mình đứng lớp thì đọc nguyên trong giáo án chứ không giảng vì biết trước đằng nào thì điểm cũng giỏi với xuất sắc chứ không rớt được.
Đôi lúc, tôi cũng ước giá sinh viên của mình… được điểm kém. Nhưng đó chỉ là ước trong lòng, chứ nếu tôi nói ra có khi lại bị cho là "cô ác quá!"!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận