Kỳ 1:
Phóng to |
Nelson Mandela trong một lần thăm lại nhà tù đảo Robben - Ảnh: myhero.com |
Lãn công
Tôi từng nghe nói: rét thấu xương. Giờ đây mới được “hưởng” cái rét mà không từ nào chính xác hơn là “thấu xương”. Vào tháng 6, tháng 7, đảo Robben nóng nhưng rất ẩm. Tháng 12 thì gió rét, không ngày nào nhiệt độ lên quá 5OC. Giữa trời nắng tôi vẫn run cầm cập vì chiếc quần đùi và áo mỏng không đủ che thân nói gì chống được rét. Lao động khổ sai nặng nhọc - đào hào - nhưng bữa trưa là xúp loãng và có mùi hôi. Buổi chiều, sau giờ lao động khổ sai, chúng tôi được nửa giờ “tự do” và tận dụng 30 phút này chạy cho ấm người.
Đào hào và đá, đập đá tảng thành đá dăm, chở bằng xe cút kít đến nơi phải rải là những công việc nặng nhọc. Nhiều người trong chúng tôi vốn là lao động trí óc nên không quen và không đủ sức. Một hôm Karthy phải đẩy xe cút kít chở đầy đá. Anh không làm sao giữ thăng bằng chiếc xe một bánh này. Những tên cai tù vung roi dọa anh. Chúng không chỉ dọa suông.
Tôi đang ngồi nghỉ, chứng kiến cảnh Karthy lúng túng vừa buồn cười vừa tức giận. Tôi nhảy đến chỗ anh, kịp nâng xe, hướng dẫn cho Karthy cách giữ thăng bằng và đẩy xe đi trước khi tên cai tù nắm cổ tôi không cho giúp bạn. Karthy vượt qua “phút hiểm nghèo” ấy, đã giữ được thăng bằng và đẩy xe đi với nụ cười trên môi.
Bọn cai ngục “nâng định mức từng ngày”. Không thể như thế được. Phải chống lại chúng. Chúng tôi làm “vượt mức” cho chúng thấy và đưa mắt báo cho nhau: không chấp nhận bất cứ một hình thức nào khác nữa nhằm nâng mức của bọn cai tù. Từ đầu tuần sau chúng tôi lãn công, làm với tốc độ chỉ bằng một nửa ngày thường tuần trước.
Bọn cai tù nhanh chóng nhận ra tình cảnh bê trễ “trên công trường”. Chúng đe dọa sẽ trừng phạt. Mặc kệ. Chúng tôi chỉ làm có thế.
Ngay từ ngày đến đảo tôi đã phản đối, không chấp nhận mặc quần đùi. Tôi yêu cầu được gặp chúa đảo và đưa ra một bản kháng nghị nhiều điểm. Bọn chúng từ chối tất cả.
Thế nhưng hai tuần sau tôi bỗng thấy có quần dài trong xà lim. Không có bộ comlê sang trọng nào làm tôi vui mừng hơn lúc nhìn thấy hai chiếc quần dài bằng vải kaki thô trong xà lim của mình. Nhưng trước khi mặc quần vào người, tôi phải biết liệu các chiến hữu của tôi cũng được cấp như tôi hay không.
Không. Họ không được “đặc ân” ấy. Tôi yêu cầu người lính canh tù mang hai cái quần dài trả lại cho chúa đảo. Tôi nói với y rằng đòi hỏi của tôi là cho tất cả tù nhân. Người lính gác nói lẩm bẩm: “Ông Mandela, ông đã nói là muốn có quần dài và bây giờ đã có quần dài thì ông đòi trả lại nghĩa là sao?”.
Người lính gác từ chối không nhận hai cái quần vốn dành cho người da đen. Cuối cùng thì chủ trại giam đến xà lim tôi và mang hai cái quần đi. Hắn nói: “Tốt thôi Mandela ạ. Ông phải mặc quần đùi như mọi tù nhân khác”. Tôi nói thẳng với y: “Nếu ông đã cấp quần dài cho tôi thì vì sao những người khác lại không được cấp?”. Y không trả lời.
Không bao giờ mất lòng tin
Trên đảo, người tù không được sử dụng đồng hồ và vì vậy chúng tôi không bao giờ biết chính xác giờ giấc. Chúng tôi chỉ còn biết nghe tiếng chuông, tiếng còi và tiếng hét của lính canh. Không biết ngày, tuần, tháng.
Tôi là người đầu tiên có sáng kiến ra “lịch tường” trong xà lim. Việc không còn có cảm giác về thời gian là phương pháp thuận lợi có chủ đích của nhà cầm quyền làm cho người tù vừa mất hết tự do vừa mất hết sự kiểm tra chính mình và thậm chí đánh mất luôn sức hoạt động trí não của mình.
Thời gian trong tù đi rất chậm, ngày như dài vô tận. Nhàn cư càng làm cho thời gian như dừng lại. Nhưng việc đó đã không xảy ra ở đảo Robben. Chúng tôi đã tổ chức các hoạt động tấp nập, bận rộn. Học tập và thảo luận tình hình và thời cuộc diễn ra liên tục.
Tuy thế thời gian vẫn không trôi nhanh như bình thường. Có lẽ do ở bên ngoài những công việc ấy chỉ phải giải quyết trong vài giờ thì ở trong tù phải vài tuần, thậm chí vài tháng.
Yêu cầu một bàn chải đánh răng người tù phải chờ đúng năm tháng. Một người đã phải thốt lên một phút trong tù dài như mấy năm, nhưng năm tháng thì trôi nhanh như phút vậy. Một buổi chiều đập đá dài tưởng chừng như vô tận, nhưng bỗng ngoảnh đi ngoảnh lại sẽ hết năm và người ta không biết các tháng biến đi đâu!
Đối với tù chính trị thì vấn đề quan trọng bậc nhất là những năm tháng trong tù không gây ra những tổn thất, không đánh mất, trái lại tăng được lòng tin khi rời khỏi địa ngục ấy.
Nhiệm vụ đầu tiên của người tù là học chính xác cần phải làm việc gì để tồn tại trong bối cảnh nghiệt ngã. Muốn vậy ta phải biết được ý định của kẻ thù, qua đó tìm được đối sách phù hợp nhằm phá tan mưu đồ ác độc của chúng. Nhà tù có ý nghĩa gì khác hơn là nhằm bẻ gãy ý chí và tiêu diệt lòng tin của người tù.
Để làm được điều đó, kẻ thù khai thác triệt để mọi điểm yếu của từng người tù nhằm hủy hoại mọi sáng kiến, ý tưởng, phủ định mọi cá tính...
Tất cả chỉ nhằm dập tắt chất con người trong mỗi chúng tôi, xóa đi cái tôi của người tù và biến người tù thành một cái gì đó vô tri vô giác, vô bản ngã, chỉ còn là một sinh vật không não, không tim, không ý chí, không hoài bão...
Tôi không biết nếu phải sống một mình có đủ sáng suốt để nhận ra chân tướng của kẻ thù hay không. Nhưng thiếu sót lớn nhất của chúng là để cho chúng tôi chung sống với nhau. Nó thật sự đã tăng cường đáng kể sức mạnh của chúng tôi.
Chúng tôi có thể giúp đỡ nhau và tăng sức mạnh cho nhau. Những gì chúng tôi biết được, tiếp thu được đều chia sẻ với nhau và qua đó tăng sức mạnh cho nhau, giúp nhau giữ được bản lĩnh của từng người.
Dĩ nhiên không phải ai cũng phản ứng và chịu đựng như nhau. Có người khỏe, kẻ yếu. Người chịu đòn giỏi và người nhát đòn. Nhưng người khỏe có thể đỡ đần được cho người yếu và như vậy làm cho cả hai đều khỏe lên.
Hơn nữa trong một chừng mực nhất định, chính chúng tôi chứ không phải chúa đảo hay cai tù quyết định chúng tôi nên và phải tổ chức cuộc sống trong tù như thế nào.
Là người lãnh đạo, thỉnh thoảng ta phải làm đôi ba việc không gây tiếng vang hay kết quả những việc làm ấy không lộ diện trong nhiều năm. Có những thành công vẻ vang mà chỉ người tạo ra nó biết mà thôi.
Điều này càng có ý nghĩa trong nhà tù mà ở đó người ta tìm được niềm an ủi rằng mình đã giữ được khí tiết, trung thành với lý tưởng mà có thể chẳng ai biết cả.
Tôi đã bị “loại ra rìa cuộc sống”, nhưng tôi biết hơn lúc nào rằng mình không thể buông xuôi hai tay, không thể từ bỏ cuộc chiến đấu.
Tôi đang ở trong một trường đấu khác mà chiến binh và khán giả cũng là chính mình và những kẻ áp bức mình. Chúng tôi chiến đấu ở đó như chiến đấu ngoài đời. Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và sự áp bức đều y hệt nhau.
Chúng tôi chỉ chiến đấu trong những điều kiện khác mà thôi. Nhà tù và bọn cầm quyền đã thề cướp hết danh dự của mọi tù nhân.
Nếu ta sống sót, giữ vững khí tiết, không khuất phục, không để cho bất cứ kẻ nào cướp mất danh dự thì có nghĩa ta không thua. Không bao giờ trong những ngày gian khổ ấy tôi mất lòng tin vào một ngày kia tôi ra khỏi nhà tù. Tôi không bao giờ tin bản án chung thân giam hãm tôi suốt đời sau cánh song sắt.
Nếu có lúc nào đó suy nghĩ đến kết thúc bi thảm ấy, tôi lập tức “tìm lại mình” và xua đuổi bóng đêm ấy đi. Tôi tin chắc vào một ngày nào đó, mình lại được đặt chân lên thảm cỏ mát rượi của quê hương, dạo chơi dưới ánh nắng chan hòa với tư cách một con người tự do.
“Xiềng xích cơ thể thường chắp cánh cho tinh thần”. Xưa nay là như thế và tương lai cũng sẽ luôn như thế. Shakespeare trong vở kịch Xin tùy ý thích (As you like it) cũng có ý tưởng tương tự với cách diễn đạt hơi khác: “Ngọt ngào thay khi tận dụng nghịch cảnh. Nghịch cảnh như con cóc, xấu xí và chứa nọc độc nhưng lại đeo một viên ngọc quý trên đầu”. Hay như một vài người khác vẫn nói: “Chỉ mục đích lớn lao mới đem lại nguồn năng lượng lớn lao”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận